Do người bạn là nhân viên ngân hàng, thường giao dịch những số tiền lớn, nên khi được nhờ chuyển 220.000 đồng chị này đã chuyển đến.... 220 triệu đồng.

Mua ‘hàng’ 220.000 đồng, gửi nhầm…220 triệu

Nguyên Việt | 16/04/2018, 17:25

Do người bạn là nhân viên ngân hàng, thường giao dịch những số tiền lớn, nên khi được nhờ chuyển 220.000 đồng chị này đã chuyển đến.... 220 triệu đồng.

Anh Nguyễn Phong Nhã (SN 1989) làm quản lý cho 1 tiệm game ở quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Anh Nhã cho biết, công việc của anh thường xuyên mua bán những tài khoản game online. Tối 5.4, 1 khách hàng yêu cầu anh tìm giúp 1 tài khoản game. Sau một hồi tìm kiếm trong nhóm chơi game trên mạng xã hội, anh Nhã cũng tìm được 1 tài khoản game phù hợp với giá trị 220.000 đồng.

“Tôi và bên bán tài khoản thỏa thuận, tôi chuyển tiền rồi bên bán sẽ chuyển tên tài khoản và mật khẩu. Người bán tài khoản cho tôi là 1 thanh niên trẻ ở Hà Nội. Tôi đã từng mua nhiều tài khoản game như thế mà không xảy ra vấn đề gì”, anh Nhã trình bày.

Sau khi thỏa thuận xong với người bán, anh Nhã nhờ 1 người bạn làm nhân viên ngân hàng, nơi anh đăng ký mở thẻ, chuyển tiền cho người mua.

“Do tài khoản của người mua khác ngân hàng, tôi chuyển không rành nên mới nhờ bạn. Lúc đó cũng đã hơn 10 giờ tối rồi nên tôi cũng muốn làm cho nhanh. Tôi nhắn cho bạn tôi số tài khoản, mật khẩu nhờ chuyển vào số tài khoản người bán 220k (tức 220.000 đồng - PV)”, anh Nhã nói.

Chị V.T.M.T., bạn anh Nhã, là nhân viên 1 ngân hàng có chi nhánh tại Cần Thơ nhận được lời nhờ của bạn thì dùng điện thoại để chuyển tiền. Nhưng thay vì chuyển 220.000 đồng, chị T. lại chuyển nhầm số tiền lên đến 220 triệu đồng.

Chị T. cho biết: “Khi nhận được tin nhắn của anh Nhã, tôi cứ đinh ninh trong đầu là mình chuyển… 220 triệu. Tôi thường chuyển tiền cho khách hàng với số tiền lớn nên cứ nghĩ là 220 triệu. Hơn nữa, lúc đó tôi lại đang đi đám ma của người thân nên cũng rối rắm. Anh Nhã nhờ chuyển, tôi mới mở điện thoại chuyển tiền qua Internet banking dưới tài khoản của anh ấy”.

Sau khi chị T. chuyển tiền, chỉ một lát sau, anh Nhã nhận được tin nhắn tài khoản của mình bị trừ 220 triệu đồng. “Lúc đầu tôi đọc cũng không nghĩ gì, nhưng tự dưng tôi thấy có gì đó không đúng. Tôi đọc đi đọc lại mấy lần thì mới tin chắc là mình bị trừ 220 triệu. Tôi hoảng hồn gọi cho bạn mình để hỏi sự tình”, anh Nhã kể lại.

Chị T. nhận được điện thoại của anh Nhã thì cũng “hồn vía lên mây”. Ngay lập tức, anh Nhã gọi điện cho người bán tài khoản game, còn chị T. thì gọi điện cho các đồng nghiệp ngân hàng nhờ phong tỏa tài khoản của người bán. Nhưng do tiền đã được chuyển đến tài khoản của người bán nên không còn cách nào khác.

Trong đêm hôm đó, chị T. và anh Nhã đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất là sẽ mất số tiền. Sau nhiều nỗ lực, anh Nhã cũng liên hệ được với người bán tài khoản game.

Giấy bảo chuyển tiền của anh Nhã còn thiếu hơn 10 triệu đồng - Ảnh: Thanh Nguyên

“Tôi trình bày và nói là chuyển lộn tiền, thanh niên này lúc đầu nói là không biết, vì phải đi kiểm tra tài khoản mới biết. Cậu ta nói không đăng ký nhắn tin qua điện thoại. Rồi sau đó anh ta đòi phải chi 10% tức là 22 triệu đồng thì anh ta mới chuyển lại. Tôi nói nếu cậu ta không gửi sẽ trình báo công an, cậu ta không sợ mà còn thách thức tôi. Những cuộc trò chuyện điện thoại với anh ta tôi đều ghi âm lại”, anh Nhã trình bày.

Qua ngày hôm sau, khoảng gần 10 giờ sáng, anh Nhã nhận được 209.762.060 đồng chuyển vào tài khoản. Người chuyển là Vu Duy Anh, và anh Nhã cho biết đó chính là tên người bán tài khoản game mà mình chuyển tiền nhầm.

“Như vậy cậu ta đã chiếm đoạt của tôi hơn 10 triệu đồng. Tôi đã làm đơn tố cáo hành vi này đến cơ quan công an. Đồng ý là phía chúng tôi sơ suất nên chuyển lộn tiền, tôi sẵn sàng gửi tiền cám ơn cậu ta nếu anh ta có thiện chí chứ không phải là tìm cách o ép tôi. Rồi đến cuối cùng, cậu ta cũng không hề chuyển tên tài khoản, mật khẩu game như thỏa thuận”.

Luật sư Ngô Việt Bắc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, những hành vi trên của thanh niên bán tài khoản game đã có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác. Lịch sử chuyển và nhận tiền và những chứng cứ mà anh Nhã và chị T. cung cấp là những đoạn ghi âm nói chuyện sẽ là 1 trong những chứng cứ để cơ quan điều tra làm việc.

Thanh Nguyên
Bài liên quan
Chiêu lừa 'con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp để mổ' tái diễn tại TP.HCM
Nhiều phụ huynh tại TP.HCM cho biết, vào hôm nay (18.11), kẻ lừa đảo đã thực hiện lại thủ đoạn gọi điện thông báo “con đang cấp cứu, phải chuyển tiền gấp”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua ‘hàng’ 220.000 đồng, gửi nhầm…220 triệu