Sáng thức giấc, nghe tin tác giả của “Em ơi! Hà Nội phố” - nhà thơ, nghệ sĩ Phan Vũ qua đời, những ký ức về ông cứ cuồn cuộn ùa về...

Mãi mãi còn đó, một Phan Vũ lãng tử tài hoa

Tiểu Vũ | 17/07/2019, 14:38

Sáng thức giấc, nghe tin tác giả của “Em ơi! Hà Nội phố” - nhà thơ, nghệ sĩ Phan Vũ qua đời, những ký ức về ông cứ cuồn cuộn ùa về...

Phan Vũ, một tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật Việt Nam vừa ra đi ở tuổi 94 tại TP.HCM. Tên tuổi của ông cũng gắn liền với cụm từEm ơi, Hà Nội phố,tựamột bài trường ca bất hủviết về Hà Nội với những ngôn từvừa đẹp lại vừa buồn và ám ảnh về một Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Một đoạn trong trường ca này cũng được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc cùng tên, bài hát cũng đã thành bài hát ở lại mãi trong tim của người yêu nhạc, yêu Hà Nội.

Thường mỗi khi viết cái tên Phan Vũ ra, người ta bối rối không biết đặt danh xưng phía trước chữ Phan Vũ là gì, bởi ông không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà báo, họa sĩ, chiến sĩ, nhà biên kịch, đạo diễn, tất cả những “nhà” ấy đều hội tụ trong con người của một Phan Vũ đầy chất nghệ sĩ lãng tử và phong trần. Hình ảnh “Người nghệ sĩ lang hoài trên phố” trong thơ ông cũng chính là nguyên mẫu con người Phan Vũ trong đời sống thực. Ông lang thang rong chơi trên tất cả nghệ thuật và để lại những dấu chân khó phai mờ trên miền đất ấy.

Chân dung nghệ sĩ Phan Vũ

Sau những vinh quang và cay đắng, những năm cuối đời nghệ sĩ Phan Vũ lui về ẩn cư tại một căn nhà nhỏ có vườn cây xanh ở Q.9, TP.HCM. Nói ông về ẩn cư cũng chưa hẳn đúng, ông chỉ rời xa những hoạt động trong môi trường văn nghệ mang tính “hội hè” để toàn tâm cho những sáng tạo nghệ thuật của riêng mình. Căn nhà nhỏ ở Q.9 cũng là nơi ông cho ra đời hàng trăm bức tranh, hàng trăm bài thơ mang nhiều giá trị nghệ thuật và triết lý nhân sinh.

Trong những ngày làm báo ở Sài Gòn, người viết bài có may mắn được nhiều lần đến gặp ông, lần gần nhất là vào tháng 7.2018, khi ông mở triển lãm mỹ thuật tênEm ơi, Hà Nội phố và trước đó là vào tháng 4.2018, trong dịp ông ra mắt tập thơ Ta cònem, cả hai sự kiện đều diễn ra ở Sài Gòn.

Nghệ sĩ Phan Vũ tại triển lãm "Em ơi Hà Nội phố" ở TP.HCM năm 2018

Ấn tượng nhất nhất vẫn là cuộc gặp gỡ với nhà thơ Phan Vũ tạiQ.9, TP.HCM vào tháng 3.2015. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào buổi sáng sớm, điểm hẹn là một quán cà phê gần nhà ông. Khi tôi đến nhà thơ Phan Vũ đã ngồi đó từ trước. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi trước mặt mình là một Phan Vũ vạm vỡ, quắc thước, phong trần, lãng tử, miệng ngậm ống điếu, tay cầm smartphone lướt Facebook. Trên người của Phan Vũ là quần áo jean còn dính đầy sơn, đôi tay lem luốc màu vẽ, ông có nụ cười hiền và ánh mắt triều mến làm tôi thấy ông quá gần gũi thương yêu.

Nghệ sĩ Phan Vũ thời điểm năm 2015

Tiếp xúc với Phan Vũ mới biết ông là người rất ít nói, rất ít thể hiện mình trước đám đông. Mọi cái trong ông đều chậm rãi bình lặng. Ông tiếp chúng tôi thân thương như người ông và những đứa cháu. Bên ly cà phê thơm tho buổi sáng, ký ức của ông hình như vẫn nguyên vẹn chưa thể mất một đoạn nào trong phần đời vốn nhiều thăng trầm của ông.

Qua lời ông kể, tôi có thể hình dung được chàng trai Phan Vũ tuổi 20 oai hùng trong đoàn quân Nam tiến ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Có những câu chuyện ông đã từng chia sẻ với báo chí và cũng có câu chuyện lần đầu ông mới kể. Thuở ấy, khi còn làm bên Ban chính sách tù binh của Việt Minh,có một cô tù binh người Pháp phải lòng ông đến nổi sau khi được thả, mỗi ngày cô đều gởi quà ra vùng kháng chiến cho ông. Điều trớ trêu là bố cô ấy là một sĩ quan Phòng Nhì của Pháp, biết được việc làm của con gái và đã giăng một cái bẫy chờ ông nhập thành để bắt. Rất may là điều đó không xảy ra với ông.

Nhà thơ Phan Vũ cũng cho biết ông là thành viên cuối cùng của Nhân Văn giai phẩm - một phong trào văn nghệcủa một số văn nghệ sĩ, trí thức sống ởmiền Bắctrong thời kỳ 1955- 1958. Bằng cách này cách khác, ông đã may mắn không lâm vào hoàn cảnh như những người bạn văn trong nhóm của ông. Khi nhắc đến tên Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần… Phan Vũ đã bật khóc…

Chân dung tự họa của Phan Vũ

Trực tiếp hầu chuyện với nhà thơ Phan Vũ mới ngỡ ngàng biết rằng ông không phải là người Hà Nội như người ta vẫn tưởng, Phan Vũ cũng không phải họ Phan, ông có họ Trần và tên thật là Trần Hồng Hải.Gia đình ông thuộc họ Trần ở Hòa Tiến, Hòa Vang, Quảng Nam - Đà Nẵng.Ông sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Học hết bậc tiểu học ở Hải Phòng, lên Hà Nội học tiếp trung học. 20 tuổi theo đoàn quân Nam tiến vào hoạt động ở Khu 8, Khu 9 (miền Đông và miền Tây Nam Bộ). Sau đó được cử vào Ban Chấp hành Văn nghệ Nam Bộ. Năm 1954, ôngtập kết ra Bắc, tham gia chỉ đạo Đoàn Văn công tổng hợp Nam Bộ tham gia Đại hội Văn công toàn quốc 1956. Sau đó ông về làm biên kịch cho Đội kịch Trung ương rồi cho Xưởng phim Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vào Nam công tác tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Sân khấu Việt Nam và hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Từ khoảng năm 2010, Phan Vũ đã chính thức không còn hoạt động ở những hội nói trên.

Phan Vũ với tập thơ "Ta còn em" ra mắt tháng 3.2018

Mải mê với những câu chuyện của ông đến quá trưa. Tôi được ông đưa về nhà riêng để xem tranh do ông vẽ. Con đường quanh co qua mấy con hẻm đưa chúng tôi đến căn nhà cũng là xưởng vẽ của ông. Căn nhà nhỏ, bề bộn với màu cọ, tranh treo trên tường, tranh ở dưới đất, những bức đã hoàn thành, những bức tranh còn dang dở...

Năm đó nghệ sĩ Phan Vũ đã bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn dậy từ 3 giờ sáng để vẽ. Họa sĩ Phan Vũ nói rằng ông chưa từng học vẽ ở bất cứ trường lớp nào. Ông vẽ tranh được là nhờ lúc trẻ ông thường đến xem những người bạn cùng thời như danh họa Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên vẽ và mày mò học theo. Thời gian sau này khi có dịp xuất ngoại, ông tìm mua những tài liệu về hội họa rồi tự học.

Tranh của Phan Vũ luôn có sự hiện diện của khuôn mặt của chính ông

Đa số tranh của Phan Vũ đều theo trường phái trừu tượng. Nhìn tranh của ông thật sự chúng tôi không hiểu gì nếu như không có lời giải thích từ ông.

“Tranh của tôi vẽ đều lấy ý tưởng từ những câu thơ viết. Tôi rất yêu bản thân mình nên thường pháchọa khuôn mặt của mình để ngắm nhìn mỗi ngày. Hội họa luôn tạo cho tôi cảm giác tự do phóng khoáng vì nó không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì".

Khi được hỏi về bài thơ “ Em ơi! Hà Nội phố", ngoài những gì ông chia sẻ trên báo chí ông còn cho biết thêm: “Trong Hà Nội phố của tôi có bóng dáng rất nhiều người tình trong đó. Một người bạn đã thống kê đến 36 người tình. Nhưng thú thật tôi không yêu ai cả, tất cả họ đều yêu tôi. Nếu tôi yêu một trong số đó có lẽ Hà Nội phố sẽ không ra đời”.

Em ơi! Hà Nội phố qua nét vẽ của Phan Vũ

Em ơi, Hà Nội phố của Phan Vũ lại có số phận khá lận đận. Ra đời từ năm 1972, nhưng trong một thời gian dài không được in trong bất kỳ tập thơ nào. Mặc dù vậy, bài thơ được biết đến nhiều qua ca khúc Em ơi, Hà Nội phố do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, và lên sóng phát thanh vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu. Do không được in trong các tuyển tập nên bài thơ có nhiều dị bản được lưu truyền. Năm 2008, nguyên tác bài thơ mới được in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB Văn học).Từ đó đến nay, bài thơ chưa một lần được tái ngộ độc giả. Những gì mà người yêu thơ nhạc nghe trong Em ơi, Hà Nội phố của Phú Quang cũng chỉ là 21 câu được trích trong bản trường ca đồ sộ gồm 24 chương,443 câu trong bài thơ của Phan Vũ.

Nghệ sĩ Phan Vũ thời điểm năm 2019

Dù là người hào hoa lãng tử, nhưng với vợ con ông rất mực thủy chung son sắc. Trong hôn nhân, ông quan niệm chữ “thương” đáng quý hơn chữ “yêu”, bởi thương sẽ gắn bó lâu bền hơn là yêu. Khi nhắc đến nghệ sĩ Phi Nga, trong đôi mắt ông thăm thẳm những hoài niệm về người vợ đã quá cố.“Phi Nga ảnh hưởng rất nhiều trong quan niệm nghệ thuật và cuộc sống của tôi đến tận hôm nay. Những năm cô ấy bị bệnh tim, tôi dành 30 năm để chăm sóc. Tôi rất sợ bất cứ tổn thương nào cho vợ dù chỉ là một vết nhỏ”.

Trong một bức tranh vẽ người vợ quá cố ông viết: "Ngày ấy anh bẻ một nhánh tràm tặng em kể như hoa ngày cưới. 30 năm ra đi em đã hình thành lá ngọn một màu xanh xanh mát đời anh"

Chân dung của nghệ sĩ Phi Nga được Phan Vũ vẽ lại sau 30 năm ngày bà mất

Buổi chiều hôm ấy, bên ly rượu cay. Phan Vũ đã đọcHà Nội Phố, rồi Sài Gòn phốvà nhiều bài thơ của ông cho cho chúng tôi nghe. Lúc cao hứng ông lại hát vang lên những bài ca của một thời kháng chiến. Ông còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện khác về những tháng ngày ông tập kết ra Bắc.Ngoài những chi tiếtrời rạc được viết ra ở đây, còn có những chuyện mà người viết xin giữ lại cho riêng ôngvà giữ lại cho riêng mình.

Và cuối cùng, bài viết này cũng chỉ làvài nét chấm phá rất nhỏ, những cảm nhận rất chân thành của người viết trẻ khi nghĩ về một bậc tiền bối của nền nghệ thuật nước nhà vừa đi xa.

Vĩnh biệt nghệ sĩ tài hoa Phan Vũ!

Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mãi mãi còn đó, một Phan Vũ lãng tử tài hoa