Tuyển sinh lớp 10 ở các trường công lập trên cả nước có lẽ chưa có lúc nào nóng như năm 2018 vì tỷ lệ học sinh tăng đột biến bởi quan niệm năm đẹp khiến nhiều phụ huynh và học sinh đều căng thẳng.
Tại Hà Nội, với cái nóng hơn 40 độ, phụ huynh và học sinh đều mướt mồ hôi trong cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10, đặc biệt là tại các trường ngoài công lập đồng thời cũng là trường "điểm" của thành phố Hà Nội.
Nhiều ngày qua, tại trường THPT Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng Hà Nội đã có mức điểm chuẩn thay đổi theo từng giờ khiến nhiều phụ huynh cũng như học sinh chóng mặt. Thông báo nhận hồ sơ từ tối ngày 29.6, mức điểm chuẩn được trường ấn định là 46 điểm.
Tuy nhiên, đến chiều ngày 30.6, điểm chuẩn đã được nâng lên là 49 điểm, số hồ sơ cũng được hạn chế còn 30 hồ sơ. Ngày 1.7, điểm chuẩn của trường đã lên 50,5 điểm và chỉ còn chỗ cho 10 hồ sơ nữa, gây tâm lý bức xúc, mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh. Có lẽ chưa bao giờ việc tuyển sinh vào lớp 10 lại gian nan như năm nay, khiến cho Sở GD-ĐT ngay lập tức phải gửi công văn yêu cầu trường Tạ Quang Bửu trả lại tiền "đặt cọc giữ chỗ" cho thí sinh và giữ nguyên mức điểm chuẩn.
Và ngay như tại trường THPT Lương Thế Vinh thì hiệu trưởng trường này đã khẳng định nhà trường chỉ trả lại các chi phí như tiền sách vở, đồng phục, còn tiền đặt cọc giữ chỗ nhà trường vẫn phải giữ lại vì ngay từ đầunhà trường đã quy định như vậy và số tiền này để sung Quỹ khuyến học cũng như trả chi phí cho cán bộ làm công tác tuyển sinh cả trong ngày nghỉ.
Các học sinh và phụ huynh đều lo lắng trước áp lực tuyển sinh của kỳ thi vào lớp 10 năm 2018
Theo thông tin từ phụ huynh, một số trường ngoài công lập khác cũng đang xảy ra việc yêu cầu cha mẹ học sinh phải nộp hồ sơ gốc nhập học cùng một khoản tiền, gồm cả học phí và nhiều khoản khác lên đến 5 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu phụ huynh muốn rút hồ sơ, sẽ không được trả lại số tiền này. Việc các trường hạ điểm chuẩn đột ngột, tận 4 - 5 điểm so với năm ngoái khiến nhiều em được 50, 52 điểm cứ nghĩ là trượt, mất 5 - 6 triệu nộp "đặt chỗ" vào trường ngoài công lập thì nay lại đỗ và tất nhiên là khoản tiền đó sẽ không được rút lại gây sự mệt mỏi, chán nản cho phụ huynh.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT trong cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10 của gần 100.000 thí sinh, đã có gần 32.000 em trượt công lập. Các em và phụ huynh phải cân não giải bài toán chọn trường công hay trường tư, dân lập hay dạy nghề.
Chứng kiến những “chiêu trò” tuyển sinh của một số trường ngoài công lập năm nay,GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng không thể có chuyện trường ngoài công lập được tự chủ về tài chính, về tuyển sinh là muốn làm gì thì làm, mỗi nơi đặt ra một luật riêng, một sân chơi riêng làm khó phụ huynh như thế.
“Không thể để những biểu hiện phi giáo dục tồn tại trong môi trường giáo dục được. Đồng ý việc đóng các khoản phí ghi danh, hay giữ chỗ, tăng điểm chuẩn chóng mặt ở các trường ngoài công lập là quyền của nhà trường, hay thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhưng đã là môi trường giáo dục thì cần thực hiện một cách nhân văn. Tâm lý phụ huynh đã lo lắng, đã khổ, không nên lợi dụng nỗi lo của họ để kinh doanh”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định việc các trường ngoài công lập có những quy định tréo ngoe và thay đổi điểm chuẩn liên tục để lựa chọn học sinh có số điểm tốt nhất là điều tất yếu khi nguồn cung không đủ cầu.
Để khắc phục tình trạng này, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng ngành giáo dục nên đặt ra mục tiêu các thí sinh đều được đi học cả thì mỗi bên đều phải cố gắng hơn một chút. "Và tôi cũng khuyên các em và phụ huynh đừng có đổ xô vào một trường nào đó sẽ khiến cho áp lực tại nhà trường cũng tăng lên, không thuận lợi cho thí sinh. Và chính phụ huynh là một phần khiến các trường ngoài công lập đưa ra các yêu sách, tăng điểm chuẩn vào lớp 10 khi đổ xô đưa con em mình đăng ký vào các trường đó. Các trường ngoài công lập hầu như Sở GD-ĐT không thể can thiệp vào việc tuyển sinh của họ nên việc thu những khoản thu không có trong quy định của Sở mà có trong quy định của nhà trường thì chính phụ huynh phải chịu những khoản đó. Đó là điều tất nhiên khi nguồn cung không đủ cầu".
Trả lời báo chí về việc các trường ngoài công lập đang loạn về vấn đề tuyển sinh vào lớp 10, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết các trường ngoài công lập được phép tự chủ trong tuyển sinh. Nhà trường thay đổi điểm chuẩn là tùy quyết định của ban giám hiệu sau khi căn cứ lượng hồ sơ nộp về. Bên cạnh đấy, ông cũng khuyên phụ huynh nên cân nhắc trong việc nộp hồ sơ cho con em, không nên đua nhau, gây quá tải.
Ngày 4.7, theo thông tin từ Sở GD-ĐT, những trường THPT công lập ở Hà Nội nếu không tuyển đủ chỉ tiêu sẽ hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung. Rất có thể, sau những ngày cày cục nộp được hồ sơ cho con, phụ huynh sẽ tiếp tục hành trình rút - nộp hồ sơ đầy căng thẳng để lo cho con có một chỗ học tốt nhất.
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố hạ điểm chuẩn vào lớp 10 của 3 trường chuyên thuộc Sở. Cụ thể, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hạ điểm trúng tuyển vào hai lớp Ngữ văn và Tiếng Anh. Chuẩn mới là 34,5 và 41,5, thấp hơn mức công bố ngày 28.6 lần lượt là 0,5 và 0,25 điểm. Trường THPT Nguyễn Huệ có 7 lớp hạ chuẩn bao gồm Ngữ văn, Tiếng Anh, Nga, Pháp, Toán, Lý và Sinh. Chuẩn mới thấp hơn mức đưa ra ban đầu từ 0,75 đến 2 điểm. Trường THPT Chu Văn An cũng xét tuyển bổ sung 4 lớp với điểm thấp hơn. Trong đó, lớp tiếng Anh hạ sâu nhất, từ 39,25 xuống 38. Lớp Ngữ văn chỉ hạ 0,5 điểm so với công bố ban đầu. Như vậy, điểm chuẩn nhiều lớp 10 của các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ và Chu Văn An đã giảm từ 0,25 đến 2 điểm. |