Với sự tham gia của 80 chiếc dù lượn, 30 con diều lớn, 70 diều nhỏ và 50 máy bay mô hình, chương trình biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật năm 2023 ở An Giang đã làm cho người xem mãn nhãn.

Mãn nhãn với những màn trình diễn dù lượn trên Phụng Hoàng Sơn

Tô Văn | 30/04/2023, 11:08

Với sự tham gia của 80 chiếc dù lượn, 30 con diều lớn, 70 diều nhỏ và 50 máy bay mô hình, chương trình biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật năm 2023 ở An Giang đã làm cho người xem mãn nhãn.

Sáng 30.4, tại Khu thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chương trình biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật năm 2023 chính thức được khai mạc.

6-viet6.jpg
Quang cảnh lễ khai mạc - Ảnh: Tô Văn
9-viet9.jpg
Lãnh đạo UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang tặng hoa và cờ cho đại diện Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM - Ảnh: Tô Văn

Phát biểu khai mạc, ông Trần Minh Giang - Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, chương trình này nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân trên địa bàn huyện và khách du lịch đến tham quan vào dịp lễ 30.4 và 1.5 tại Khu thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek, xã Núi Tô và Quảng trường Thái Quốc Hùng.

“Chúng tôi đã phối hợp với Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM chính thức khai mạc chương trình biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật năm 2023. Khi đến với chuỗi các hoạt động chào mừng lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 80 dù lượn có động cơ, 30 máy bay mô hình, 50 phi công tham gia biểu diễn.

Ngoài ra, du khách sẽ có cơ hội bay trải nghiệm thực tế ngắm nhìn toàn cảnh Khu thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek từ trên cao. Bên cạnh đó, chương trình còn có biểu diễn phục vụ bay ban đêm có bắn pháo hoa tầm thấp trên không”, ông Giang nhấn mạnh.

3-viet3.jpg
Một diều lượn có động cơ phản lực biểu diễn - Ảnh: Tô Văn
2-viet2.jpg
Sau phần trình diễn diều, dù lượn, hoạt động thả diều nghệ thuật được các nghệ nhân bắt đầu chuẩn bị - Ảnh: Tô Văn
1-viet1.jpg
Những học sinh giỏi ghi ước mơ lên đuôi diều - Ảnh: Tô Văn

Ông Giang thông tin thêm, hoạt động thả diều nghệ thuật tại quảng trường với khoảng 30 con diều lớn có kích thước từ 7 - 10 mét và 70 con diều nhỏ tạo hình các loài linh vật đủ màu sắc, có kích thước từ 3 mét trở lên, do nghệ nhân Phạm Văn Tâm cùng các nghệ nhân khác tham gia biểu diễn.

“Điều đặc biệt nhất là hoạt động “Bay lên cánh diều ước mơ” mang theo 100 điều ước của những học sinh giỏi trên địa bàn huyện được thả bay lên trời. Cánh diều không chỉ thể hiện ước vọng về cuộc sống tốt đẹp mà còn mang tới cơ hội giao lưu giữa người nghệ nhân và người mến mộ bộ môn gắn liền với tuổi thơ này.

Tôi mong rằng thời gian tới, sự kiện này sẽ được tổ chức thường xuyên, quy mô hơn, thu hút nhiều người đến xem. Qua đó, quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong và ngoài tỉnh những nét văn hóa đặc sắc của huyện Tri Tôn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung”, ông Giang chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, đúng 9 giờ sau phần lễ, 80 dù lượn, 30 con diều lớn, 70 diều nhỏ và 50 máy bay mô hình đã bắt đầu trình diễn. Với kinh nghiệm dày dặn, trình độ chuyên môn cao, các phi công, nghệ nhân đã mang đến cho người xem những màn biểu diễn vô cùng mãn nhãn với rất nhiều kỹ thuật bay ấn tượng.

Chị Kim Phượng (32 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) cho biết, thông qua báo đài gia đình chị nắm được thông tin huyện Tri Tôn tổ chức biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật.

“Tôi cùng mọi người thức từ 5 giờ sáng xuất phát đến Tri Tôn để thưởng thức. Hoạt động diễn ra rất hấp dẫn, tiếng vỗ tay vang rần rần mỗi khi diều lượn hạ cánh an toàn khiến bản thân tôi rất phấn khích. Tôi mong muốn hoạt động này diễn ra hằng năm để mọi người có thể đến thưởng thức sau nhiều ngày làm việc mệt mỏi”, chị Phượng bày tỏ.

4-viet4.jpg
7-viet7.jpg
80 dù lượn, 30 con diều lớn, 70 con diều nhỏ và 50 máy bay mô hình bắt đầu trình diễn - Ảnh: Tô Văn
8-viet8.jpg
Nhiều du khách thích thú khi xem buổi trình diễn - Ảnh: Tô Văn

Trao đổi rõ hơn về diều lượn có động cơ phản lực, ông Lâm Quang Quý - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM cho biết, đối với hoạt động diều lượn, Ban tổ chức có vài chiếc được sản xuất từ Anh quốc với động cơ 912 của Áo, mã lực mạnh, tốc độ bay trên 100km/giờ, độ cao không giới hạn.

“Muốn điều khiển những chiếc diều bay có động cơ mạnh, các phi công phải trải qua một khóa huấn luyện kỹ lưỡng để có thể xử lý hết mọi bất trắc ở trên không. Chiếc diều bay với động cơ 912 khi được xuất xưởng có giá khoảng 80.000 USD”, ông Quý nói.

Cũng theo ông Quý, khi tất cả phi công cất cánh hay hạ cánh phải đảm bảo đường băng không có bất kỳ chướng ngại vật nào. Khi cần hạ cánh, phi công phải liên lạc với đài chỉ huy để sắp xếp đường băng giúp việc hạ cánh an toàn.

Được biết, tại tỉnh An Giang trong 3 tháng đầu năm, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Ước tính toàn tỉnh đón tổng số 4 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 60% so với cùng kỳ; số lượt khách quốc tế đạt 6.000 lượt, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong quý 1 ước đạt 2.500 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mãn nhãn với những màn trình diễn dù lượn trên Phụng Hoàng Sơn