Nếu đặt ra câu hỏi, đâu sẽ là viễn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong vòng 10-20 năm tới, thì câu trả lời có lẽ là một nền kinh tế ngày càng hướng đến kinh tế thị trường, trong đó khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng.

Một siêu ủy ban 5 triệu tỉ đồng để cải cách khu vực kinh tế quốc doanh?

Nhàn Đàm | 02/06/2016, 11:30

Nếu đặt ra câu hỏi, đâu sẽ là viễn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong vòng 10-20 năm tới, thì câu trả lời có lẽ là một nền kinh tế ngày càng hướng đến kinh tế thị trường, trong đó khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng.

Đó là mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng 12 đã đặt ra, và cũng là mục tiêu mà các nghị định của chính phủ đang hướng tới. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chuyển dần từ mô hình đặt trọng tâm vào khối kinh tế quốc doanh đã duy trì trong 3 thập niên qua để chuyển nguồn lực sang cho khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ phải dần tái cơ cấu, cổ phần hóa và hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn. Cải cách nền kinh tế Việt Nam hiện tại sẽ phụ thuộc vào kết quả của hai quá trình được thực hiện song song này. Các nghị định hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã có, vậy đâu là giải pháp cho việc cơ cấu các DNNN? Câu trả lời có vẻ như đang là: một siêu ủy ban 5 triệu tỉ đồng.

Siêu ủy ban 5 triệu tỉ là gì? Đó sẽ là một cơ quan chuyên trách theo kết luận của đại hội Đảng 12 nhằm nâng cao khả năng quản lý và hiệu quả hoạt động của các DNNN trong nền kinh tế. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thì tính đến năm 2014 tổng cộng có khoảng 800 DN mà Nhà nước nắm 100% vốn, với tổng tài sản lên đến hơn 3 triệu tỉ đồng. Nếu tính toàn bộ các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì tổng giá trị lên tới khoảng 5 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên vì nhiều lý do, khá nhiều các DNNN trong số này có hiệu quả kinh tế không cao, và là một trong những nguyên nhân gây ra những vấn đề như thất thoát lãng phí, nợ đọng và còn ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế đất nước.

Một siêu ủy ban theo mô hình cơ quan chuyên trách với toàn bộ số DNNN khổng lồ này, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, trên thực tế là mô hình đã được áp dụng và triển khai ở một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hay Singapore, trong đó vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất: tách rời các chức năng chồng chéo của Nhà nước trong hoạt động của các DNNN, cụ thể là sẽ tách riêng việc điều hành để đạt tới hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động của các DNNN với những nhiệm vụ khác vốn bấy lâu nay các DNNN vẫn phải kiêm nhiệm, gây ra sự chồng chéo và kém hiệu quả, như làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường. Nói cách khác, một khi siêu ủy ban 5 triệu tỉ đồng này được thiết lập, mục tiêu lớn nhất đối với các DNNN khi đó sẽ là đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, thay vì phải gánh thêm nhiều chức năng khác dẫn đến việc trở thành bộ phận kinh tế kém hiệu quả trong nền kinh tế đất nước.

Nếu siêu ủy ban này được thành lập, đó có thể sẽ là một bước dài tiến tới nền kinh tế thị trường của khối kinh tế quốc doanh nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trước hết, nó sẽ tách các DNNN ra khỏi hai chức năng cố hữu trước đây là làm chính sách và điều tiết thị trường. Nói cách khác, các DNNN sẽ không còn “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, mà chỉ còn duy nhất nhiệm vụ là đá bóng sao cho tốt, nghĩa là đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế cao lên hàng đầu như mọi thành phần kinh tế khác như khối tư nhân hay khối FDI. Chức năng làm chính sách và điều tiết thị trường sẽ được chuyển về cho chính phủ, vốn là một điều kiện tối cần thiết để tiến tới mục tiêu trở thành một chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ. Nói cách khác, dù có thể sẽ vẫn còn những ưu đãi nhất định, nhưng khi siêu ủy ban 5 triệu tỉ được thành lập, thì các DNNN sẽ chỉ còn là một bộ phận kinh tế bình đẳng với các bộ phận kinh tế khác.

Một khi ủy ban điều hành này được thiết lập và giữ vai trò quản lý hoạt động của tất cả các DNNN, thì cơ chế “bộ chủ quản” vốn là nguồn gốc của cơ chế xin-cho cũng sẽ chính thức bị chấm dứt. Các bộ ngành sẽ không còn được quyền quản lý, điều hành và chi phối các DNNN trực thuộc trong quyền hạn của mình, vốn là nguyên nhân gây ra những trì trệ như trước đây. Tước quyền quản lý và chi phối các DNNN khỏi tay các bộ ngành sẽ là một bước đi tối quan trọng trong việc loại bỏ nguồn gốc của những lợi ích nhóm. Một khi không còn lợi ích đối với các DNNN, các bộ ngành sẽ không còn lý do để trì hoãn các yêu cầu cải cách từ phía thủ tướng như trước nữa.

Đồng thời, điều này cũng sẽ giúp tăng cường cải cách khu vực DNNN. Một khi các DNNN được tập trung về tay một ủy ban thì quá trình tái cơ cấu các DNNN này sẽ diễn ra nhanh hơn là khi các DNNN nằm rải rác và phân tán trong tay các bộ ngành khác nhau. Các quá trình như cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành và cải cách hoạt động của các DNNN sẽ có thể diễn ra nhanh chóng hơn và đạt hiệu quả cao hơn.

Nói cách khác, về lý thuyết thì việc thành lập siêu ủy ban điều hành các DNNN này có thể là lời giải cho các vấn đề trầm kha của khu vực kinh tế quốc doanh của Việt Nam trong thời gian qua. Nó có thể sẽ giải quyết được các lỗ hổng và lỗi hệ thống, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động hướng tới hiệu quả kinh tế cao hơn. Nguồn lực phân bổ trong nền kinh tế sẽ được sử dụng hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, nó không phải là không có những vấn đề đáng suy nghĩ. Trường hợp của Trung Quốc đã chỉ ra việc thiết lập siêu ủy ban điều hành các DNNN này đã không thực sự tạo ra được một mô hình hoạt động hiệu quả và ổn định về dài hạn. Tình trạng các công ty "xác sống" đang tràn lan trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là một ví dụ điển hình, rất nhiều DNNN Trung Quốc làm ăn không hiệu quả nhưng tiếp tục được rót vốn và dẫn đến những khoản thua lỗ khổng lồ, đồng thời lại có những DNNN làm ăn hiệu quả nhưng lại trở nên phình to quá cỡ vượt ra khỏi nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Việc chính phủ Trung Quốc phải chật vật với các công ty "xác sống" và các công ty phình to quá mức này đang là một bài học nhãn tiền cho Việt Nam khi muốn áp dụng cơ chế siêu ủy ban điều hành các DNNN hiện nay.

Chưa kể, điều quan trọng nhất khi thiết lập siêu ủy ban này là việc Việt Nam phải xác định đây chỉ là kế hoạch để giúp khu vực DNNN hoạt động hiệu quả hơn, chứ không phải một giải pháp cứu vãn khối kinh tế quốc doanh để tiếp tục duy trì vị thế độc tôn trong nền kinh tế như những năm vừa qua. Nghị quyết đại hội Đảng 12 đã xác định động lực chính của nền kinh tế là khu vực kinh tế tư nhân, vì thế khối quốc doanh trong tương lai sẽ chỉ giữ vai trò hỗ trợ mà thôi. Nhiệm vụ của siêu ủy ban 5 triệu tỉ vì thế không chỉ là giúp các DNNN hoạt động hiệu quả hơn, mà còn phải là đưa khối quốc doanh trở thành đòn bẩy cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Nhàn Đàm (bài viết sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một siêu ủy ban 5 triệu tỉ đồng để cải cách khu vực kinh tế quốc doanh?