Báo chí mấy ngày qua đồng loạt đưa tin ông Vũ Quang Hải, con của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa nộp đơn xin rút khỏi chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Việc xin từ chức của ông được ông tự mô tả là “ra đi trong thế ngẩng cao đầu”...

Lòng tự trọng của các 'người nhà'

28/12/2016, 10:15

Báo chí mấy ngày qua đồng loạt đưa tin ông Vũ Quang Hải, con của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa nộp đơn xin rút khỏi chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Việc xin từ chức của ông được ông tự mô tả là “ra đi trong thế ngẩng cao đầu”...

Ông Hải chia sẻ là đã có ý định xin rút khỏi vị trí lãnh đạo tại tập đoàn này từ trước, nhưng vẫn nấn ná ở lại để chứng tỏ mình “làm được việc chứ không phải là con ông này ông kia”. Có thể vì sức ép của bộ máy, của dư luận, nhưng cũng có thể là do lòng tự trọng mà nhà lãnh đạo trẻ này xin rút, một tiền lệ có lẽ chưa từng có trong thời kỳ “tìm người nhà” tương đối phổ biến như hiện nay.

Nhiều người chắc hẳn cũng hơi tiếc khi ông Hải không từ chối ngay từ đầu lúc được điều động về Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam rồi sau đó là Sabeco; bởi vì cho đến giờ, một trong những rắc rối mà cha ông, nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang gặp phải, chính là việc điều động ông về hai tổng công ty này.

Người ta có thể thấy trong việc “tìm người nhà, không tìm người tài”, lỗi cũng có phần thuộc về “người nhà”, những người được tìm kiếm, nâng đỡ. Chưa có một “hậu duệ mặt trời” nào, dù có thể rất tin tưởng vào bản lĩnh của mình như ông Vũ Quang Hải, lại từ chối việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” cả. Rất hiếm có chuyện các hậu duệ này tự tạo những con đường riêng, hoàn toàn không tận dụng tiếng tăm và các mối quan hệ của cha mẹ hay người thân của mình.

Thực ra, câu chuyện “tìm người nhà” là một xu hướng tự nhiên trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua của mọi đất nước. Con cái, người thân bao giờ cũng là “cái tôi nối dài” của ai đó cho nên việc những tài năng, những thiên tài, những người lãnh đạo giỏi có công khai phá ra những triều đại tất nhiên có xu hướng “truyền tử” chứ ít nghĩ đến chuyện “truyền hiền”. Mãi đến đời Hán bên Trung Quốc và đời Lý của thời phong kiến ở nước ta thì mô hình “tìm người tài” mới được pha trộn vào truyền thống thế tập qua việc tổ chức các cuộc thi tam trường nhằm tìm ra các “dòng máu mới” cho hệ thống quản lý đất nước.

Ngay cả xu hướng thế tập cũng không hẳn là hoàn toàn tiêu cực. Xã hội thời nào cũng có nhu cầu về những hậu duệ giỏi giang của những nhà lãnh đạo tài ba, xuất phát từ nhu cầu về "nguồn gien” lãnh đạo và môi trường đào tạo “gia truyền” của các dòng dõi này. Thế nhưng qua kinh nghiệm lịch sử, sự anh minh sáng suốt của nhà “lãnh đạo nòi” này cứ hao hụt, rơi rụng dần qua một vài thế hệ, và một triều đại mới lại nổi lên thay thế cho triều đại cũ đã sa đọa, mục nát.

Vấn đề có lẽ là sự khác biệt của môi trường hoạt động giữa các thế hệ. Những thế hệ khai phá thường có môi trường phát triển cực kỳ gian khó để vươn lên, trong khi các thế hệ sau thì những con đường đi lên đã được thế hệ trước dọn dẹp quang quẻ.

Các nước phương Đông thường là vậy so với các nước phương Tây. Ngay từ thời xa xưa nhiều nước phương Tây đã có những câu chuyện cổ tích về những chàng hoàng tử hay các cô công chúa “lọ lem”. Gần đây, báo chí có đưa tin về cô con gái út mới 15 tuổi của tổng thống Mỹ Obama phải đi làm bồi bàn để có những trải nghiệm cảnh khó…

Lãnh đạo, quản lý là một cái nghề có những kỹ năng và quy phạm đào tạo hẳn hoi. Không thể nói đến việc hành nghề luật sư, bác sĩ, thậm chí là sửa xe mà không phải học nghề nhưng cho đến nay, xã hội ta dường như chưa có một quy trình cơ bản nào bắt buộc các nhà lãnh đạo tương lai phải trải qua để trở thành nhà lãnh đạo: Học ở đâu? Bằng cấp gì? Có kinh nghiệm gì? Việc thăng tiến dựa trên cơ sở gì…? Có lẽ sẽ chẳng ai xì xầm bàn tán gì nếu con cái những người quản lý, lãnh đạo, xuất sắc vượt qua các “vũ môn” cụ thể này để nối nghiệp cha anh mình.

Không thể và cũng không nên hoàn toàn loại bỏ cơ chế “tìm người nhà”, bởi “người nhà” cũng rất có thể là những người tài. Điều mà xã hội cần làm là tìm ra những quy trình tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc công bằng, công khai để tìm ra những con người tài năng đức độ, có đầy đủ năng lực và lòng tự trọng để đưa đất nước đi lên, dù đó có là “người nhà”, có là các “hậu duệ”, “hạt giống” hay không…

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lòng tự trọng của các 'người nhà'