Trong lúc thế giới tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo để đối phó sự biến đổi khí hậu, Trung Đông lại dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel tư nhân.

Máy phát điện phun khí độc suốt ngày đêm ở Trung Đông

Bảo Vĩnh | 14/09/2022, 19:07

Trong lúc thế giới tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo để đối phó sự biến đổi khí hậu, Trung Đông lại dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel tư nhân.

Trên khắp Trung Đông, máy phát điện tư nhân được đặt ở khắp nơi: bãi đậu xe, sân bệnh viện, mái nhà... và chúng phun khói độc vào nhà dân và các văn phòng công ty trong suốt 24 giờ mỗi ngày.

Hít phải khí ô nhiễm: “Tự sát cấp độ quốc gia”

Các chuyên gia gọi tình trạng này là “tự sát cấp độ quốc gia”, xét trên bình diện môi trường và sức khỏe.

Chiến tranh hoặc quản lý kém đã phá hủy các cơ sở hạ tầng phát điện quốc gia, do vậy, hiện tại, hàng triệu người dân Trung Đông hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào máy phát điện tư nhân để có điện xài. 

“Ô nhiễm không khí từ máy phát điện chứa hơn 40 khí độc, gồm nhiều loại khí đã được biết hoặc nghi là khí gây bệnh ung thư”, theo ông Samy Kayed, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Học viện Môi trường thuộc Đại học Mỹ Beirut (Lebanon).

Ông nói việc bị nhiễm khí ô nhiễm này nặng có thể làm tăng các bệnh hô hấp và tim mạch. Khí ô nhiễm cũng gây ra mưa axít khiến cây trồng bị tổn hại, và làm tăng sự phì dưỡng vốn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như thiếu dưỡng khí, làm cạn kiệt oxy hòa tan trong nước, làm giảm số lượng các cá thể cá và thực vật thủy sinh...

Ông Kayed còn nói từ khi người ta quen dùng dầu diesel, máy phát điện cũng thải phát khí độc gây biến đổi khí hậu nhiều hơn cả lượng khí từ một nhà máy điện chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng.

mideast-power-ap-3.jpeg
Thợ điện nối dây với máy phát điện tư nhân ở Iraq - Ảnh: AP

Bị lệ thuộc máy phát điện vì quan chức tham nhũng, quản lý yếu kém

Khí ô nhiễm phát ra từ máy phát điện to lớn đã làm trầm trọng thêm vào tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Đông - nơi chịu tổn thất nhiều nhất thế giới từ tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ ở vùng này đã tăng cao, và nguồn nước bị hạn chế ngay cả khi không có sự tác động của hiện tượng trái đất nóng dần lên.

Sự lệ thuộc máy phát điện tư nhân là hậu quả của sự thất bại của các chính phủ Lebanon, Iraq, Yemen... trong việc duy trì một mạng lưới điện trung tâm, do bị chiến tranh, xung đột, quản lý kém hoặc do tham nhũng.

Như Lebanon đã không xây nổi một nhà máy điện mới nào trong hàng chục năm qua. Nhiều kế hoạch xây nhà máy mới bị sa lầy do sự bè phái của giới chính khách và xung đột quyền sở hữu.

Lebanon chỉ có vài nhà máy điện chạy dầu cũ kỹ, và từ lâu chúng không còn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.

Các nhà nghiên cứu AUB đã phát hiện vì quá lệ thuộc máy phát điện, mức độ khí độc có thể đã tăng gấp 4 lần, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính Lebanon bắt đầu.

Theo AP, có thể nói là máy phát điện tư nhân đang thống trị đời sống của 5 triệu người dân Lebanon, đến độ các chủ tiệm bán máy phát điện có hiệp hội riêng, và thiết bị này len lỏi vào từng con đường hẹp, bãi đậu xe, trên mái nhà, lan can và chúng phát tiếng ồn chói tai.

Sự lệ thuộc vào máy phát điện của người Lebanon chỉ mới bắt đầu từ cuối năm 2019, khi điện nhà nước bị cúp lâu hơn.

Cùng lúc, chủ máy phát điện phải sử dụng hạn chế vì giá dầu diesel tăng cao và nhiệt độ cao, ngưng hoạt động nhiều lần/ngày để máy nghỉ.

Vì thế, người dân phải lên kế hoạch “sống chung” với cảnh mất điện. Người nghiện cà phê sáng phải đặt đồng hồ báo thức trước khi máy ngưng phát điện.

Người có sức khỏe yếu hoặc cao tuổi sống ở chung cư không thể lên xuống cầu thang bộ thì phải đợi chạy máy phát điện mới có thể sử dụng thang máy để di chuyển hoặc ra khỏi nhà.

Các bệnh viện phải chạy máy phát điện liên tục, để các máy móc có chức năng cứu mạng người có thể hoạt động thông suốt.

Trong khi đó, Libya có nguồn dầu ngọt nhẹ, nhưng mạng lưới điện bị hỏng sau nhiều năm nội chiến và thiếu sự quan tâm của chính phủ. Tại thành phố Benghazi phía đông nước này bị cúp điện hầu như cả ngày, nên các doanh nghiệp người dân phải dùng máy phát điện để chạy máy lạnh, tủ trữ đông...

Tại Dải Gaza, 2,3 triệu dân Palestine dựa vào hàng ngàn máy phát điện tư nhân để làm ăn, và để các cơ quan chính quyền, đại học và các trung tâm y tế duy trì hoạt động. Máy phát điện dùng dầu diesel, phun đầy khói đen vào không khí và bôi đen các bức tường quanh chúng.

Từ sau vụ Israel đánh bom nhà máy điện duy nhất của Dải Gaza hồi năm 2014, nhà máy này không bao giờ có thể chạy đủ công suất.

Dải Gaza chỉ nhận được một nửa nguồn điện cần thiết từ nhà máy và từ nguồn điện Israel phát trực tiếp. Vùng đất thuộc chính quyền Hamas này bị cúp điện tối đa 16 giờ/ngày.

mideast-power-ap-5.jpeg
Dây điện giăng cao nối với máy phát điện ở Dải Gaza - Ảnh: AP

Dây điện giăng kín đường phố để kết nối với máy phát điện

Một số ít dân Lebanon và một số quốc gia khác thuộc Trung Đông đã bắt đầu lắp đặt các hệ thống phát điện mặt trời tại nhà. Nhưng họ chỉ dùng nguồn điện này khi máy phát điện ngưng chạy. Chi phí cao và không gian ở chật chội ở các vùng đô thị cũng khiến việc sử dụng điện mặt trời bị hạn chế.

Máy phát điện chạy dầu diesel là “trung tâm đời sống” của những vùng ngoại ô Iraq. Chúng phun thẳng khí độc vào phổi người dân và là một thảm họa, theo chuyên gia hóa học Najat Saliba ở AUB, nghị sĩ quốc hội Lebanon.

mideast-power-ap-2(1).jpeg
Máy phát điện cỡ lớn phun khói độc ở Iraq - Ảnh : AP

Iraq “ngồi” trên vài mỏ dầu lớn nhất thế giới, nhưng nhiệt độ mùa hè tăng cao đi kèm với dòng nhiệt phát từ các máy phát điện, vì người dân mở máy lạnh suốt ngày đêm.

Tại Iraq, nhà nào có thu nhập trung bình sử dụng máy phát điện trung bình 10 giờ/ngày, và họ chi 240 USD cho mỗi MW/giờ. Đây là giá điện cao nhất trong khu vực, theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Iraq phải chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh nên mạng lưới điện quốc gia bị tê liệt. Nạn tham nhũng “thổi bay” hàng tỉ USD được cấp để sửa chữa và nâng cấp mạng lưới này.

Mỗi năm Iraq còn lãng phí khoảng 17 tỉ mét3 dầu thô phải đốt bỏ, vì không xây được các cơ sở hạ tầng nhằm tiếp nhận dầu từ các giếng trước khi dùng chúng để phát điện đến nhà dân.  

Tại thành phố Mosul phía bắc Iraq, dây điện giăng kín các con đường, kết nối với hàng ngàn máy phát điện tư nhân. Mỗi máy thải ra 600 kg carbon dioxide cùng các khí nhà kính khác trong thời gian làm việc 8 giờ, theo nhà hoạt động bảo vệ môi trường Mohammed al Hazem.

Tương tự, một nghiên cứu về tác động môi trường của việc sử dụng máy phát điện lớn do Đại học Công nghệ Baghdad ở Iraq công bố năm 2020 cho thấy nồng độ khí ô nhiễm rất cao, vượt quá mức cho phép do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra.

Nghiên cứu khẳng định: “Nhiên liệu diesel của Iraq có hàm lượng lưu huỳnh cao, một trong những loại nhiên liệu độc hại nhất trên thế giới. Các khí thải gồm sulphat, vật liệu nitrat, nguyên tử muội than, tro và các chất ô nhiễm được coi là chất gây ung thư. Các chất ô nhiễm thải ra từ các máy phát điện tác động đáng kể đến sức khỏe tổng thể của sinh viên và nhân viên trường đại học”.

Theo AP
Copy Link
Bài liên quan
Nghịch lý: Sự nóng lên toàn cầu có thể làm giảm lượng khí thải carbon
Qua thử nghiệm mô hình hóa chu trình carbon trong rừng nhiệt đới ở nhiệt độ cao, các nhà khoa học nhận thấy trái với dự đoán của hầu hết các mô hình khí hậu, lượng carbon phát ra dưới dạng carbon dioxide giảm đi chứ không phải là tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Máy phát điện phun khí độc suốt ngày đêm ở Trung Đông