Liên quan đến việc báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về đất đai lại là “tài liệu thu hồi” (các đại biểu được phát cho nghiên cứu rồi sau thu hồi lại), phiên họp không được truyền hình trực tiếp, phóng viên chỉ được tiếp cận và đưa tin bản báo cáo tóm tắt..., nhiều đại biểu quốc hội và chuyên gia luật cho rằng tài liệu này không nhất thiết phải thu hồi.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Báo cáo giám sát của Quốc hội về đất đai sao phải thu hồi?

Bùi Trí Lâm | 30/05/2019, 09:35

Liên quan đến việc báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về đất đai lại là “tài liệu thu hồi” (các đại biểu được phát cho nghiên cứu rồi sau thu hồi lại), phiên họp không được truyền hình trực tiếp, phóng viên chỉ được tiếp cận và đưa tin bản báo cáo tóm tắt..., nhiều đại biểu quốc hội và chuyên gia luật cho rằng tài liệu này không nhất thiết phải thu hồi.

          

Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam để có thêm góc nhìn về vấn đề này.

Thưa ông, tại phiên họp Quốc hội, báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về đất đai lại là “tài liệu thu hồi”, tức là chỉ phát cho đại biểu nghiên cứu và thu hồi lại, không công khai toàn bộ cho báo chí. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này và theo ông, một tài liệu không thuộc danh sách tài liệu mật mà thu hồi liệu có hợp lý, có đảm bảo sự công khai, minh bạch?

Bản thân tôi thấy rất ngạc nhiên khi báo chí đăng tải sự việc này. Nếu một tài liệu được phát ra cho người khác sử dụng mà bị thu hồi thì thường phải có “lỗi”, tức phát nhầm tài liệu hay phát nhầm đối tượng. Còn nếu cho rằng vì lý do bảo mật thì bản chất câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Trước hết theo lẽ tự nhiên, đã gọi là nội dung “mật” thì có nghĩa không được phổ biến, còn một khi đã phổ biến cho ai đó rồi thì đối với người đó đương nhiên không còn là “mật” nữa.

Ngoài ra, cũng có tình huống là tôi cho anh xem, đọc để biết nội dung nhưng không cho anh giữ tài liệu bằng văn bản thì từ góc độ pháp lý có thể hàm ý là không tạo cho anh bằng chứng về việc tôi đã đưa hay anh đã có tài liệu.

Tuy nhiên, bằng chứng pháp lý có thể ở dạng tài liệu nhưng cũng có thể là “lời khai của nhân chứng” về nội dung thông tin kia mà! Phân tích thế để thấy rằng rất khó hiểu về tính logic trong sự vụ này.

Càng khó hiểu khi Quốc hội là cơ quan dân cử, đại diện trực tiếp cho người dân, thưa ông?

Đúng vậy, chúng ta đang nói đến sinh hoạt Quốc hội và cung cấp tài liệu cho ĐBQH, vốn là lĩnh vực rất chính thống và nghiêm túc. Về tổng thể, cần hiểu là sinh hoạt của Quốc hội rất khác với Chính phủ và các cơ quan khác. Đó chính là cơ quan dân cử, đại diện cho người dân một cách trực tiếp.

Quan hệ giữa nhân dân và các ĐBQH là quan hệ ủy quyền. Có nghĩa rằng cái gì các ĐBQH có và biết sẽ đồng nghĩa với việc người dân cũng có và biết. Khác với viên chức hành chính, anh làm việc tuân theo lệnh của cấp trên và có trách nhiệm giải trình với cấp trên.

ĐBQH là người do cử tri bầu ra, có trách nhiệm báo cáo, giải trình với cử tri về các hoạt động của mình. Do đó, anh không thể giữ bí mật hay làm những việc mà không vì lợi ích của cử tri hay cử tri không biết.

Xin thưa ở nhiều nước văn minh, các kỳ họp của Quốc hội là công khai, cử tri có quyền đến để trực tiếp xem các đại biểu của mình phát biểu những gì. Hay ít nhất, qua phương tiện truyền thông tại chỗ, người dân cũng có được các thông tin này. Cái đó được gọi là minh bạch, công khai vốn là nguyên tắc tối thượng của sinh hoạt Quốc hội.

Thưa ông, phiên giám sát không được phát thanh, truyền hình trực tiếp như các kỳ họp trước. Lý do của sự thay đổi này theo như tờ VnEconomy đưa tin là “để bảo đảm sự thận trọng trong việc chuyển tải thông tin đến cử tri và nhân dân về một số vấn đề nhạy cảm, phức tạp". Ông bình luận gì về lý do này? Quốc hội giám sát một vấn đề nào đó cũng xuất phát từ sự bức xúc và quan tâm của cử tri, vậy với việc không phổ biến toàn bộ báo cáo để cử tri nắm rõ thì liệu có hợp lý?

Nếu lý do của việc thu hồi tài liệu là như vậy thì tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa bởi 4 khía cạnh như sau:

Thứ nhất, phải chăng có sự không tin vào năng lực, phẩm chất và cả tư cách các ĐBQH? Bởi chỉ có không tin ai thì mới có biện pháp để bảo đảm sự “thận trọng” ở người đó chứ? Nhưng câu hỏi đầu tiên là Văn phòng Quốc hội có quyền làm như vậy không, một khi đó là cơ quan sinh ra để phục vụ chính các ĐBQH?

Thứ hai, phải chăng có sự không tin vào các nhà báo và giới truyền thông? Cho rằng các các tài liệu nếu được chuyển cho báo chí thì sẽ bị đưa tin sai lệch? Xin thưa rằng báo chí của chúng ta là báo chí nhà nước và báo chí cách mạng, vốn hoạt động trong sự quản lý rất chặt chẽ bởi các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Các nhà báo cũng là những những người hành xử thận trọng theo các tiêu chuẩn chuyên nghiệp và được kiểm soát khắt khe về chính trị và trách nhiệm pháp lý. Liệu rằng họ sẽ bóp méo vấn đề khi đưa tin chăng?

Thứ ba, phải chăng có sự không tin vào các cử tri và nhân dân nói chung, là những người bầu ra Quốc hội? E ngại rằng nhân dân có thể không hiểu đúng vấn đề để rồi sẽ có những hành động sai trái chăng?

Trình độ nhận thức của người dân khá đa dạng và cũng có thể có nhiều người không hiểu các vấn đề Quốc hội bàn thảo. Tuy nhiên, người dân không bao giờ có lỗi, mà nếu họ không hiểu hết hoặc hiểu sai thì lại càng phải công khai và minh bạch với tài liệu và văn bản được công bố rộng rãi để họ hiểu đúng và thống nhất.

Cuối cùng, tôi cho rằng cái gì chính thống thì không thể gọi là “nhạy cảm” được. Mọi thông tin tại diễn đàn Quốc hội đều là chính thống, có tính nhà nước rất cao. Vậy thì tại sao lại gọi là “nhạy cảm”? Bởi nói nhạy cảm tức hàm ý e ngại hay e sợ điều gì đó mình không kiểm soát, không lường trước được để phải bất an. Quốc hội của nước ta tồn tại gần một thế kỷ rồi thì có điều gì lại phải e ngại đến vậy?

Người dân cũng có chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, liệu việc không công khai tài liệu giám sát đất đai này có làm hạn chế quyền này của người dân và tạo tiền lệ không tốt cho hoạt động giám sát của Quốc hội sau này không? Nhất là khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề cao vai trò của người dân và xã hội trong việc tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng đất đai. Thưa ông?

Như tôi đã nói, hoạt động của Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng luôn luôn là chính thống. Do đó, mọi hành vi dù là nhỏ nhất cũng phải được thể hiện bằng văn bản để có thể tư liệu hóa cho cả mục tiêu giám sát lẫn lưu trữ.

Riêng đối với hoạt động của Quốc hội, mọi hoạt động của Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội chịu sự giám sát của các ĐBQH, còn các hành vi của ĐBQH thì chịu sự giám sát của các cử tri và nhân dân. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

Xét cụ thể trường hợp này, tài liệu bị thu hồi là Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về đất đai, là vấn đề đang nóng được cả xã hội quan tâm, tôi cho rằng đó chính là các thông tin cần được phổ biến công khai, rộng rãi và nhanh chóng nhất cho người dân trong lúc này.

Việc công bố không chỉ cho mục tiêu giám sát và đánh giá từ người dân về bản Báo cáo, mà còn góp phần làm dịu đi sự bức xúc xã hội đang có ở khắp các địa phương về các vi phạm pháp luật về đất đai cũng như vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong lĩnh vực này.

Việc phát tài liệu rồi thu lại liệu có “làm khó” các đại biểu quốc hội - người đại diện cho cử tri khi họ phải giải đáp các thắc mắc của cử tri trong vấn đề này? Ví dụ, Luật Đất đai đã được ban hành và sửa đổi nhiều lần, nhưng những khiếu kiện của người dân về đất đai vẫn không thuyên giảm nhiều, điều này có chứng tỏ những quan tâm và thắc mắc của người dân đã không được xử lý thỏa đáng trong quá trình thông qua và sửa đổi Luật Đất đai?

Tôi tin rằng các ĐBQH đã bị “làm khó” thật sự, hay nói thẳng ra là quyền tiếp cận thông tin đã không được thực thi một cách đầy đủ. Còn việc “làm khó” sẽ là cái khó giải thích của các ĐBQH trước cử tri của mình sau kỳ họp.

Một khi chỉ được đọc, được nghe mà không có tài liệu, liệu rằng tất cả các ĐBQH sẽ nhớ được nội dung, có hiểu thống nhất và có tư liệu và bằng chứng để đối chiếu, giải trình với cử tri hay chất vấn các cơ quan liên quan và thực hiện giám sát tiếp theo hay không. Nói tóm lại, đó có thể được coi là hành vi xâm phạm quyền của các đại biểu dân cử.

Tôi xin nói thêm rằng nếu lý do thu hồi tài liệu về giám sát đất đai được cho là bởi tính “nhạy cảm” hay tránh hậu quả phức tạp thì e rằng chính bản thân việc này đã đẩy vấn đề trở thành nhạy cảm và phức tạp thật sự. Có nghĩa rằng người dân sẽ băn khoăn, thắc mắc và giảm niềm tin và sự trông đợi vào quyền hạn giải quyết vấn đề của các đại biểu của mình hay Quốc hội nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Title

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về lý do, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, không lý giải được vì sao lại thu hồi tài liệu này, chỉ nói “tài liệu đã được phát cho đại biểu để đại biểu nghiên cứu, sau đó thu hồi lại”.

“Quan điểm là vấn đề này không mật mỡ gì, vẫn cho báo chí vào trung tâm để nghe, đưa tin, chỉ không cung cấp tài liệu”, theo ông Sơn.

Câu hỏi này cũng được phóng viên đặt ra với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và được cho biết đây là “quy chế quản lý tài liệu của Quốc hội”.

Về việc báo cáo là “thu hồi” thì phóng viên nên ứng xử thế nào với nội dung báo cáo này, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, với nội dung báo cáo tóm tắt đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt Đoàn giám sát trình bày thì phóng viên có thể ghi âm để đưa tin.

Tuy nhiên, phóng viên không được tiếp cận với nội dung báo cáo giám sát đầy đủ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết chính ông “cũng rất suy nghĩ”.

“Tôi nghĩ tài liệu này đáng ra không cần thiết phải thu hồi. Thực ra là không nên. Đây là vấn đề công khai, không có vấn đề gì phức tạp tới an ninh quốc gia mà chúng ta phải thu hồi cả”, ông Nhưỡng nói.

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ở phiên họp trù bị trước phiên khai mạc, ông và một số vị đại biểu khác cũng đã có ý kiến về việc tại sao không phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên giám sát.

Theo đại biểu Quốc, lẽ ra phải biểu quyết riêng việc có đồng ý là truyền hình trực tiếp phiên giám sát hay không, thì tại phiên trù bị lại chuyển thành biểu quyết có đồng ý với chương trình kỳ họp không, do đó, số đông đại biểu sẽ ủng hộ, vì giám sát chỉ là một phần nội dung của kỳ họp.

“Bản thân tôi cũng phải có trách nhiệm ủng hộ chương trình chung. Việc biểu quyết như thế không đúng, vì lẽ ra đang thảo luận nội dung gì thì lấy ý kiến riêng nội dung đó, chứ lại đi lấy ý kiến toàn bộ chương trình thì không đúng", ông Quốc nói.

Cũng theo đại biểu Quốc, giám sát về nội dung này thì chính người dân phát hiện nhiều hơn các cơ quan chức năng, cho nên để cho người dân nghe được thì họ sẽ hiểu được giám sát của Quốc hội có đi sát thực tế hay không.

“Chúng ta chỉ sợ tạo ra cái nhạy cảm nhưng bản thân đời sống đã nhạy cảm rồi. Đương nhiên, trong nhân dân có nhiều nhận thức khác nhau nên càng đưa thông tin chính xác bao nhiêu, chính thống bao nhiêu thì người dân càng có cơ sở để họ có thể tiếp nhận, chứ để mù mờ càng dẫn đến sự mù mờ trong dân thì càng không có lợi", đại biểu Quốc nêu quan điểm. (Theo Thanh Niên)

Trí Lâm thực hiện

   
Bài liên quan
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Báo cáo giám sát của Quốc hội về đất đai sao phải thu hồi?