Nghị trường Quốc hội vừa được chứng kiến một trong những phiên tranh luận gay gắt nhất khi dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Chính phủ được đưa ra thảo luận.

Luật hỗ trợ DNNVV liệu có trở thành nạn nhân của sức ép ngân sách?

Nhàn Đàm | 23/11/2016, 14:06

Nghị trường Quốc hội vừa được chứng kiến một trong những phiên tranh luận gay gắt nhất khi dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Chính phủ được đưa ra thảo luận.

Dự án Luật hỗ trợ DNNVV của Chính phủ được xem như một trong những cột trụ quan trọng nhất trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, khi theo số liệu thống kê DNNVV đang chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 30% ngân sách, 40% GDP và 60% việc làm nhưng vẫn chưa có một Luật riêng cho khu vực này. Điều đáng chú ý trong phiên thảo luận về dự án luật làđã có không ít đại biểu đặt vấn đề về việc có cần thiết ban hành luật hỗ trợ này hay không.

Dự án Luật hỗ trợ DNNVV là một phần quan trọng trong chương trình tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ khởi xướng. Nó được đánh giá là sẽ trở thành động lực chủ yếu giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận về dự án Luật này tại Quốc hội vừa qua, nó lại đang bị đặt ra dấu hỏi về sự cần thiết. Theo The Saigon Times, một số đại biểu quốc hội cho rằngđã có rất nhiều luật nhằm hỗ trợ DNNVV như Luật doanh nghiệp, Luật ngân sách, Luật thuế và Luật đất đai. Thậm chí, có đại biểu còn cho rằng việc thông qua dự án Luật hỗ trợ DNNVV này có thể được xem như một sự ưu ái thiếu công bằng với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nổi bật là những vấn đề về hỗ trợ nguồn vốn cho các DNNVV sẽ lấy từ ngân sách hay từ những nguồn nào khác, trong bối cảnh sức ép lên ngân sách nhà nước và nợ công đang rất nặng nề.

Có lẽ vì hiểu được điều nàynên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra câu trả lời: “Có một số đại biểu nói không cần về vốn, tôi không rõ lắmnhưng chắc chắn DNNVV đang rất khó khăn về tiếp cận tín dụng, đang khó tiếp cận về mặt bằng, đang khó tiếp cận về công nghệ, về thị trường, về các tư vấn, về đào tạo, về thông tin”. Mặc dù đúng là trước đó Việt Nam đã có Nghị định 90 và sau đó là Nghị định 56 về hỗ trợ DNNVV và một số văn bản pháp luật khác, tuy nhiên chỉ mang tính chung chung và không có Luật nào dành riêng cho khu vực DNNVV cả. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải có một Luật hỗ trợ riêng cho khu vực doanh nghiệp quan trọng này, và thực tế là hầu hết các nước trong khu vực đã thông qua các luật riêng cho DNNVV của mình từ lâu, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có từ những năm 50, 60; thậm chí kể cả Lào cũng đã có luật này (theo CafeF).

Những tranh cãi về tính cần thiết của dự án Luật hỗ trợ DNNVV cho thấy đây không phải là lần đầu tiên các dự án luật được đánh giá là cần thiết cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế bị đem ra xét lại do những khó khăn về ngân sách nhà nước trong thời gian vừa qua. Vấn đề sức ép ngân sách và nợ công đang nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dự đoán, khi vừa qua Quốc hội đã buộc phải nâng trần nợ Chính phủ lên 54% GDP từ mức 50% trước đó. Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW vào ngày 18.11 về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, trong đó đặt trọng tâm vào xiết chặt kỷ luật thu chi ngân sách và hướng tới xóa bỏ cơ chế xin-cho. Trước đó một tuần, trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách.

Có thể thấy, việc dự án Luật hỗ trợ DNNVV đột ngột bị đặt dấu hỏi về tính cấp thiết hiện nay, có lẽ một phần là vì nếu được thông qua nó có thể ảnh hưởng đến vấn đề ngân sách, khi mà danh mục hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong dự thảo luật là tương đối nhiều. Cụ thể, theo dự thảo luật, các DNNVV được hỗ trợ từ vốn vay, giảm thuế doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, vốn tiếp cận công nghệ, chi phí dịch vụ, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ mua sắm công và phát triển nguồn lực… (theo The Saigon Times). Dù dự thảo luật cũng chỉ quy định khá cầm chừng là hỗ trợ từ ngân sách sẽ tùy thuộc vào điều kiện của ngân sách trong từng giai đoạn, nhưng việc nó có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách là điều gần như có thể đoán trước. Và dù nó đem lại lợi ích về lâu dài như một sự nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng nó đang mâu thuẫn với việc hạn chế ban hành các chính sách làm giảm thu ngân sách mà Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện.

Điều mâu thuẫn ở đây là, sức ép ngân sách và nợ công đang buộc Việt Nam phải quản lý chặt chẽ hơn vấn đề sử dụng nguồn vốn của mình vốn là một khía cạnh tích cực, nhưng nó cũng đang có xu hướng cản trở việc nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách trong tương lai. Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tổng thu ngân sách gấp khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó tỉ trọng thu nội địa lên tới 84-85% do các nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm mạnh do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Nếu không có những kế hoạch nuôi dưỡng nguồn thu (mà việc hỗ trợ khu vực DNNVV là một ví dụ điển hình) thì mục tiêu đó sẽ rất khó thực hiện được. Siết chặt kỷ luật ngân sách không đồng nghĩa với việc chấm dứt nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật hỗ trợ DNNVV liệu có trở thành nạn nhân của sức ép ngân sách?