Bộ Tài nguyên - Môi trường đang xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có điểm mới là bổ sung quy định về “Ngân hàng đất nông nghiệp”.

Mô hình 'ngân hàng đất nông nghiệp': Nhiều vấn đề cần làm rõ

Lam Thanh | 17/10/2022, 17:02

Bộ Tài nguyên - Môi trường đang xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có điểm mới là bổ sung quy định về “Ngân hàng đất nông nghiệp”.

Ngân hàng đất nông nghiệp - mô hình mới tại Việt Nam

Dự thảo luật quy định ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Kinh phí hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ quỹ phát triển đất hoặc quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất quy định tại khoản 2 điều này.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho rằng việc bổ sung quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được xem là bước thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa 14 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, Nghị quyết 18 định hướng “Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp”.

Bà Thu cho rằng mô hình ngân hàng đất nông nghiệp là mô hình tiên tiến đã được nhiều nước thực hiện từ trước đó. Với mô hình này người nông dân có đất có thể đưa đất vào “ngân hàng đất nông nghiệp”, sau đó các “ngân hàng đất nông nghiệp” sẽ cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại, từ đó người dân không có nhu cầu sử dụng đất vẫn có lợi nhuận khi được trả chi phí từ hệ thống “ngân hàng đất nông nghiệp”, hoặc có thể lấy lại đất để sản xuất, canh tác khi có nhu cầu.

Điển hình như ở Nhật Bản, mô hình ngân hàng đất nông nghiệp với các chi nhánh ở khắp các địa phương, nhằm thúc đẩy quá trình tập trung đất đai. Thông qua Ngân hàng Đất nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản thu hồi hoặc mua đất nông nghiệp hoang hóa, sau đó cho các công ty lớn thuê lại để canh tác.

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cũng đồng quan điểm rằng mô hình ngân hàng đất nông nghiệp thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.

tuyen.jpg
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội phát biểu

“Khi đó, người nông dân có đất nhàn rỗi, thay vì bỏ hoang thì họ cho thuê vào ngân hàng đất nông nghiệp. Ngân hàng này cho các doanh nghiệp thuê lại và trích từ tiền đó trả cho người nông dân. Như vậy, người nông dân vẫn giữ được đất, đồng thời có thêm thu nhập từ mảnh đất của mình, doanh nghiệp cũng có đất đai để sản xuất lớn. Khi người nông dân cần lấy lại đất thì họ có thể lấy lại. Việc này cũng tương tự như việc người có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm vậy”, ông Tuyến nói.

Hạn chế bỏ hoang đất đai, thúc đẩy tích tụ ruộng đất

Theo bà Thu, ở Việt Nam hiện nay việc sử dụng đất nông nghiệp ở một số tỉnh đồng bằng đang xảy ra tình trạng phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí đầu vào lớn nhưng sản phẩm ở đầu ra lại gặp tình trạng giá thấp, thị trường bấp bênh. Điều đó dẫn đến hiện tượng người dân bỏ đất hoang, không sản xuất vì hiệu quả thấp, song họ cũng không chuyển nhượng, cho thuê vì có tâm lý giữ đất phòng thân. Trong khi đó, pháp luật về đất đai hiện hành không cho phép các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.

“Điều này gây ra mâu thuẫn vì đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, trong khi đó các doanh nghiệp khó tiếp cận với đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn. Do đó, việc ra đời mô hình ngân hàng đất nông nghiệp là một giải pháp để giải quyết bất cập này”, bà Thu nhận định.

Theo luật sư Thu, việc lập ngân hàng đất nông nghiệp được kỳ vọng là công cụ quan trọng để hạn chế tối đa tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, xây dựng chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao hơn. Xây dựng cơ chế tích tụ đất đai, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình, cá nhân với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Luật sư Phạm Thị Thu cho rằng các quy định đều phải đặt quyền lợi của nông dân ưu tiên hàng đầu, mục tiêu phải bảo vệ được người nông dân, phải bảo đảm đời sống, sinh kế ngày một tốt hơn cho nông dân, để nông dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển, tích tụ và tập trung.

Dự thảo luật cần giải thích cụ thể về khái niệm tích tụ đất nông nghiệp, khái niệm tập trung đất nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp theo hướng không nên quy định về hạn mức giao đất, cho thuê đất nông nghiệp mà thay thế bằng việc bổ sung quy định chính sách thuế để điều chỉnh quy mô sử dụng đất nông nghiệp và vẫn duy trì một nền nông nghiệp trực canh, để đảm bảo người có tiền gom đất trục lợi.

luat-su-pham-thi-thu.jpg
Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội

Đồng thời, theo bà Thu, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đi kèm điều kiện như phải có kế hoạch sử dụng đất cụ thể, phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất nông nghiệp, phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp, phải có trụ sở hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gần vùng sản xuất…

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng cần phải làm rõ cơ quan nào quản lý ngân hàng đất nông nghiệp. “Ngân hàng đất nông nghiệp do chính phủ thành lập nhưng ai thay mặt chính phủ quản lý mô hình này? Bộ NN-PTNN hay Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước?”.

Ngoài ra, theo dự thảo luật, ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp, vậy tạo lập bằng cách nào? Ngân hàng đất nông nghiệp độc lập với hệ thống ngân hàng thương mại, được thành lập từ trung ương, đến cấp tỉnh, huyện hay chỉ thành lập ở những địa phương có nhiều đất nông nghiệp?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình 'ngân hàng đất nông nghiệp': Nhiều vấn đề cần làm rõ