Trung Quốc và Mỹ đều hứng chịu cơn bão nhiệt đới lớn trong năm nay.
Bão nhiệt đới là mối đe dọa quen thuộc với một số nơi trên thế giới. Song, thiệt hại mà chúng gây ra rất khác nhau tùy theo từng quốc gia.
Dù một số điểm khác biệt có thể là do thiên nhiên, các yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng khi xác định khả năng phục hồi của cộng đồng trước các sự kiện thời tiết tàn khốc, theo các chuyên gia.
Bang Florida (Mỹ) đã hứng chịu hai cơn bão nhiệt đới mạnh trong vòng 12 ngày. Milton, cơn bão cấp 3, đã đổ bộ vào đêm 9.10 gần đảo Siesta Key ở quận Sarasota, bang Florida. Dữ liệu mới nhất cho thấy ít nhất 17 người ở Mỹ đã thiệt mạng vì Milton.
Ngày 26.9, bão Helene đã đổ bộ vào khu vực Big Bend của Florida, gần thành phố Perry, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Ở phía bên kia thế giới, siêu bão Yagi đã quét qua Philippines, Hồng Kông, ba tỉnh miền nam Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác sau khi hình thành cuối tháng 8.
Yagi có sức gió khoảng 245km/giờ khi đổ bộ vào thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 6.9. Milton có sức gió 205km/giờ khi đổ bộ vào bang Florida (Mỹ), còn Helene có sức gió duy trì tối đa là 220km/giờ.
Hơn 1,2 triệu người bị ảnh hưởng bởi Yagi khi siêu bão này tàn phá miền nam Trung Quốc, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng và gián đoạn dịch vụ viễn thông, nhưng có tương đối ít thương vong, với 4 người chết và 95 người bị thương.
Giữa tháng 9, thành phố Thượng Hải đã bị bão Bebinca tấn công, với sức gió cực đại là 151km/giờ. Chính quyền cho biết hai người đã tử vong ở huyện Côn Sơn, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) do ảnh hưởng của bão Bebinca.
Wang Naiyu, Giám đốc REN Centre for Urban Resilience tại Đại học Chiết Giang, lưu ý sự khác biệt đáng kể trong các mô hình cảnh báo khẩn cấp và cứu hộ giữa Trung Quốc và Mỹ.
REN Centre for Urban Resilience (Trung tâm Khả năng Chịu đựng Đô thị REN) là tổ chức tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp nhằm tăng cường khả năng chịu đựng của các thành phố trước các thách thức như thiên tai, biến đổi khí hậu và các mối đe dọa khác đến từ môi trường hoặc xã hội. Trung tâm này thường nghiên cứu về cách các thành phố có thể chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau các sự cố lớn, đồng thời tìm kiếm các phương pháp để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ cuộc sống và cơ sở hạ tầng.
Tại tỉnh Chiết Giang, trên bờ biển phía đông Trung Quốc, chính quyền triển khai một số lượng lớn nhân viên tuyến đầu đi từng nhà trước khi bão tấn công để đảm bảo mọi người sơ tán theo yêu cầu.
Ngược lại, theo Wang Naiyu, Mỹ không thực thi lệnh sơ tán bắt buộc. Thay vào đó, chính quyền đưa ra cảnh báo và để người dân ở Mỹ tự quyết định có nên sơ tán hay không.
Viết bài cho trang web Yale Climate Connections, nhà khí tượng học Jeff Masters cho biết ở Trung Quốc, "bắt buộc" thực sự có nghĩa là bắt buộc, nên có ít người gặp nguy hiểm khi bão đổ bộ.
"Số người chết vì bão ở Mỹ có xu hướng cao hơn vì lệnh sơ tán ‘bắt buộc’ không thực sự bắt buộc. Có tới 40% dân số sẽ phớt lờ lệnh này", ông nói.
Hơn 410.000 người ở miền nam Trung Quốc đã được di dời để chuẩn bị cho cơn bão Yagi đổ bộ. Các lớp học dừng dạy và các công viên đóng cửa, trong khi những người lính quân đội Trung Quốc đóng tại Văn Xương sẵn sàng hỗ trợ cứu trợ thiên tai.
Tương tự như vậy, để chuẩn bị cho Bebinca, hơn 414.000 người đã được di dời vào ngày trước khi cơn bão đổ bộ và người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà. Các chuyến bay, phà và tàu hỏa đã bị đình chỉ. Trong khi đó, 56.000 nhân viên cứu hộ trong hơn 2.500 đội đã trong tình trạng sẵn sàng.
Theo Zhao Jiuwei, phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Nam Kinh, nhận thức từ công chúng là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của công tác chuẩn bị ứng phó với bão.
"Để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của công chúng về công tác phòng ngừa thiên tai, cải thiện độ chính xác của các mô hình dự đoán thiệt hại kinh tế và đảm bảo các nỗ lực tái thiết sau thảm họa hiệu quả", ông cho hay.
Các nhà quan sát tại Trung Quốc cũng lưu ý rằng Mỹ dường như không thực hiện tốt trong việc cung cấp cứu trợ khẩn cấp sau cơn bão.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 2.10 để nêu chi tiết về phản ứng của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) với bão Helene, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết vấn đề là về tài chính.
"Chúng tôi đang đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bằng số tiền mà chúng tôi có. Chúng tôi đang chờ một cơn bão khác sẽ ập đến. Chúng tôi không có đủ quỹ. FEMA không có đủ quỹ để vượt qua mùa bão và những gì đang đến", Alejandro Mayorkas nói, theo bản thông báo.
Sau Yagi, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu Trung Quốc) đã phân bổ 200 triệu nhân dân tệ (28,2 triệu USD) cho cứu trợ thiên tai, tập trung vào việc sửa chữa đường sá, cầu cống và đập cũng như khôi phục trường học, bệnh viện và các cơ sở công cộng khác.
Tại tỉnh Hải Nam, Quân đội Trung Quốc tại Văn Xương đã làm việc với lính cứu hỏa và người dân để khôi phục nước, điện và thông tin liên lạc. Chỉ vài ngày sau, cơ sở hạ tầng bị hư hại đã được sửa chữa phần lớn.
Tại Mỹ, phản ứng của chính phủ đã bị chỉ trích là kém hiệu quả và chậm chạp nhưng cũng có sự gia tăng việc lan truyền thông tin sai lệch về các nỗ lực cứu trợ sau bão trên mạng xã hội, gồm cả những tuyên bố rằng các nạn nhân bị bỏ rơi.
Vấn đề này đã trở nên chính trị hóa nặng nề, với việc Tổng thống Joe Biden khiển trách Donald Trump (ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa) và nhóm vận động tranh cử của ông vì phát tán "thông tin sai lệch liều lĩnh, vô trách nhiệm và liên tục và những lời nói dối trắng trợn" về phản ứng của liên bang.
Về thiệt hại kinh tế do bão nhiệt đới gây ra, hai quốc gia có các mô hình đánh giá khác nhau, khiến việc so sánh trực tiếp trở nên khó khăn. Tuy nhiên, cả Zhao Jiuwei và Jeff Masters đều đồng ý rằng Mỹ có thể phải đối mặt với rủi ro cao hơn.
Jeff Masters lưu ý rằng thiệt hại do bão đổ bộ vào đất liền có xu hướng cao hơn ở Mỹ, vì đây là quốc gia giàu có hơn với nhiều tài sản tập trung ở các khu vực ven biển dễ bị tổn thương. Các ước tính sơ bộ cho thấy Yagi gây thiệt hại 12 tỉ USD cho Trung Quốc, trong khi thiệt hại do Helene gây ra có thể lên tới 34 tỉ USD.