Ý của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là gì khi quyết tâm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên? Điều này có bao gồm yêu cầu Mỹ rút hết quân cùng khí tài trang bị hạt nhân khỏi Hàn Quốc và khu vực xung quanh hay không?

Mập mờ về định nghĩa ‘phi hạt nhân hóa’ của Triều Tiên

21/01/2019, 15:33

Ý của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là gì khi quyết tâm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên? Điều này có bao gồm yêu cầu Mỹ rút hết quân cùng khí tài trang bị hạt nhân khỏi Hàn Quốc và khu vực xung quanh hay không?

Triều Tiên đến nay vẫn mập mờ về khái niệm “phi hạt nhân hóa” - Ảnh: The Verge

Trong một cuộc họp báo phát trên truyền hình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ chối cho biết ông có từng đề nghị nhà lãnh đạo Kim làm rõ khái niệm “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” hay chưa, mà chỉ bắt đầu nói về tâm lý thù địch và mất lòng tin với Bình Nhưỡng của Mỹ rồi chuyện tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953).

Cuối cùng, Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh ông Kim lúc gặp các nguyên thủ quốc gia trong năm 2018 đều tuyên bố “phi hạt nhân hóa hoàn toàn không khác gì với yêu cầu giải trừ hạt nhân đưa ra bởi cộng đồng quốc tế”. Ông Moon cũng khẳng định nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng hiểu rõ số phận lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc là chuyện riêng do hai nước này định đoạt.

Bộ trưởng Thống nhất liên Triều Cho Myoung-gyon lại phát biểu hoàn toàn khác. Điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 9.1, quan chức này thừa nhận định nghĩa phi hạt nhân hóa giữa hai bên rất khác biệt, và xem đây là một phần trong tiến trình đàm phán.

Mơ hồ trong vấn đề quan trọng như vậy có thể là một chiến thuật đàm phán, tuy nhiên nhiều chuyên gia lại xem đây là dấu hiệu cho thấy hai Tổng thống Mỹ - Hàn đang né tránh.

Mỹ luôn muốn Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược, có thể kiểm chứng”. Khi gặp Tổng thống Trump tại Singapore, nhà lãnh đạo Kim chỉ cam kết “cùng hợp tác hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.

Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân, còn Mỹ vào năm 1991 cũng rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi đây. Vậy chính xác thì Bình Nhưỡng muốn gì?

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, nhà lãnh đạo Kim chỉ cam kết “cùng hợp tác hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” - Ảnh: CNN

Chính quyền Bình Nhưỡng năm 2016 từng giải thích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bao gồm tiêu hủy vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc lẫn khu vực lân cận. Truyền thông nước này vào tháng trước vừa nhắc lại, đồng thời bổ sung thêm: “Lực lượng Mỹ có quyền sử dụng hạt nhân từ Hàn Quốc phải rút đi”.

Phát biểu dịp năm mới nhà lãnh đạo Kim yêu cầu Seoul ngừng tập trận chung với Mỹ bên ngoài cũng như chấm dứt hiện diện của vũ khí chiến lược do nước ngoài mang đến.

Không ít người Hàn Quốc sẽ thấy khó chịu khi “chiếc ô hạt nhân” Mỹ không còn. Rút vũ khí trang bị được hạt nhân khỏi khu vực với Mỹ là chuyện không thể thương lượng.

Chuyên gia Sung-Yoon Lee đến từ đại học Tufts đánh giá thái độ né tránh câu hỏi của Tổng thống Moon đã nói lên tất cả.

Theo chuyên gia, nhà lãnh đạo Kim có ý giữ lại vũ khí hạt nhân trong khi đàm phán về chuyện rút quân Mỹ khỏi nước láng giềng, còn chính quyền Tổng thống Moon vô tình tiếp tay bằng cách tránh né làm rõ vấn đề.

Ông Shin Beom-chul thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan cho rằng có nguy cơ Triều Tiên đòi Mỹ rút quân khi đàm phán đến giai đoạn cuối cùng, như là điều kiện từ bỏ hạt nhân cuối cùng. Lúc đó thì phần lớn trừng phạt đều bị dỡ bỏ nên Bình Nhưỡng không phải chịu nhiều sức ép để làm chuyện này.

“Chúng ta phải kiểm tra khái niệm phi hạt nhân hóa và vạch ra lộ trình kỹ càng hơn trước khi bỏ trừng phạt, nếu không Triều Tiên sẽ lợi dụng”, ông Shin lưu ý.

Một số nhà phân tích người Mỹ đặt nghi vấn với lập luận Triều Tiên muốn Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, tiêu biểu là hai ông Robert Carlin, Joel Wit - nhân vật từng tham gia đàm phán với quốc gia Đông Bắc Á những năm 1990.

Họ lấy ví dụ cố lãnh đạo Kim Jong-il vào năm 2000 từng nói với cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung việc quân Mỹ có mặt trên bán đảo Triều Tiên không có gì xấu, sau khi các bên ký hiệp ước hòa bình. Tuy vậy lực lượng này phải thay đổi vai trò thành “đội quân gìn giữ hòa bình”.

Bình Nhưỡng vào thời điểm đó xem hiện diện của quân đội Mỹ là nhân tố giúp giữ cân bằng, giúp bảo vệ họ trước ảnh hưởng từ Trung Quốc với Nga, Carlin cho hay. Ông nhận xét Kim Jong-un dường như cũng dùng cách tiếp cận này.

Cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc Chun Yung-woo (tham gia đàm phán với Triều Tiên giai đoạn 2006 - 2007) không đồng tình mà cho rằng cố lãnh đạo Kim Jong-il đơn giản là tránh đưa ra một yêu cầu không thể chấp nhận được.

Ông Chun đánh giá chưa chắc nhà lãnh đạo Kim Jong-un không nghiêm túc về phi hạt nhân hóa (khi mập mờ về khái niệm này), nếu đây thực sự là cách duy nhất để ông phát triển đất nước và thoát khỏi trừng phạt, qua đó giữ được quyền lực.

Cẩm Bình (theo The Washington Post)

Bài liên quan
Với smartphone tự chủ 100%, Huawei thách thức lệnh cấm của Mỹ
Sự ra mắt của chiếc điện thoại thông minh mới nhất từ Huawei đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh công nghệ khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mập mờ về định nghĩa ‘phi hạt nhân hóa’ của Triều Tiên