Theo AP, một ủy ban đặc biệt của Hạ viện về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã đi vào hoạt động từ hôm 28.2.

Lưỡng đảng Mỹ mâu thuẫn vì sự ra đời ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

Hoàng Vũ (theo AP) | 02/03/2023, 16:55

Theo AP, một ủy ban đặc biệt của Hạ viện về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã đi vào hoạt động từ hôm 28.2.

Nghị quyết thành lập Ủy ban Đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 10.1 với 365 phiếu thuận và 65 phiếu chống. Trong đó, 65 nghị sĩ bỏ phiếu chống đều là thành viên đảng Dân chủ.

Chủ tịch Ủy ban, nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher cho biết, cơ quan có nhiệm vụ tìm hiểu các vấn đề trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và đưa ra khuyến nghị về chính sách. Quyết định thành lập ủy ban trên thể hiện mong muốn của các đảng viên Cộng hòa trong việc chống lại ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.

ha-vien-my-1.png
Phiên điều trần đầu tiên được tổ chức bởi Ủy ban Đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hôm 28.2 - Ảnh: AP

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trong nhiều năm, với việc cả hai nước ban hành các mức thuế trả đũa đối với một loạt hàng nhập khẩu trong thời gian Tổng thống Donald Trump tại vị. Các sự cố gần đây như vụ khí cầu nghi gián điệp của Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà lập pháp Cộng hòa mong muốn Washington làm nhiều hơn nữa để đối phó Bắc Kinh.

Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher đã kêu gọi các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ hành động để giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung về các biện pháp kiềm tỏa Trung Quốc.

"Thời gian không ở cạnh chúng ta. Chỉ vì Quốc hội này bị chia rẽ, chúng ta không thể lãng phí hai năm tới trong tình trạng lấp lửng về lập pháp hoặc "chiều chuộng" báo chí. Chúng ta phải hành động với tinh thần cấp bách”, Gallagher nói hôm 28.2, và bày tỏ mong muốn đưa ra một số dự luật, cũng như một loạt khuyến nghị về các chính sách dài hạn.

Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ tỏ lo ngại các động thái của ủy ban này có thể làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung. Họ cho rằng ủy ban có thể khuấy động sự gia tăng, thậm chí nhiều hơn các tội ác thù hận chống người châu Á.

Về phần mình, Gallagher cho biết ông cam kết đảm bảo trọng tâm không phải người dân Trung Quốc. Các nhà lập pháp đảng Dân chủ hàng đầu trong ủy ban cũng khẳng định, họ không muốn một “cuộc đụng độ giữa các nền văn minh” mà muốn một nền hòa bình lâu dài.

“Chúng tôi không muốn tạo ra xung đột với Trung Quốc, không phải chiến tranh lạnh và cũng không phải chiến tranh nóng. Chúng tôi không muốn xung đột giữa các nền văn minh. Chúng tôi đang tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài và đó là lý do tại sao chúng tôi phải ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc”, hạ nghị sĩ Dân chủ Raja Krishnamoorthi, thành viên cấp cao của Ủy ban Đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung cho biết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định, ủy ban mới thành lập sẽ không mang tính đảng phái. Ông cho biết thêm, ủy ban này sẽ phụ trách các vấn đề như đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và đưa chuỗi cung ứng trở lại đất nước.

Ông McCarthy tiết lộ rằng đã làm việc với lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện trong việc thành lập ủy ban. Ông nói những thất bại gần đây của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc là kết quả của việc không có “tiếng nói chung”.

“Chúng ta cần làm việc với một tiếng nói chung của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ... Tôi nghĩ rằng nước Mỹ đang rất mong muốn điều này”, ông nói.

Bình luận về việc thành lập Ủy ban Đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Michael Swaine, một nhà phân tích nghiên cứu an ninh Trung Quốc ở Washington, nhận định “đây là một dấu hiệu khác cho thấy sự trượt dốc tiêu cực trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Swaine cho biết các động thái của ủy ban sẽ gây thêm áp lực chính trị đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, người vừa nhấn mạnh mong muốn đối thoại “hạn chế” với Trung Quốc, để có một đường lối cứng rắn hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lưỡng đảng Mỹ mâu thuẫn vì sự ra đời ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc