Mùa nước nổi ở miền Tây chưa bắt đầu, nhưng mùa sạt lở đã tới. An Giang, Đồng Tháp, rồi ven biển... đâu đâu cũng báo động hiểm họa sạt lở.

Miền Tây oằn mình vì sạt lở

Hồ Hùng | 05/05/2017, 09:09

Mùa nước nổi ở miền Tây chưa bắt đầu, nhưng mùa sạt lở đã tới. An Giang, Đồng Tháp, rồi ven biển... đâu đâu cũng báo động hiểm họa sạt lở.

Khoảng 8h30 sáng 4.5, căn nhà của ông Ngũ Phước Vinh - chủ cơ sở xay xát Ngũ Thành Hải - đã bị kéo sụp xuống sông Hậu.Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 15 căn nhà và 2 nền nhà bị sông Hậu “tàn phá”, thiệt hại hơn 90 tỉ đồng. Thảm họa sạt lở này ở H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, bắt đầu vào sáng 22.4, và đến nay, hàng trăm hộ dân trong khu vực vẫn sống trong cảnh lo âu…

Không chỉ năm nay, mà vài năm gần đây, năm nào An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang… cũng phải đối mặt với những cảnh sạt lở ven sông. Câu nói xa xưa của ông bà: “Con sông bên lở bên bồi” (tức nếu bờ bên đây sông bị lở, thì quy luật bờ bên kia phải bồi - PV) đã không còn giá trị, bởi giờ đây, cả 2 bờ đều có thể lở bất cứ lúc nào.

Nhiều người đã chỉ đích danh: chính “cát tặc” - những xà lan ngang nhiên hút cát ở 2 con sông lớn nhất miền Tây là sông Hậu và sông Tiền đã gây ra thảm họa. Hút cát bất kể ngày đêm thì sông nào chịu nổi, sạt lở là phải. Nhưng chỉ 1 thủ phạm ấy, chưa đủ.

Thủ phạm dễ thấy - "cát tặc"

Thủ phạm còn “giấu mặt” ấy là ai? Xin thưa, đó chính là những công trình thủy lợi đã triển khai nhiều năm qua ở miền Tây. Thủy lợi giúp thoát nước và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, giúp tháo phèn, ngăn mặn… Đó là mặt tích cực. Còn “tác dụng phụ” của nó là góp phần tăng xói lở ở các con sông.

“Như đê bao cũng có mặt tích cực, nhưng dù bao kín hay hở luôn ảnh hưởng đến quy luật dòng chảy. Nếu tác động xấu, sẽ gây hậu qủa là xói lở, lắng phù sa lòng sông, hạn hán, xâm ngập mặn, giảm nguồn cá tự nhiên và gây ngập lụt nhiều vùng khác”, tiến sĩ Dương Văn Ni (trường Đại học Cần Thơ) khẳng định. Ông cho rằng, cần có đánh giá lại hiệu qủa các công trình thủy lợi trên cơ sở ảnh hưởng dòng chảy.

Hàng loạt vùng đê bao khép kín ở miền Tây giúp nông dân yên tâm canh tác lúa, hoa màu trong mùa nước nổi, nhưng đã khiến nước chỉ co cụm vào sông Tiền, sông Hậu, không thể tràn đồng như thời xa xưa. Và nảy sinh nguy cơ sạt lở sông ngày một gia tăng, nhất là vào mùa lũ. Nhưng chính quyền đối phó sạt lở bằng cách nào? Di dời dân, thi công bờkè hàng loạt tại một số điểm sạt lở,.. Chứ cách giải quyết căn cơ trên cơ sở tính toán để hạn chế tác động dòng chảy vẫn chưa cụ thể.

Nhiều cơn mưa lớn đột ngột phía thượng nguồn sông Mekong cũng khiến dòng chảy gia tăng tốc độ, gây xói lở cao. Tại các bờ sông, ở phía trên thường là tầng đất sét, kế đó là tầng đất thịt, rồi tầng cát… Khi nước chảy mạnh, chúng sẽ “lựa” những nơi mềm như cát… để “tàn phá” trước. Do đó, chính tầng cát ở bên dưới bị dòng chảy xói sâu vào, tạo thành những hàm ếch, dễ gây đổ sụt cho các tầng đất bên trên, nhất là khi phải “gánh” những công trình kiên cố.

Nếu trường hợp các tầng đất cứng ở bên trên, phía dưới lại là bùn nhão thì rất dễ xảy ra nguy cơ trượt cả tầng đất bên trên nếu gặp dòng chảy mạnh và thường xuyên. Và nói đến chuyện dòng chảy gia tăng tốc độ, cũng lại phải nói đến các công trình thủy lợi.

“Đúng là sạt lở ven sông ngày càng gia tăng vì dòng chảy đang tăng tốc. Nhưng ngoài yếu tố khách quan như thay đổi khí hậu… còn có nguyên nhân chủ quan là do chính con người”, tiến sĩ Ni, khẳng định.

Từ cuối năm 2003 đến nay, bến sông thuộc xã An Hóa, H.Châu Thành, tỉnh bến Tre, bị sạt lở liên tục. Nhiều người dân khu vực này cho biết, sau khi cống ngân sông Ba Lai thuộc dự án "ngọt hóa" hoàn thành được 1 năm, thì cứ nước ròng là dòng sông này "chảy như thác", xoáy vào bờ. Một số điểm bờ sông thuộc các xã Long Hòa, Long Định, Giao Hòa... cũng bị sạt lở. Trước đây, chưa bao giờ có tình trạng này...

Và hơn 10 năm trước đây, hàng loạt cống ngăn mặn ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ra đời. “Chính điều này cũng khiến dòng chảy thay đổi”, ông Ni khẳng định.

Theo quy luật tự nhiên, mỗi khi triều kiệt thì nước sẽ tràn từ sông Hậu, sông Tiền ra biển Đông. Khi nước lớn (triều cường), dòng chảy từ biển Đông sẽ tràn trở vào, gặp dòng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ xuống sẽ gây hiện tượng “dội” nước. Khi đó, một lượng lớn nước sẽ dội trở về Đồng Tháp Mười, tràn về biển Tây…

“Chúng sẽ tạo thành lực hút - đẩy nhịp nhàng giữa triều cường và triều kiệt, khiến nước tràn loang theo các kênh rạch lớn, nhỏ “rửa” cả vùng ĐBSCL”, ông Ni diễn giải. Còn hiện nay? Do sự xuất hiện của các cống ngăn mặn phía bán đảo Cà Mau, khiến các cửa sông này gần như bị bít (để ngăn mặn) nên lực đẩy lúc nước lớn của biển Đông chỉ còn tập trung chủ yếu vào sông Tiền và sông Hậu.

Đồng thời, hàng loạt công trình đê bao khép kín ngăn nước tràn vào nội đồng cũng khiến dòng chảy từ thượng nguồn đổ về cũng chủ yếu tập trung vào 2 con sông này. Do đó, khi hiện tượng “dội” nước xảy ra (dĩ nhiên cũng sẽ chủ yếu tập trung ở 2 con sông ấy) và để nước tràn qua 2 bên, vô tình sẽ tạo lực nước rất lớn và gây ra sạt lở tại các điểm ven sông Tiền, sông Hậu…

Mộtcống đập ngăn mặn

Và khi nước “dội”, sẽ theo các con sông lớn, nhỏ tràn thoát về biển Tây, vô tình cũng bị các công trình đê bao khép kín làm nước không thể tràn sang 2 bên để giảm lưu lượng. Chính sự tập trung nước vào các con sông đã khiến dòng chảy càng xiết, xói lở càng cao.

“Q= S x V (Q: thể tích, S: diện tích mặt cắt, V: vận tốc). Nay thể tích không đổi, nhưng diện tích mặt cắt lại giảm (do đê bao khép kín, nước không thể tràn rộng như trước đây) thì dĩ nhiên vận tốc phải tăng để “hài hòa” công thức này. Và dòng chảy tăng tốc, sạt lở cũng tăng theo…

Nhiều chuyên gia dự báo, những năm tới, sạt lở sẽ còn diễn ra trầm trọng và ngay cả những vùng sâu, trước đây luôn được bồi lắng cũng không tránh được thảm hoạ. Nước sẽ chỉ tập trung vào các con sông ít ỏi chưa bị cống đập ngăn để tìm đường ra biển và dĩ nhiên, tốc độ dòng chảy sẽ gia tăng khốc liệt, tàn phá cả những vùng đất vốn hiền hòa.

Và các con đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc, Thái Lan, Lào… cũng là nguyên nhân. Tổng lượng nước đổ về hạ nguồn mỗi năm có thể không thay đổi, nhưng lượng nước phân bổ vào từng tháng sẽ biến đổi mỗi khi nước được giữ lại, xả ra tại các con đập này. Do đó, dòng chảy sẽ lệch pha so với dòng chảy tự nhiên trước đây. Mỗi khi nước được xả ra ồ ạt từ các con đập này sẽ khiến cường độ dòng chảy phía hạ nguồn tăng mạnh.

Miền Tây sẽ còn oằn mình vì sạt lở nếu chính quyền cứ đứng nhìn… Nhưng trước hết, phải “trị” ngay những thủ phạm dễ thấy, đó là “cát tặc”.

Hồ Hùng
Bài liên quan
Miền Bắc chuyển rét từ ngày 26.11, miền Trung nguy cơ cao sạt lở và lũ quét
Ngày 26.11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi trời rét.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền Tây oằn mình vì sạt lở