COVAX, chương trình toàn cầu cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo, đang giảm gần 30% so với mục tiêu trước đó là 2 tỉ liều trong năm 2021, các tổ chức quốc tế điều hành chương trình cho biết.
Người đứng đầu Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), tổ chức tài trợ cho chương trình COVAX cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đã kêu gọi các nước giàu chia sẻ liều lượng vắc xin nhiều hơn.
Trong tuyên bố chung hôm 8.9, các tổ chức đổ lỗi cho quyết định cắt giảm mục tiêu của COVAX xuống còn 1,425 tỉ liều do một loạt các yếu tố, bao gồm cả các hạn chế xuất khẩu vắc xin từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), nhà cung cấp chính.
Các vấn đề sản xuất tại Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng như sự chậm trễ trong việc xem xét quy định với các vắc xin do công ty công nghệ sinh học Novavax (Mỹ) và Clover Biopharmaceuticals (Trung Quốc) phát triển cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung, họ nói.
“Điều này tất nhiên là tồi tệ với toàn thế giới vì chúng tôi đã thấy những hậu quả khủng khiếp xảy ra khi vi rút được thả rông mà không được kiểm soát”, Giám đốc điều hành Gavi - Seth Berkley nói trong cuộc họp báo.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi không thể chịu được sự chậm trễ hơn nữa trong khi các nhóm như nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi vẫn cần được bảo vệ ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn”.
Tuyên bố chung cho biết cột mốc 2 tỉ liều cho COVAX hiện dự kiến sẽ đạt được vào quý 1/2022.
Hơn 221 triệu người được báo cáo đã mắc COVID-19 trên toàn cầu và 4,76 triệu người đã chết, theo thống kê của Reuters.
Seth Berkley nói các quốc gia đã đáp ứng nhu cầu vắc xin trong nước nên giảm bớt số lượng mà họ bảo đảm sẽ nhận được. Một số nước giàu có đang lên kế hoạch tiêm mũi vắc xin thứ ba vì lo ngại rằng sự bảo vệ từ chế độ tiêm hai mũi tiêu chuẩn đang suy yếu, nhưng Seth Berkley cho biết không có chứng thực khoa học nào về nhu cầu tiêm bổ sung rộng rãi như vậy.
WHO tìm vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo
Cũng hôm 8.9, WHO cho biết các quốc gia có thu nhập thấp đã sẵn sàng thực hiện các chiến dịch tiêm chủng COVID-19 hiệu quả và giờ đây, các nhà sản xuất và các nước giàu có phải cung cấp liều lượng đã cam kết để giảm bớt bất bình đẳng về sức khỏe toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo rằng, khoảng 80% trong số 5,5 tỉ liều vắc xin đã sử dụng trên toàn cầu được chuyển đến các nước có thu nhập trung bình và cao.
Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Chúng tôi đã nghe những lời bào chữa từ các nhà sản xuất và một số quốc gia thu nhập cao về việc các nước thu nhập thấp không thể hấp thụ vắc xin”, đồng thời nói thêm rằng hầu hết các quốc gia thu nhập thấp đều chứng tỏ khả năng thực hiện các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn với bệnh bại liệt, sởi và các bệnh khác.
“Vì các nhà sản xuất đã ưu tiên hoặc có nghĩa vụ pháp lý thực hiện các thỏa thuận song phương với các nước giàu sẵn sàng trả nhiều tiền nhất, nên các nước thu nhập thấp đã bị tước mất các công cụ để bảo vệ người dân của họ”, Tổng giám đốc WHO nói thêm.
WHO đã đặt mục tiêu cho phép mọi quốc gia tiêm vắc xin cho ít nhất 40% dân số vào cuối năm nay và Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc giao hàng tới các nước nghèo hơn cần được đẩy mạnh để đạt được mục tiêu này.
Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các bộ trưởng của 20 quốc gia giàu nhất đã đảm bảo với ông rằng họ sẽ làm mọi thứ để giúp đạt được mục tiêu 40% này trong năm nay.
Ông nói thêm: “Bây giờ là lúc cần có sự lãnh đạo thực sự chứ không phải là những lời hứa suông”.