Người Mỹ từ trẻ sơ sinh cho tới người lớn tuổi đã nghỉ hưu hiện đang gánh khoản nợ công quốc gia lên tới 61.967 USD mỗi người.
Ngày 8.9, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng nợ công của Mỹ vượt mức 20.000 tỉ USD, chính xác là đạt 20.162.176.797.904 USD.
Trong số đó, theo Bộ Ngân khố Mỹ thì có tới 14.622.661.213.046 USD là khoản nợ từ các nguồn bên ngoài và 5.539.515.584.857 USD là khoản nợ của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, hay còn gọi là nợ cổ phần nội bộ bên trong chính phủ (Intragovernmental Holdings).
Số nợ của chính phủ liên bang đã bị đình trệ kể từ tháng 3 do mức trần nợ, hay là giới hạn nợ theo quy định mà Bộ Ngân khố Mỹ được phép đạt đến ở bất kỳ thời điểm nào. Kể từ khi giới hạn này được tái áp đặt hồi tháng 3, Bộ Ngân khố Mỹ đã sử dụng “các biện pháp bổ sung” để giữ số nợ ở mức gần 19,84 nghìn tỉ.
Tuy nhiên, cuối tuần trước Tổng thống Mỹ đã ký ban hành một sắc lệnh hoãn áp dụng mức trần nợ công cho tới ngày 8.12.2017. Hành động này cho phép Bộ Ngân khố Mỹ mượn thêm nợ và nếu tới thời hạn trên mà Quốc hội chưa thông qua trần nợ công mới thì cơ quan này sẽ lại tiếp tục sử dụng "các biện pháp bổ sung" để giữ trần nợ.
Ngay lập tức, Bộ Ngân khố Mỹ đã vay thêm 317 tỉ USD để chi trả cho những khoản bổ sung cần phải thanh toán. Các nhà phân tích tài chính cho biết chính phủ của ông Trump có thể tiếp tục dùng những biện pháp kỹ thuật để không vỡ nợ cho tới tận giữa năm 2018, đủ thời gian cho các nghị sĩ thảo luận về việc nâng trần nợ công.
The Hilldẫn lời ông Michael A. Peterson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Peter G. Peterson:Số lượng nợ công của Mỹ vượt mức 20.000 tỉ USDcho thấy tình hình tài chính của Mỹ không tốt. Ông dự đoán trong vòng 10 năm tới, chính phủ Mỹ sẽ phải trả khoản tiền lãi lên tới 6.000 tỉUSD, khoản tiền mà ông gọi là “khoản đầu tư cho quá khứ thay vì tương lai”.
Như vậy, chỉ tính riêng tiền trả lãi nợ công, trong 10 năm tới mỗi người Mỹ sẽ phải gánh 18.440 USD (số dân Mỹ hiện nay là 325.365.189 người).
Nguyên nhân của nợ công tại Mỹ tăng cao là do sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 thì tích lũy của vay nợ hàng năm, vay nợ do thâm hụt ngân sách dẫn đến nước này phải vay thêm để đảo nợ.
Trong đó, nguyên nhân chính gây ra gia tăng thâm hụt ngân sách là do tăng chi chủ yếu cho các chương trình xã hội, và giảm thu chủ yếu là chương trình cắt giảm thuế của chính phủ của ông Barack Obama. Sang đến thời của ông Donald Trump thì chính phủ của ông phải gánh số nợ cũ và lại phải tăng chi cho chương trình xây dựng công trình cơ sở, cải tổ chính sách di cư...
Ái Vi (theo Business Insider và The Hill)