Trong nhiều tháng, các nhà khoa học, quan chức y tế công cộng, chính trị gia và công chúng đã tranh luận về việc liệu nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước đây (miễn dịch tự nhiên) có cung cấp khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 tương đương với vắc xin không.

Miễn dịch tự nhiên và tiêm vắc xin chống lại Delta, Omicron mạnh cỡ nào?

Sơn Vân | 15/02/2022, 09:48

Trong nhiều tháng, các nhà khoa học, quan chức y tế công cộng, chính trị gia và công chúng đã tranh luận về việc liệu nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước đây (miễn dịch tự nhiên) có cung cấp khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 tương đương với vắc xin không.

Câu trả lời cho cuộc tranh luận đó rất phức tạp, nhưng các nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để bảo vệ bạn chống lại biến thể Omicron là tiêm vắc xin và sau đó nhận mũi tăng cường. Trên hết, dù không mong muốn, nhiễm vi rút SARS-CoV-2 rồi khỏi bệnh cung cấp thêm khả năng bảo vệ.

Bằng chứng gần đây cho thấy khả năng bảo vệ trước COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời điểm nhiễm SARS-CoV-2, biến thể liên quan, liệu ai đó đã nhận mũi vắc xin tăng cường hay chưa và sức mạnh tổng thể của hệ thống miễn dịch.

Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California (thành phố San Francisco, Mỹ), nói với Yahoo News: “Câu hỏi về khả năng miễn dịch tự nhiên so với tiêm vắc xin là quan trọng. CDC đã chỉ ra rằng trước khi biến thể Delta gây bùng phát dịch, không nghi ngờ gì nữa, khả năng miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ cao hơn so với hai liều vắc xin”.

Monica Gandhi đang đề cập đến một nghiên cứu được công bố 2 tuần trước trong Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Đó là nghiên cứu tương tự mà các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ ra trong tuần này khi giới thiệu “Đạo luật minh bạch miễn dịch tự nhiên”, lập luận rằng dữ liệu của CDC đã chứng minh khả năng miễn dịch tự nhiên hiệu quả gấp 3-4 lần trong việc ngăn ngừa COVID-19 so với tiêm vắc xin.

Thế nhưng, tuyên bố này cũng cần dựa vào bối cảnh. Nghiên cứu của CDC phân tích các ca mắc COVID-19 ở California và New York vào năm 2021, những trường hợp này chỉ chiếm khoảng 18% dân số Mỹ.

Dữ liệu được thu thập từ ngày 30.5.2021 đến ngày 20.11.2021, khoảng thời gian trước và trong khi làn sóng dịch Delta xảy ra.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trước khi Delta xuất hiện, vốn chiếm ưu thế vào cuối tháng 6 và tháng 7.2021, tỷ lệ trường hợp mắc COVID-19 thấp nhất ở những người đã được tiêm vắc xin và trước đó không nhiễm SARS-CoV-2. Thế nhưng đến đầu tháng 10.2021, khi Delta chiếm ưu thế, bức tranh đã thay đổi. Tỷ lệ trường hợp mắc COVID-19 sau đó thấp hơn đáng kể ở cả những người chưa tiêm vắc xin và đã tiêm phòng COVID-19 từng nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên trong giai đoạn này vượt trội hơn so với vắc xin.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nghiên cứu của CDC được thực hiện trong thời điểm khả năng miễn dịch từ vắc xin gây ra đang suy yếu với nhiều người và trước khi xuất hiện biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao. Ngoài ra, hầu hết người lớn ở Mỹ lúc đó vẫn chưa đủ điều kiện để tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, được coi là cách cung cấp sự bảo vệ tốt nhất chống lại Omicron.

Nói chung, các nghiên cứu được thực hiện trước khi Omicron xuất hiện ủng hộ khái niệm rằng miễn dịch do nhiễm SARS-CoV-2 và miễn dịch do vắc xin tạo ra khá tương đồng về khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, Monica Gandhi cho biết có nhiều lý do khiến vắc xin được ưu tiên sử dụng.

Đáng chú ý, vắc xin là miễn phí, an toàn và nhanh chóng, trong khi việc nhiễm SARS-CoV-2 mang lại nhiều rủi ro đáng kể, bao gồm mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài, nhập viện và tử vong. “Nó chỉ là an toàn hơn”, Monica Gandhi nói.

Monica Gandhi cũng cho biết khả năng miễn dịch tự nhiên có thể khác nhau cơ bản ở mỗi người, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, sức mạnh tổng thể của hệ thống miễn dịch của người đó, mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID và biến thể đã lây nhiễm bệnh cho họ.

Điều xảy ra với nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên là nếu bạn bị nhẹ, bạn có thể không tạo ra đáp ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ mà bạn cần để chống lại vi rút trong tương lai”, Monica Gandhi nói. Mặt khác, vắc xin đã được thử nghiệm nghiêm ngặt và tạo ra đáp ứng miễn dịch cao. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng vắc xin là một cách định lượng, dễ dự đoán và đáng tin cậy hơn để bảo vệ dân số trước COVID-19.

Một nhược điểm khác của việc dựa vào khả năng miễn dịch tự nhiên là Omicron đã thay thế Delta làm biến thể thống trị, và Omicron vừa dễ lây truyền hơn vừa có nhiều khả năng tránh được miễn dịch được kích hoạt bởi cả vắc xin và nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

Shane Crotty, nhà vi rút học và là giáo sư tại Viện Miễn dịch học La Jolla (Mỹ), nói với Yahoo News rằng biến thể Omicron đã thay đổi mọi thứ. Ông nói: “Omicron trông rất khác so với các biến thể khác, đến nỗi nếu chỉ nhiễm trùng thì có thể không mang lại cho bạn kháng thể tuyệt vời chống lại các biến thể khác vì nó trông rất khác biệt”.

Hiện vẫn chưa rõ mức độ miễn dịch mà người ta có thể mong đợi để thoát ra khỏi nhiễm Omicron, bao gồm thời gian bảo vệ đó kéo dài bao lâu và liệu nó có áp dụng cho các biến thể trong tương lai hay không.

mien-dich-tu-nhien-va-tiem-vac-xin-chong-lai-delta-omicron-manh-co-nao.jpg
Những người từng nhiễm SARS-CoV-2 và sau đó tiêm vắc xin hoặc ngược lại có khả năng bảo vệ tốt nhất trước COVID-19 - Ảnh: Internet

Dựa trên dữ liệu dịch tễ học có sẵn, Shane Crotty cho biết những người có khả năng được bảo vệ tốt nhất để chống lại cả mắc COVID-19 và nhập viện vào lúc này là những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 đột phá (tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin vẫn nhiễm vi rút). Điều này có nghĩa là những người đã nhiễm SARS-CoV-2 và sau đó tiêm vắc xin, hoặc ngược lại.

Dữ liệu của hàng tá phòng thí nghiệm cho thấy những người đó tạo ra các kháng thể trung hòa thực sự rộng rãi. Các kháng thể của chúng nhận ra mọi biến thể hiện có và thậm chí cả các chủng vi rút ở xa, nhưng cũng tạo ra mức độ thực sự cao của những kháng thể đó”, Shane Crotty nói.

Những người thuộc nhóm này - cả nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên và tiêm vắc xin - đều có cái được gọi là miễn dịch lai hoặc siêu miễn dịch. Theo một nghiên cứu của CDC, những người được tiêm vắc xin đầy đủ sau khi khỏi COVID-19 có khả năng bảo vệ gấp đôi những người không tiêm phòng sau khi khỏi bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, điều này không có nghĩa là người dân nên cố tình tự nhiễm SARS-CoV-2 để đạt được sự bảo vệ tốt hơn chống lại COVID-19, vì có những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng liên quan, đặc biệt là mắc triệu chứng kéo dài.

Những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường cũng có mức độ bảo vệ đặc biệt cao trước Omicron.

Nhấn mạnh giá trị của liều vắc xin thứ ba, các nghiên cứu gần đây của CDC chỉ ra rằng mũi vắc xin COVID-19 tăng cường làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện khi nhiễm biến thể Omicron. Một trong những báo cáo của CDC, đã xem xét 259 bệnh viện và 383 khoa cấp cứu từ cuối tháng 8.2021 đến đầu tháng 1.2022, cho thấy liều thứ ba của vắc xin Pfizer hoặc Moderna có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa nhập viện và 82% ngăn ngừa đến khoa cấp cứu.

Tuy nhiên, bất chấp các bằng chứng ủng hộ hiệu quả của liều vắc xin COVID-19 thứ ba, nhiều người Mỹ vẫn do dự khi tiêm nhắc lại. Monica Gandhi nói rằng điều này là không may vì mũi vắc xin tăng cường có thể là tấm vé mang cuộc sống trở lại bình thường và những người chưa tiêm phòng dễ bị tổn thương hơn với Omicron và các biến thể có thể xuất hiện trong tương lai.

Những gì chúng ta cần hoàn thành lần này là khả năng miễn dịch. Vì vậy, ngay cả khi bạn từng nhiễm SARS-CoV-2, tôi thực sự khuyên bạn nên tiêm ít nhất một liều vắc xin”, Monica Gandhi nói.

Miễn dịch tự nhiên ít có khả năng bảo vệ hơn trước biến thể Omicron

Theo dữ liệu mới, miễn dịch tự nhiên giúp ngăn tái nhiễm, nhưng sự bảo vệ đó chống lại Omicron yếu hơn so với các biến thể trước.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện miễn dịch tự nhiên chỉ bảo vệ khỏi nhiễm Omicron 56% trong một cuộc đánh giá dữ liệu quốc gia ở Qatar. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo trên Tạp chí Y học New England (Mỹ).

"Tuy nhiên, miễn dịch tự nhiên cũng cung cấp khả năng bảo vệ tránh khỏi nhập viện hoặc tử vong khi nhiễm Omicron dường như rất mạnh mẽ", họ nói. Ví dụ, trong các trường hợp nhiễm Omicron, miễn dịch tự nhiên có hiệu quả 87,8% trong việc ngăn ngừa tiến triển thành bệnh nặng, nguy kịch hoặc tử vong.

Bài liên quan
‘Cố tình nhiễm Omicron để có thêm khả năng miễn dịch là ý tưởng tồi tệ’
Eric Topol, Giáo sư y học phân tử tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ), đã nhận xét như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miễn dịch tự nhiên và tiêm vắc xin chống lại Delta, Omicron mạnh cỡ nào?