Tập đoàn Thánh Cô Cô Bóc đã rút lui khỏi thế giới mạng, thế nên, tôi muốn bàn một chút về những điều đọng lại.

Mặt nạ của mỗi người

Một Thế Giới | 23/06/2015, 09:16

Tập đoàn Thánh Cô Cô Bóc đã rút lui khỏi thế giới mạng, thế nên, tôi muốn bàn một chút về những điều đọng lại.


Cái truyện ngắn “Kép Tư Bền” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, có lẽ không chỉ viết riêng về nghiệp diễn. Bởi luôn có những khuôn mặt khác của chúng ta. Khuôn mặt ở cơ quan, khuôn mặt tại gia đình, khuôn mặt trước bạn bè, khuôn mặt với con thơ, khuôn mặt giữa cuộc vui, khuôn mặt trong đám hiếu… Ở mỗi hoàn cảnh cụ thể, ở mỗi cung bậc cảm xúc cụ thể, chúng ta sẽ có mang những khuôn mặt khác nhau.

Ẩn chứa sau mỗi khuôn mặt, luôn là một câu chuyện, luôn là một bí mật.

Nếu như Francesca không chết vì tuổi tác, nếu như những lá thư bà gửi và nhận từ nhiếp ảnh gia kiêm phóng viên ảnh Robert Kincaid không hiện hữu, thì chắc chắn “Những cây cầu ở quận Madison” của Robert James Waller đã không khiến người ta thổn thức nhiều đến vậy, đã không khiến người ta khóc nhiều đến vậy.

Mặc cho, xét đến tận cùng thì bản chất của câu chuyện chỉ là những phút dây ngoài chồng ngoài vợ, như khi Francesca nói, “Robert, em chưa nói hết. Nếu anh ôm em trong tay, mang em ra xe và bắt em đi theo anh, em sẽ không nói gì hết. Và anh cũng không cần làm thế, anh chỉ bảo em đi theo thì em cũng đi. Nhưng em nghĩ rằng anh sẽ không làm như vậy. Anh quá nhạy cảm, quá ý thức về tình cảm của em. Và em có một tình cảm về trách nhiệm của em ở đây".

Bí mật lớn nhất của cuộc đời Francesca cuối cùng đã không còn là bí mật nữa. Như khi tiền nhân đúc kết, “Cây kim trong bọc”. May mắn cho Francesca, bí mật này nhận được sự đồng cảm.

Sẽ không có một bí mật nào được giữ kín, ngoại trừ bí mật ấy không nảy sinh. Mấy lâu tôi có viết trên facebook cá nhân, mỗi con người, luôn tồn tại những bí mật cực kỳ tồi tệ. Rất nhiều trong chúng ta, phung phí quãng thời gian sống để che đậy những bí mật luôn cố giấu.

Tận thẳm sâu của bí mật, từa tựa như một thứ giải phóng bản năng. Mà đã thuộc về bản năng, không ai muốn hành động đó bị nhìn thấy.

Một đứa trẻ sẽ giấu kẹo vào trong túi áo, xòe hai bàn tay không ra để minh chứng cho cha mẹ thấy rằng, “Con không hề có kẹo, vì mẹ nói đã đánh răng thì không ăn kẹo nữa sẽ sâu răng”.

Đó là bí mật của trẻ con, càng lớn lên, người ta càng có rất nhiều điều bí mật.

Đừng tin rằng bạn đủ thân thiết để hiểu rõ một cá nhân mà bạn cho rằng đó là tri âm tri kỷ. Bạn cũng đừng tin rằng vợ chồng sẽ hoàn toàn hiểu rõ bí mật về nhau. Tất cả đã được gói ghém và cất đi rất cẩn thận.

Điện ảnh luôn phản ánh khao khát của con người, và đề tài thú vị nhất của điện ảnh chính là đọc được suy nghĩ của người khác. Có quá nhiều đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học với mong muốn úp một thứ nào đấy vào đầu của cá nhân rồi từ đó có thể đoán xem cá nhân đang nghĩ gì.

Khi một nhà tiên tri khác bước vào nhà người đàn bà mù có tên Vangelia Goushterova, người đàn bà mù thét lên “Ông hãy nhanh chân bước khỏi ngôi nhà này, vì tôi đã biết ông muốn gì nơi đây”. Nhà tiên tri hoảng sợ đến mức phải đi thụt lùi ra khỏi căn nhà rách nát ấy. Người đàn bà mù có tên Vangelia Goushterova, sinh ra ở Vangelia Goushterova, Bungari được cả thế giới gọi là nhà tiên tri Vanga.

Người ta không sợ Vanga vì những khả năng tiên đoán của bà, vì rất ít người trong chúng ta sợ vào tương lai. Bạn quên đi những câu nói rất hay nhưng chẳng bao giờ được vận dụng vào thực tế một cách đại trà, kiểu “Hành động hôm nay, hậu quả ngày mai”.

Người ta không sợ Vanga vì những khả năng chữa bệnh rất siêu nhiên của bà. Một thầy thuốc giỏi luôn nhận được sự kính trọng chứ không nhận được sự sợ hãi.

Người ta chỉ sợ bà Vanga vì bà hiểu rõ những gì đang ẩn chứa trong tư duy của người đến tìm bà.

Vì một khi bí mật bị nhận ra, cá nhân hoàn toàn trần trụi. Sự trần trụi đến độ họ không còn gì để khoác lên mình. Khi sự thật bị bóc tách, những khuôn mặt khác hoàn toàn rơi rụng, cá nhân sẽ lâm vào tình cảnh thật đáng thương và tội nghiệp.

Thế nên, người càng nắm giữ nhiều bí mật về người khác bao nhiêu lại càng có nhiều quyền lực bấy nhiêu. Người ta vừa ghét lại vừa sợ những cá nhân ấy, và sự hiển nhiên chính là đám đông luôn thỏa mãn mỗi khi cá nhân nắm giữ bí mật bị sa vào sự khốn khó này hay nỗi nhọc nhằn kia, luôn khiến đám đông thỏa mãn, hoan hỉ.

Có điều, tôi vẫn nghĩ rằng, bí mật là sự thú vị khôn cùng của đời sống này. Sẽ tẻ nhạt và buồn chán biết mấy nếu chúng ta cứ phơi mình nguyên vẹn trong mắt nhau.

Và một người thật sự khôn ngoan là người không lấy bí mật của người khác để biến thành phương tiện nhằm đạt được mục đích mà mình mong muốn.

Giữ gìn cho nhau luôn khó là vì nhẽ ấy. Bởi nếu như nàng Châu Long thổ lộ bí mật của mình, thì biết đâu câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ sẽ phát sinh những tình huống khác.

Tôi không tìm thấy trên google hai câu thơ mà tôi đã đọc từ thời sinh viên lại không nhớ tên tác giả, chỉ mang máng “Lúc nào rảnh mày cứ đến tao chơi /Nhớ mang theo khuôn mặt nào cũng được”.

Theo Ngô Nguyệt Hữu (Khám Phá) 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt nạ của mỗi người