Khoản 3, Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS. Điều này đã gây bất bình lớn trong giới luật sư.

Luật sư tố giác thân chủ là trái Hiến pháp, phản bội niềm tin của bị can, bị cáo

Trí Lâm | 25/05/2017, 13:11

Khoản 3, Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS. Điều này đã gây bất bình lớn trong giới luật sư.

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), luật sư tố giác thân chủ có thể dẫn đến vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Theo nguyên tắc này, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực của tòa án, và việc chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra và công tố, không phải của luật sư.

Theo quan điểm vị này, luật sư tố giác thân chủ có thể dẫn đến vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo, vì theo Hiến pháp và Bộ Luật TTHS, bị can, bị cáo không bị buộc phải khai báo những điều bất lợi và không bị buộc phải nhận tội, trong khi luật sư lại đi tố giác họ.

“Luật sư đi tố giác thân chủ là trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, vì phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội và trong bối cảnh hiện nay có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vì các DN nước ngoài sẽ cảnh giác với luật sư Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, ở các nước, quan hệ giữa luật sư và thân chủ là quan hệ được đặc quyền bảo mật. Nếu quy định này được thông qua có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nghề luật sư trong thời gian tới. Nhiều sinh viên luật và luật sư trẻ rất hoang mang về quy định này, và có ý định bỏ nghề vì thấy rủi ro quá.

Đồng tình với điều này, ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, Điều 19 dự thảo luật làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội vì bản chất nghề luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

"Luật sư tố giác thân thủ khác nào cha đạo tố giác con chiên vừa xưng tội!? Chỉ một vụ tố giác thân chủ thôi thì liệu xã hội còn tin để nhờ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nữa hay không", ĐB Nguyễn Chiến băn khoăn.

Đại biểu này nói thêm, với Điều 19, Luật sư tranh tụng sẽ đứng giữa dòng: Nếu không thực hiện thì có thể bị phạm tội hình sự, nếu thực hiện tố giác thân chủ thì có thể bị thân chủ tố ngược lại tội vu khống.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phản ứng với quy định luật sư phải tố cáo thân chủ - ảnh Văn phòng Quốc hội

"Quy định này đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ theo đúng quy định pháp luật, bỗng dưng trở thành người bị tình nghi phạm tội, “nhảy” sang vị trí cùng với thân chủ khi bị xác minh, xem xét trách nhiệm hình sự do không tố giác tội phạm", ông Chiến nói.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla cũng cho rằng, theo Điều 389 của BLHS 2015 thì các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác là rất rộng, có 84 tội. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý người bào chữa cũng như ảnh hưởng tới hoạt động hành nghề của luật sư.

Bên cạnh đó, luật sư là người bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của người được bào chữa, khách hàng nhưng khi đang làm việc lại thực hiện việc tố giác thân chủ của mình, điều này không phù hợp với các quy tắc đạo đức cũng như ảnh hưởng tới hình ảnh của luật sư.

Mâu thuẫn với nhiều luật khác

Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, quy định trên của Luật hình sự không thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là: “Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

Theo đó, người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản nhưng theo Bộ luật hình sự 2015 thì người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa.

Bên cạnh đó, quy định này của Luật hình sự cũng không thống nhất với các quy định của Luật Luật sư. Theo quy định của Luật Luật sư 2012 thì luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng và nghiêm cấm tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản.

Theo đó, việc luật sư tiết lộ thông tin về khách hàng mà luật sư được biết trong khi hành nghề là vi phạm quy định của Luật Luật sư. Hơn nữa, người phạm tội là khách hàng của luật sư, nếu luật sư tố giác khách hàng của mình là không tôn trọng khách hàng, ảnh hưởng uy tín nghề nghiệp của luật sư.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla cho rằng Khoản 3, Điều 19 mâu thuẫn với nhiều luật khác

Ngoài ra, ông Hòe cho rằng, luật sư là người có vai trò đặc thù trong vụ án hình sự, luật sư hoạt động hành nghề phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên quan đến nghề nghiệp của luật sư, và luật sư khác với những người như: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.

Do đó, không thể so sánh luật sư và những người thân thích, ruột thịt của người phạm tội. Với tính chất là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, hoạt động của luật sư phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật chuyên ngành như Luật Luật sư và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vì những lý do đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị sửaKhoản 3, Điều 19lại như sau: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này: "nếu người bào chữa biết rõ và có đủ chứng cứ, và nếu việc không tố giác sẽ gây nguy hiểm cho xã hội.”

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư tố giác thân chủ là trái Hiến pháp, phản bội niềm tin của bị can, bị cáo