6 năm trước, Marc Jacobs đã thốt lên trong buổi trình diễn BST mới: “Tôi bắt đầu cảm thấy hoang tưởng và tự hỏi tại sao rất nhiều người chỉ chăm chăm công kích cá nhân tôi?"
Một lần khác ông uất ức: “Vì cớ gì mà lắm kẻ tỏ ra cay nghiệt và ghen tị khủng khiếp thế hả”. Song nhà thiết kế gốc Do Thái sinh trưởng ở New York, được tạp chí Time 2010 ghi vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, rốt cuộc vẫn tặc lưỡi cứng rắn: “Cho dù các bạn thêu dệt bất cứ tin đồn nào, tôi cũng sẽ chẳng phát điên đâu!”.
Quả vậy, dù nhận được vô số giải thưởng trong gần 40 năm gắn bó với thời trang, Marc Jacobs vẫn bị nhiều người coi là một kẻ thần kinh không bình thường. Các tờ báo lá cải khoác cho gã trung niên chải chuốt kỳ khôi chiếc áo của kẻ mắc hội chứng Narcissims (tự yêu mình thái quá), xoáy vào việc Marc Jacobs là người đồng tính. Nhiều quý ông quý bà nhăn mũi khó chịu với những bức ảnh bán khỏa thân của ông trên Vanity Fair. Tin vỉa hè tiết lộ, ông quá đam mê phẫu thuật thẩm mỹ và dư luận trong, ngoài giới thời trang không tiếc lời trách móc nhân vật đồng tính đứng thứ 14 trong 50 nhân vật đồng tính quyền lực nhất nước Mỹ (tạp chí Out 2012), chỉ vì một người bạn trai của ông có quá khứ không mấy sạch sẽ.
Các bloggers đanh đá mỉa mai, thương hiệu Marc Jacobs cũng chẳng khác gì Starbucks, “bành trướng nhưng hời hợt”, khi ông đã “dám” mở đến ba cửa tiệm Marc Jacobs trên cùng một con phố. Tờ Page Six còn tung ra loạt bài trả đũa ông vì đã công khai xác nhận chuyện mình phải vào trại cai nghiện với Women’s Wear Daily rồi lại "xì" thông tin tưởng là quý như vàng ấy cho The Post.
Thật ra nếu quá để ý đến nhận xét của người khác, Marc Jacobs đã không thể khiến tất cả, dù yêu hay ghét, đều phải nói về ông nhiều như vậy. Có lẽ trước hết vì ông thích làm mọi thứ “một mình một kiểu”. Nếu như nhiều nhà thiết kế luôn cố gắng chứng tỏ khả năng sáng tạo độc lập bằng cách phủ nhận, họ đã vay mượn ý tưởng, Marc thẳng thắn thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của những nhà thiết kế ông ngưỡng mộ. Năm 2008, Marc bị kiện vì đã sao chép một mẫu khăn từ thập niên 1950 của nhà thiết kế người Thụy Điển Gosta Olofsson, nhưng không một chút hối hận, Marc móc ví bồi thường bản quyền và... tiếp tục copy bất kỳ ý tưởng nào ông thấy hợp nhãn.
Trong khi các nhà thiết kế khác chạy theo sự an toàn và những hình ảnh chuẩn mực, Marc Jacobs lấy cảm hứng từ vóc dáng gầy trơ xương của Victoria Beckham, vẻ thảm hại của Lindsay Lohan trong thời gian cai nghiện. Ông nhìn ra được vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, kể cả sự xấu xí. Nhưng Marc tôn thờ sự hoàn hảo trong công việc. Ông xăm lên cánh tay chữ “Perfect”, và luôn tâm niệm rằng “chỉ một chi tiết không như ý là mọi thứ hoàn toàn thay đổi”. Marc luôn bị ám ảnh bởi chi tiết và tính tiên phong của những sản phẩm mới.
“Sự khác biệt giữa một nhà thiết kế giỏi và một nhà thiết kế tầm tầm là khả năng nắm bắt được hơi thở của đời sống hiện tại và hiện thực hóa nó trước mắt giới thưởng ngoạn” – Fabien Baron, giám biên của tờ Interview và là người đã theo dõi Marc Jacobs từ khi khởi nghiệp, nhận định - “Marc Jacobs là một nhà thiết kế có khả năng hiếm thấy này. Ông ấy dâng hiến toàn bộ linh hồn và thể xác vào các buổi trình diễn bộ sưu tập của mình”.
Song có lẽ Marc còn sẵn sàng dâng hiến bản thân cho những cuộc tranh cãi bất tận của giới làm nghề. Năm 2005, BST mùa thu của ông khiến các biên tập viên kỳ cựu phải mất rất nhiều thời gian đấu khẩu xem đây là quần áo kiểu gì, với những đường nét kỳ dị, thùng thình và không xác định nổi “niên đại”. Màn trình diễn bắt đầu một cách ảm đạm với chiếc áo khoác đen và chân váy xòe lùng bùng như thể được bơm đầy không khí, tiếp tục trong không khí lãng mạn nhưng vẫn quái dị của một chiếc váy nhung quây được trang trí bởi hoa hồng. Bất chấp cả chất liệu mềm mại hay màu sắc sặc sỡ, khó có thể tìm thấy chất nữ tính trong các thiết kế của Marc Jacobs. Trang phục của ông luôn gợi mở những cảm nhận mâu thuẫn - giữa mạnh mẽ và yếu đuối, giữa mềm mại và cứng cáp, giữa điệu đàng và bặm trợn - kiểu mâu thuẫn luôn khơi dậy sự hoài nghi, hoài nghi đến cực đoan.
Marc thực chất là một nhà tổng hợp tinh tế và sắc bén các xu hướng thời trang từ đầu cho đến cuối thế kỷ XX. Herald Tribune từng ví von, ông chỉ là một kẻ nhai lại những gì đã có của thời trang đương đại. Song phía sau sự pha trộn những ý tưởng ấy là tư duy phá cách đến ngông cuồng và quan niệm dị thường về thời trang - những ý tưởng nằm trên hai thái cực - hoặc mang nặng tính trình bày, hoặc lộ rõ xu hướng ứng dụng nhẹ tênh.
Ông từng thiết kế những trang phục phô nội y ra ngoài, theo cách ngẫu hứng và điên rồ nhất. Ông cũng luôn làm việc với tâm thế, không bao giờ được phép cho ra những sản phẩm “trung tính”. Với Marc, bạn chỉ có thể có hai lựa chọn: yêu hoặc ghét. Trang phục của ông hoặc ném ta vào niềm đam mê đầy rủi ro, hoặc khiến ta ghét cay ghét đắng sự ngạo mạn và bất cần trong con người “hư đốn”. Những tác phẩm tưởng chừng tối giản, song bất ngờ đánh thức những cảm xúc phức tạp.
Thế nhưng có lẽ điều gây nên sự kinh ngạc tột cùng của giới yêu thời trang chính là những khoảng lặng oái oăm nhất mà có lẽ chỉ Marc Jacobs mới làm được. Các biên tập viên thời trang, nhà thiết kế thuộc nhiều trường phái và khách hàng đều mở to mắt ngỡ ngàng khi Marc Jacobs trở lại vào tháng Hai năm nay, sau khi rời ghế Giám đốc sáng tạo ở nhà Louis Vuitton năm ngoái và trình làng bộ sưu tập mùa Thu với vẻ nhẹ nhàng thanh thản hiếm có, không nhún nhường mà cũng không gấy hấn.
Những chiếc váy dáng thuôn thướt tha và những chiếc áo lông xù đơn giản mà tinh tế. Không tối giản mà rất minh triết, lạnh lùng mà không khô khát, nền nã mà không tẻ nhạt. Có chăng một chút nổi loạn vẫn còn sót lại ở những chiếc áo mỏng tang kiểu “mặc mà như không”. Người ta tạm quên đi một Marc Jacobs đồng bóng - đôi khi rất nam tính trong những bộ vest lịch lãm, nhưng khi nổi hứng lên lại mặc váy trang điểm rất đậm tung tăng ở các show diễn của mình. Một Marc Jacobs tự hào ra mặt về chuyện mình là người đồng tính và bỏ ngoài tai mọi chê bai chỉ trích. Không biết đó có phải là hệ quả của một thời gian dài trở nên yếu đuối bất thường của ông hay không (Marc từng nói rằng “trong suốt 20 năm, tôi không dám nhìn vào hình ảnh của chính mình trong gương”), kéo theo sự lên xuống của cảm xúc, cũng thất thường như cân nặng của ông vậy. Nhưng dù thế nào, bộ sưu tập mới nhất cũng cho khán giả cảm giác dễ chịu và mọi người đều lờ mờ cảm nhận được, chuyên gia gây tranh cãi của họ đã “rửa tay gác kiếm”.
Nếu trước đây Marc luôn phủ nhận, việc tạo dư luận trái chiều là một hành động cố ý để bán những trang phục do mình thiết kế, thì nay khi ông đã trở nên cân bằng và dễ chịu hơn, mọi nghi ngờ về sự thay đổi bất ngờ của con người xuất chúng này vẫn còn nguyên đó.
Suy cho cùng, không còn gây tranh cãi nữa, không còn đứng trên ranh giới giữa yêu và ghét để nở một nụ cười cao ngạo, Marc Jacobs cũng không còn là Marc Jacobs nữa, dù làng thời trang thế giới nhờ đó mà có thêm được một chút bình yên.
Theo Zing