Chiều 30.7, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) cho biết, nước lũ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dâng nhanh.
“Sau sự cố vỡ đập tại Lào, nước đổ về khu vực ĐBSCL chỉ dâng từ 5-10cm. Tuy nhiên sự cố này đúng vào thời điểm triều cường dâng cao cộng với mưa tại khu vực thượng nguồn sông Mê Công tiếp diễn nhiều ngày khiến tình hình nước lũ tại hạ nguồn thêm phức tạp” - ông Nguyễn Văn Tỉnh thông tin như trên và cho biết đã đề nghị cơ quan chức năng tại các địa phương bám sát tình hình để lên phương án ứng phó.
Cùng ngày, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại trạm Tân Châu vào ngày 29.7 là 2,87m còn trên sông Hậu tại Châu Đốc - An Giang là 2,38m. Dự báo do lũ thượng nguồn đổ về trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8.8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m. Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m; sau đó biến đổi chậm. Đến ngày 13-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ở mức 3,55m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 2,95m.
Còn theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước lên chậm; khu vực hạ lưu sông Cửu Long, đỉnh triều cao nhất sẽ lên nhanh trong ngày 31.7. Dự báo đến ngày 5.8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng lên mức xấp xỉ báo động 1 (3,5m ở Tân Châu và 3m ở Châu Đốc), sau đó còn tiếp tục lên.
Trước đó, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa ra dự báo thời gian ảnh hưởng của lượng nước gia tăng từ vụ vỡ đập tại Lào tới ĐBSCL chỉ kéo dài đến ngày 1.8. Do ảnh hưởng của vỡ đập, dòng chảy về ĐBSCL có thể tăng, mực nước ảnh hưởng do vỡ đập thủy điện tại Lào có thể làm tăng mực nước tại Tân Châu khoảng 7-10cm vào ngày 27 đến 28.7. Dự báo đến giữa tháng 8 mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu sẽ đạt 3,2m. Tuy nhiên mực nước lũ tại ĐBSCL trong những ngày tới sẽ dâng trên mức dự báo, điều đó cho thấy các chuyên gia về thủy văn đã không dự báo chính xác được tình hình lũ thực tế, không đưa ra được mô hình về mưa lũ, triều cường và vỡ đập thủy điện sẽ ảnh hưởng tới ĐBSCL như thế nào, bởi ngoài nước lũ từ đập thủy điện, hiện còn chịu ảnh hưởng của triều cường và mưa lũ ở thượng nguồn.
Do tình hình diễn biến phức tạp, chiều 30.7, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, vào sáng nay (31.7), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ tổ chức một cuộc họp để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm chủ động ứng phó với thiên tai tại khu vực ĐBSCL.
Hà Nội, nhiều nơi vẫn ngập
Ngày 30.7, tại Hà Nội và miền Bắc vẫn có mưa rất to do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đang có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc. Theo dự báo, trong ngày 31.7, ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa; khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Giang có khả năng mưa rất to. Trong khi đó, do nước lũ sông Hồng và sông Bùi lên cao nên ở ngoại thành Hà Nội, sau hơn 1 tuần xảy ra mưa lũ, nhiều nơi vẫn ngập trắng nước, đặc biệt là tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì…
Chiều 30.7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện yêu cầu TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình chủ động theo dõi, đề phòng lũ quét trên sông Bùi, chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Đồng thời, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã được lệnh đóng thêm 1 cửa xả đáy vào 10 giờ sáng 30-10 và sẽ đóng tất cả các cửa xả đáy để giảm lưu lượng lũ về hạ du.