Nhiều tổ chức, công ty tài chính đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 xuống dưới mức 5% vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Kinh tế sụt giảm nặng nề vì COVID-19
Theo Bộ Công Thương, trong quý 1/2020, chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) của Việt Nam giảm mạnh và sản lượng sản xuất công nghiệp cũng giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6,5 năm qua.
Cụ thể, PMI của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn 4 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017, 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Còn theo IHS Markit, PMI Việt Nam đã giảm từ 49 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Điều này khiến mức PMI trung bình trong quý 1/2020 xuống chỉ còn 47,2 điểm, giảm tới hơn 3 điểm so với quý 4/2019. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện ở Việt Nam.
Nếu so trong khu vực Châu Á, chỉ số PMI trong quý 1 của Việt Nam có mức giảm mạnh nhất so với quý trước, chỉ sau Trung Quốc và Philippines, cho thấy dịch COVID-19 tiếp tục tác động mạnh đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Đáng chú ý, dịch COVID-19 còn ảnh hưởng tiêu cực lên lĩnh vực sản xuất trong tháng 3. Các điều kiện kinh doanh đã suy giảm với mức độ mạnh nhất kể từ tháng 3.2011 khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm ở mức kỷ lục. Tín hiệu này cho thấy chỉ số PMI trong tháng 4 sẽ còn ở mức tệ hơn.
Ngoài ra, mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng giảm về mức đáy mới. IHS Markit cho rằng đại dịch COVID-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp cho thấy tín hiểu kém khả quan khi tăng trưởng của quý 1/2020 chỉ đạt 7,03%, thấp hơn 2% so với năm 2019.
Hàng loạt tổ chức hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020
Theo dự báo Công ty Chứng khoán KB (KBSV), chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 4 sẽ tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất đã bị đình trệ bởi COVID-19. Các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy như Honda, Huyndai đã đóng cửa sản xuất, các đơn hàng dệt may xuất khẩu đã bị tam ngưng…
Điều này khiến KBSV cập nhật lại dự báo ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam, với mức tăng trưởng chỉ đạt 4,5%, thấp hơn gần 2% so với kịch bản cơ sở trước đó.
Nguyên nhân KBSV điều chỉnh giảm mạnh tăng trưởng GDP của năm 2020 do 2 yếu tố chính. Thứ nhất, dịch bệnh phức tạp và kéo dài hơn ước tính ban đầu, Chính phủ cũng đã thực hiện việc cách ly xã hội khiến các hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thứ hai, dịch COVID-19 đang tác động tới nhu cầu tiêu dùng ở các nước đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ và EU, khiến ngành sản xuất, đặc biệt các nhóm ngành là động lực trong tăng trưởng như dệt may, giày dép, điện tử sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
“Kịch bản cơ sở hiện tại của chúng tôi là dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào cuối quý 2/2020, với tăng trưởng GDP cho cả năm 2020 ước tính đạt 4,5% Tuy nhiên, trong kịch bản tích cực, điều kiện giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh (khoảng 700 nghìn tỉ đồng được giải ngân), ước tính tăng trưởng GDP sẽ được tăng thêm khoảng 0,4 điểm%”, KBSV dự báo.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm tốc đáng kể còn 4,8% do tác động của dịch COVID-19 và sự suy giảm thương mại toàn cầu. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế sẽ là 6,8% trong năm 2021, ngang với mức dự báo của ADB trước khi COVID-19 xuất hiện. Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ước tính do dịch COVID-19 nên tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có thể giảm 1,6% so với dự báo 6,5% trước đây xuống còn 4,9%. Theo WB, trong ngắn hạn, dịch COVID-19 có thể tạo ra tác động bất lợi tăng thêm cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong các ngành du lịch, chế tạo và chế biến hiện phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, trong trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam được WB dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% trong năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục
Phan Diệu