"Nhìn thấy con mặc quần áo phạm nhân, tóc cắt trọc, tôi đau như bị đâm ngàn nhát dao. Nhưng làm mẹ, tôi không thể buông lời trách móc, phải kìm lòng bảo ban "mẹ hy vọng sau này con sẽ có bài học cho mình, khi được tự do sẽ trở thành người tốt"", người mẹ Hào Anh chua xót khi nhắc đến con trai đang bị tạm giam vì hành vi "Trộm cắp tài sản".

Mẹ Hào Anh: "Tính nết nó ngày càng thay đổi, hay giao du với đám bạn xấu"

Một Thế Giới | 24/08/2015, 10:04

"Nhìn thấy con mặc quần áo phạm nhân, tóc cắt trọc, tôi đau như bị đâm ngàn nhát dao. Nhưng làm mẹ, tôi không thể buông lời trách móc, phải kìm lòng bảo ban "mẹ hy vọng sau này con sẽ có bài học cho mình, khi được tự do sẽ trở thành người tốt"", người mẹ Hào Anh chua xót khi nhắc đến con trai đang bị tạm giam vì hành vi "Trộm cắp tài sản".

Thiệt thòi từ lúc sinh ra
Tìm về khóm 4 (phường 8, TP. Cà Mau) hỏi nhà Hào Anh, người dân ai cũng biết. Trong ngôi nhà nằm ven sông giữa khu lao động của thành phố, chị Phạm Thị Thoa (40 tuổi, mẹ Hào Anh) thoáng buồn cúi mặt: "Ban đầu Hào Anh bị giam, tháng nào tôi cũng lên thăm, gửi đồ. Giờ công việc bận hơn, tôi nhờ vài người bạn ở trên đó mua đồ đem tới cho con. Cứ nghĩ tới con là tôi đau đứt ruột đứt gan".
Ánh nắng cuối cùng trong ngày dần tắt khiến khuôn mặt người phụ nữ càng tối sầm. Chị Thoa nhìn xa xăm, nhớ lại quá khứ đời mình. Sinh ra trong gia đình đông anh em, nghèo khó, chị sớm bươn chải mưu sinh rồi lấy một chàng trai bán kem, bánh mì ở chợ Cái Nước và sinh đôi hai con trai bụ bẫm, đặt tên là Hào Anh - Hào Em. Niềm vui qua nhanh, người mẹ trẻ ôm hai con, nước mắt chảy dài vì người chồng lẳng lặng bỏ đi. Khi con được một tuổi, chị đành gửi về cho ông bà ngoại chăm bẵm để lên TP. Cà Mau thuê một căn phòng trọ nhỏ, ngày ngày chèo đò thuê đưa khách sang sông từ phường 1 đến phường 8 kiếm tiền.
Công việc vất vả, lủi thủi trong căn phòng trọ xa lạ, người phụ nữ nhớ con da diết. Đều đặn cứ 2 - 3 tuần, chị lại dành dụm tiền bắt xe về thăm con cho nguôi ngoai. Thời gian thấm thoát trôi, hai cậu bé đã 9 tuổi, nằng nặc đòi mẹ cho theo lên thành phố kiếm tiền phụ. Thương con, chị Thoa một mực phản đối nhưng không ngăn được ý định của Hào Anh.
Thời gian này, chị quen anh thợ mộc tốt bụng, muốn gắn bó cùng chị. Sau nhiều ngày do dự lo lắng, chị Thoa quyết định "kiếm một tấm chồng cho con có cha". Nếu đối với người cha ruột, có công sinh không có công dưỡng, hai cậu bé không bao giờ nhắc đến thì đối với người cha dượng lại rất mực yêu quý.
Thời điểm này, Hào Anh đã 10 tuổi, nhưng so với cái tuổi đi làm thuê thì còn quá nhỏ, không ai nhận. Em theo mẹ chèo đò đưa khách sang sông, tình cờ lọt vào "mắt xanh" của vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm Hoa. Thấy cậu bé nhanh nhẹn, siêng năng, đôi vợ chồng này nói mới mở trại nuôi tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), đề nghị người mẹ cho Hào Anh xuống đó làm. "Thời điểm đó họ nói trả lương 300 ngàn/ tháng, Hào Anh rủ Hào Em, nhưng đứa em từ chối. Tôi quen biết vợ chồng họ đã lâu, thấy cũng tốt bụng. Hơn nữa do tôi cả tin lời họ hứa chỉ cần Hào Anh cho tôm ăn, công việc chẳng có gì nặng nhọc, nên đồng ý", người mẹ nói trong ân hận.
Đứa trẻ bị bạo hành
Thời gian đầu con mới đi làm, cứ vài tuần chị Thoa lại bắt xe, mua đồ ăn, quần áo mới xuống thăm. Hào Anh vui, nói cười suốt, không hề than cực khổ hay bị đánh đập. Tiền lương hàng tháng cậu trừ lại mình tiêu một ít, còn gửi về cho mẹ. Cầm đồng tiền công sức con mình làm ra, người mẹ vừa vui vừa thương con, không dám đụng vào tiêu pha cho gia đình, mà cất để dành mua quần áo mới, quà bánh cho con.
Những lần xuống thăm trước thấy con vui vẻ, chị Thoa đã yên tâm, thêm phần công việc bận rộn nên bẵng đi mấy tháng chị không xuống mà chỉ hỏi thăm qua vợ chồng chủ trại tôm. Đôi vợ chồng khéo léo, ngon ngọt lúc nào cũng trả lời lại câu "Hào Anh rất ngoan, đừng lo”. Bất ngờ, cuối tháng 4.2010, chị Thoa nhận được hung tin vợ chồng chủ trại bị bắt do hành hạ dã man con mình.
Người mẹ nhớ lại: "Tôi cùng chồng như chết lặng khi nghe tin con bị người ta tra tấn, hành hạ. Đến bệnh viện, nhìn thấy con tôi không thể tin vào mắt mình, từ đầu đến chân có hàng trăm vết thương da bong tróc mưng mủ, môi sưng vều, răng cũng bị người ta bẻ mấy cái... Tôi khóc nấc, không dám ôm con vì sợ chạm vào vết thương sẽ làm nó đau".
Đôi mắt rơm rớm với ánh nhìn nửa đau đớn, nửa cam chịu của đứa con hơn 10 tuổi khiến người mẹ ám ảnh, ân hận suốt đời. Qua thời gian được điều trị chu đáo, sức khỏe, tâm lý của Hào Anh dần hồi phục. Em kể lại cho cha mẹ nghe những trận đòn tra tấn, ngày tháng sống như địa ngục ở trại tôm. Hào Anh kể đến đâu, người mẹ lại đau như chính mình chịu những trận tra tấn ấy. Chị rùng mình nhớ lại: "Dùng giẻ lau nhà nhét vào miệng; dùng búa đập vào tay; nước đang sôi hắt thẳng vào người; bỏ đói thường xuyên; treo ngược lên mái nhà; dùng đũa than đang nóng gí vào mặt, vào đầu, rồi dùng nước tẩy rửa hồ tôm tạt vào vết thương khiến vết thương bị nhiễm trùng mưng mủ; dùng kìm kẹp môi Hào Anh đến chảy máu, sưng to như quả chuối, bẻ răng thằng bé...".
Việc Hào Anh bị hành hạ được đưa ra ánh sáng khiến dư luận phẫn nộ lên án sự nhẫn tâm của vợ chồng chủ trại tôm. Câu chuyện lay động trái tim người dân cả nước, nhiều nhà hảo tâm đã tìm tới hỗ trợ cậu bé khốn khổ tổng cộng hơn 700 triệu đồng. Những tưởng đó là sự bù đắp bằng vật chất, tình thương cho những ngày tháng đau khổ của Hào Anh, nhưng không ngờ lại khiến cậu bé thay đổi tính nết.
Nguyen nhan Hao Anh sa vao lam loi
 Hình ảnh bà Phạm Thị Thoa và Nguyễn Hoàng Anh.
Sa vào lầm lỗi
Hào Anh được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Do bị đánh đập hành hạ đủ kiểu, tinh thần bấn loạn nên tâm trí cậu bé bị ảnh hưởng lúc quên lúc nhớ, tỏ ra chán nản việc học, sau đó bỏ trốn khỏi trung tâm về sống cùng gia đình.
Thời gian đầu về nhà, Hào Anh theo cha dượng đi làm đồ mộc, được dăm bữa nửa tháng lại chán, bỏ ngang. Do không được học hành, em được giới thiệu vào làm bảo vệ cho một công ty tại TP. Cà Mau. Ngày Hào Anh đi làm, ai cũng biết cậu bé từng bị bạo hành dã man vì vết sẹo trên mặt nên hết mực nhường nhịn, bảo ban. Làm được thời gian, Hào Anh lại chán nản, bỏ việc, ở nhà, đi chơi.
18 tuổi, không học vấn, không nghề nghiệp, lại có một số tiền lớn trong tay, Hào Anh sinh ra ỷ lại. Đầu tiên là đòi mua xe máy, điện thoại đắt tiền, rồi tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, đi bar. Tính cách ngày một ngỗ ngược, khó bảo. Đỉnh điểm là việc Hào Anh đuổi mẹ, dượng và em gái ra khỏi nhà khiến dư luận càng thêm thất vọng.
Dẫu vậy, khi nhắc đến việc đáng buồn này, mẹ Hào Anh vẫn một mực bênh vực con trai. Chị cho rằng: "Hào Anh hư, nhưng còn do những trận đòn đã ảnh hưởng đến tâm lý cháu rất nhiều. Đêm cháu ngủ rất ít, hay gặp ác mộng, la hét. Còn bình thường cứ ngồi một mình lại nhìn mông lung, thẫn thờ. Vết thương lòng của cháu khó có thể quên được".
Người mẹ cũng phân trần: "Thương con, tôi muốn bù đắp bằng cách chiều chuộng, yêu thương nó hơn trước. Mỗi khi nó cư xử hỗn hào, đòi mua cái này cái kia, tôi không đồng ý muốn la mắng, nhưng nhìn thấy những vết sẹo chi chít trên cơ thể con, tôi lại yếu lòng...".
Tính nết Hào Anh ngày một thay đổi, hỗn hào, thường giao du với đám bạn xấu. Người mẹ buồn rầu, khuyên nhủ, tìm cách tách con khỏi môi trường xấu bằng việc đưa lên Lâm Đồng nhờ người quen xin việc vào một cơ sở sản xuất tương, chao, lương tháng khởi điểm 3,6 triệu. Hào Anh nhanh nhẹn, chăm chỉ nên được chủ xưởng yêu mến tăng lương lên đến 7 triệu/tháng. Chị Thoa than thở: "Lúc nó mới lên làm, tôi cũng hay lên thăm, Hào Anh cũng thường về chơi. Ngờ đâu con lại nghe lời xúi giục ăn trộm máy tính để dính vào tù tội".
Vụ án vợ chồng Giang - Thơm hành hạ Hào Anh khép lại vào cuối năm 2010, mỗi bị cáo nhận 23 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích và Hành hạ người khác. Hai người làm công cho vợ chồng này tham gia hành hạ Hào Anh theo lệnh của chủ, mỗi người lĩnh 18 tháng tù.
Đầu tháng 7.2015 vừa qua, Hào Anh lại bị bắt cùng em họ tại Đức Trọng (Lâm Đồng) vì hành vi trộm cắp máy tính.
Theo Giang Dung/ Pháp luật & Thời đại
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹ Hào Anh: "Tính nết nó ngày càng thay đổi, hay giao du với đám bạn xấu"