Bạn sẽ thường xuyên mua mè đen sử dụng sau khi biết được những tác dụng diệu kỳ của nó được trình bày dưới đây.

Lợi ích của mè đen đối với phái đẹp

09/07/2020, 17:47

Bạn sẽ thường xuyên mua mè đen sử dụng sau khi biết được những tác dụng diệu kỳ của nó được trình bày dưới đây.

Dầu mè còn giúp giảm bớt nếp nhăn hiệu quả - Ảnh: Internet

Giữ da đẹp và tóc lâu bạc

Mè đen 500g đem phơi khô, sao chín, tán ra bột, cho vào lọ sạch dùng dần. Khi ăn, cho 1-2 thìa bột mè vào bát, cho thêm đường tùy theo khẩu vị (nếu có đường phèn càng tốt), đổ nước sôi vào khuấy đều thành chè. Chè mè đen thích ăn lúc nào thì làm lúc ấy, ăn liên tục nhiều ngày có tác dụng rất tốt cho da, tóc; người trẻ lâu giữ được vẻ đẹp, lại chữa khỏi ho khan và táo bón.

Chữa viêm mũi mãn tính

Lấy một ít dầu mè đem đun sôi, giữ nhỏ lửa cho sôi nhẹ 15 phút. Khi nguội, đổ dầu vào lọ sạch có nút kín, dùng dần. Ngày nhỏ mũi 3 lần: mới đầu chỉ nhỏ 2-3 giọt, khi đã quen thì tăng lên 4-5 giọt. Sau khi nhỏ thuốc không cử động mạnh 2-3 phút cho dầu lan ra ngấm kỹ vào niêm mạc mũi. Dùng sau 2 tuần sẽ khỏi bệnh.

Chữa táo bón

Mè đen 200g, hà thủ ô đỏ, kỳ tử, long nhãn, tang thầm (quả dâu), bá tử nhân (hạt trắc bá) mỗi vị 100g, mật ong vừa đủ. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 10-20 viên, có thể dùng ở dạng thuốc sắc liều thích hợp.

Làm dịu tình trạng bỏng nắng

Nếu bị bỏng nắng, bạn có thể dùng dầu mè để massage làn da nhằm xoa dịu tình trạng bỏng rát. Ngoài ra, bạn cũng có thể thoa dầu mè để bảo vệ da khỏi những tia nắng mặt trời có hại. Một công dụng khác nữa của dầu mè là giúp giảm bớt nếp nhăn.

Hỗ trợ giảm cân

Nếu thường xuyên thèm ăn, bạn nên nhấm nháp hạt mè. Chất ghrelin có trong loại hạt này có tác dụng giảm mức hormone gây cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, các chất lignan có trong loại hạt này còn giúp tạo điều kiện cho cơ thể đốt cháy chất béo và tăng cường quá trình trao đổi chất.

Cách chế biến hạt mè để thêm vào chế độ ăn

Cách làm muối mè

Bạn có thể rang hạt mè để làm món muối mè cho cả nhà chấm rau hấp, rau luộc, ăn với cơm nóng, cơm nắm hay cơm gạo lứt…

Nguyên liệu:

200g đậu phộng

100g mè trắng hoặc mè đen

100g muối bột trắng

Thực hiện:

Mè và đậu phộng mua về nhặt bỏ vỏ, hạt sâu, lép. Đãi sạch rồi đem phơi lại cho khô.

Bắc chảo lên cho nóng, cho hạt mè vào rang dưới lửa nhỏ cho chín thơm, trút ra thố chờ nguội. Tiếp theo, bạn cho đậu phộng vào chảo, canh lửa nhỏ để đậu không bị cháy, đảo đều tay cho đến khi vỏ đậu bắt đầu bong ra, hạt đậu chín chuyển màu vàng và tỏa mùi thơm là được.

Bạn đổ đậu ra khay chờ nguội rồi xát cho sạch vỏ.

Bạn bắc một cái chảo khác lên bếp, chảo nóng, đổ muối và rang cho nóng giòn.

Đậu nguội cho vào cối giã dập rồi cho mè vào giã sơ cho thơm, rồi cho muối đã rang vào trộn đều là được.

Cách nấu chè mè đen

Không chỉ có hương vị thơm ngon, chè mè đen còn giúp thanh lọc, bài trừ độc tố ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.

Nguyên liệu:

100g mè đen

50g bột sắn dây

150g đường cát

600ml nước lọc

200ml nước dừa tươi

100g dừa nạo

1 nhánh gừng nhỏ

Thực hiện:

Mè đen: ngâm trong nước nhẹ nhàng đãi để loại bỏ vỏ, hạt lép, sạn và tạp chất có trong mè để khi nấu món chè được ngon, không có lẫn sạn, cát. Vớt mè ra để ráo nước rồi phơi lại cho khô.

Gừng: rửa sạch, cạo vỏ, cho vào cối giã nát.

Mè khô, bạn trút vào chảo rang trên lửa nhỏ cho thơm.

Tiếp theo, bạn đổ 200ml nước dừa tươi vào máy xay sinh tố, rồi cho mè đen vào xay cho đến khi bạn có được một hỗn hợp nhuyễn mịn.

Bạn đổ 600ml nước lọc vào một cái nồi rồi cho 50g bột sắn dây vào hòa tan. Bột sắn dây giúp món chè mè đen sánh và ngậy hơn. Bắc nồi lên bếp đun với lửa để không bị trào. Trong khi đun, bạn nên dùng đũa gỗ khuấy thường xuyên để bột không bị vón cục hay cháy cho đến khi thấy nặng tay, bột trong nồi chuyển sang trạng thái trong là được.

Tiếp theo, bạn đổ hỗn hợp mè đen nước dừa cùng gừng tươi giã nát vào. Khuấy đều tay nấu cho đến khi nồi chè sôi lăn tăn, sánh mịn. Bạn cho đường vào, khuấy đều tay cho đường tan hết. Bạn nhớ nếm thử xem độ ngọt đã đạt hay chưa. Đun cho chè sôi đều lại thì tắt bếp.

Với món chè mè đen, bạn có thể ăn nóng hay lạnh tùy thích.

Quỳnh An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lợi ích của mè đen đối với phái đẹp