Máy bay ném bom hiệu Tupolev Tu-95 lần đầu tham gia các cuộc diễu binh của Liên Xô trong giữa những năm 1950. Vì sao chiếc máy bay ném bom khổng lồ này vẫn đang gây sự chú ý gần 60 năm sau khi ra đời?
Khi xuất hiện lần đầu trong những năm 1950, Tu-95 là công cụ hữu hiệu để phô trương sức mạnh quân sự Liên Xô. Ngay cả biệt danh của chiếc máy bay này là Bear (Con gấu) cũng phần nào cho thấy kích cỡ và sức mạnh của nó.
Một kiệt tác dựa trên công nghệ cũ
Nhưng chỉ ít người dám tin rằng chiếc máy bay sẽ tiếp tục hoạt động gần 60 năm sau. Nó từng đóng vai trò một chiếc máy bay ném bom chiến lược, một chiếc máy bay tuần tra biển và nay là máy bay do thám ồn ào nhất thế giới.
Tuần trước, Tu-95 đã xuất hiện trên trang nhất vài tờ báo, khi 2 chiếc máy bay loại này bị máy bay chiến đấu Anh “hộ tống” lúc đang bay dọc theo bờ biển Anh. Những chiếc Tu-95 đó đang tiến hành tuần tra thường lệ như dưới thời Chiến tranh Lạnh - một hoạt động mới được khôi phục thời gian gần đây.
Tuy nhiên câu chuyện vì sao Nga tiếp tục dựa vào cỗ máy này gần 60 năm sau khi nó ra đời vẫn thú vị hơn nhiều các tít báo câu khách giật gân. Theo hãng tin BBC, Bear tiếp tục hoạt động một phần bởi công lao của người tạo ra nó là Andrei Tupolev, ông là nhà thiết kế máy bay cỡ lớn hàng đầu ở Liên Xô, một kỹ sư rất có tài.
Khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, mở đường cho cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Tupolev đã giúp tạo ra chiếc máy bay đầu tiên của Liên Xô có khả năng ném bom hạt nhân là Tu-4 “Bull”. Đây là sản phẩm Liên Xô sao chép công nghệ từ những chiếc Boeing B-29 Superfortress của Mỹ - cũng là mẫu máy bay đã ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
Năm 1952, Tupolev và đối thủ là Cục thiết kế Myasishchev, đã được đề nghị thiết kế một chiếc máy bay ném bom có thể mang 11 tấn bom đi xa tới 8.000km, đủ xa để vào trung tâm nước Mỹ.
Những “con gấu” ồn ào
Tu-95 là một chiếc máy bay khổng lồ. Nó có chiều dài thân lên tới 46m và sải cánh tới 50m. Khi chưa chở theo thứ gì, máy bay đã nặng tới 90 tấn. Để mang được cái xác khổng lồ này cùng số bom đạn kèm theo, máy bay sử dụng 4 động cơ cánh quạt cỡ lớn.
Mỗi động cơ của chiếc máy bay được trang bị 2 bộ cánh quạt dài 6m, quay ngược chiều nhau.
Những cánh quạt này quay nhanh tới mức phần đầu cánh thường xuyên phá rào âm thanh. Vì lý do này, chúng rất ồn ào. Người ta đồn rằng Tu-95 ồn ào tới mức các tàu ngầm Mỹ có thể dùng ra-đa âm để nghe thấy tiếng của nó.
Vai trò gốc của Tu-95 là ném bom nguyên tử tầm xa vào lãnh thổ địch. Tuy nhiên theo thời gian, vai trò này trở nên lạc hậu và không còn phù hợp, nhất là khi công nghệ tên lửa phát triển mạnh.
Tuy nhiên thiết kế thông minh của Tu-95 khiến nó dễ dàng thích nghi và đáp ứng các vai trò mới, trong thời kỳ mới. Ví dụ thời Chiến tranh Lạnh, Tu-95 thường xuyên tuần tra theo dõi hoạt động của các tàu chiến thuộc Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên toàn cầu.
Từ căn cứ nằm ở Vòng Bắc Cực, các máy bay Tu-95 bay tuần tra dọc theo bờ biển Mỹ. Sau này nó mang theo nhiều tên lửa hành trình, sẵn sàng để làm nhiệm vụ.
Tupolev đã có thể tự hào
Một chiếc Tu-126 biệt danh “Moss” còn đượcđiều chỉnh, nâng cấp để trở thành nền tảng cảnh báo sớm trên không đầu tiên của Liên Xô - một chiếc ra-đa khổng lồ bay trên trời, có thể dễ dàng phát hiện máy bay địch đang lao tới.
Thậm chí người ta còn từng làm một phiên bản Tu-95 dân sự và chiếc máy bay này vẫn đang nắm giữ kỷ lục tốc độ thế giới do một máy bay cánh quạt lập ra. Máy bay đã đạt tốc độ 870km/h, một kỉ lục lập từ năm 1960 nhưng tới nay vẫn chưa bị phá.
Một chiếc Tu-95 khác cũng từng ném quả bom nguyên tử mạnh nhất mà con người từng tạo ra là “Tsar Bomba” vào năm 1961. Phi hành đoàn đã thả quả bom có sức công phá 50 megaton này trên đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực. Bom được hãm tốc độ rơi bằng dù để chiếc máy bay có thể bay được một khoảng cách an toàn trước khi nó phát nổ. Mặc dù vậy, lực nổ của quả bom vẫn khiến chiếc Tu-95 bị rơi tự do mất l km, bất chấp việc nó ở cách tâm vụ nổ tới 45 km.
Những người Liên Xô thậm chí còn nghĩ tới việc cải tiến để cho ra máy bay Tu-95 chạy năng lượng hạt nhân. Một chiếc máy bay như thế là Tu-95L AL đã ra đời và mang trên nó một lò phản ứng hạt nhân nhỏ. Chiếc máy bay đã thực hiện 40 chuyến bay, dù trong phần lớn lần thử nghiệm, người ta không sử dụng tới lò phản ứng. Cuối cùng chiếc máy bay bị loại bỏ vào những năm 1960, nhưng khi ấy người ta biết rằng chế tạo máy bay sử dụng động cơ hạt nhân không còn là nhiệm vụ bất khả thi.
Kể từ những năm 1950 đã có hơn 500 chiếc Tu-95 được chế tạo. Hiện có ít nhất 55 chiếc vẫn đang phục vụ trong Không quân Nga. Giống mẫu B-52 của Mỹ, chiếc Bear rất khó để thay thế. Người ta vẫn nâng cấp, lắp thiết bị mới để những chiếc máy bay này có thể bay cho tới ít nhất là năm 2040. Và như thế, Andrei Tupolev hoàn toàn có thể tự hào về “con gấu” mạnh mẽ mà ông đã tạo ra.
Tường Linh (Thể thao & Văn hóa)