Đài CNN giới thiệu “mực cử tri” ngăn nguy cơ gian lận được dùng mỗi khi Ấn Độ tổ chức bầu cử.
Quốc tế

Loại mực gắn liền với bầu cử Ấn Độ suốt 7 thập kỷ

Cẩm Bình 05/05/2024 10:45

Đài CNN giới thiệu “mực cử tri” ngăn nguy cơ gian lận được dùng mỗi khi Ấn Độ tổ chức bầu cử.

Từ cuối tháng 4, tổng tuyển cử chính thức diễn ra tại Ấn Độ. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất thế giới và cũng là lớn nhất trong lịch sử nhân loại với 969 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu.

Để ngăn chặn nguy cơ gian lận, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ dùng đến một loại mực không thể xóa hay còn gọi là “mực cử tri”. Cử tri sau khi xác minh chứng minh thư thì sẽ được phết mực lên đầu ngón trỏ trái. Dấu vết cần đến hai tuần mới rửa sạch. Phương pháp này thô sơ nhưng hiệu quả đến mức được áp dụng suốt 7 thập kỷ.

loai.jpg
Mực được phết lên tay cử tri - Ảnh: CNN

Công ty quốc doanh Mysore Varnish and Paints Limited (MVPL) là đơn vị độc quyền sản xuất và cung cấp mực. Giám đốc điều hành K.Mohammed Irfan nói với CNN: “Từ thủ tướng đến dân thường, ai cũng giơ ra ngón tay có vết mực của mình. Nó đã trở thành dấu ấn của nền dân chủ”.

Với 969 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu ở kỳ tổng tuyển cử năm nay, đội ngũ công nhân của nhà máy MVPL trên địa bàn thành phố Mysuru phải dành nhiều tháng chuẩn bị gần 2,7 triệu lọ mực - đơn đặt hàng lớn nhất từ trước đến nay.

Các lọ được đổ đầy rồi đóng gói cẩn thận để phân phối đi toàn quốc. Mỗi lọ đủ dùng cho khoảng 700 cử tri. Giám đốc Irfan cho biết “chìa khóa” cho độ bền của mực là công thức bí mật, không thay đổi từ năm 1951 đến nay. Công ty không thể tiết lộ thành phần nhưng ông tiết lộ mực chứa bạc nitrat tạo nên vết màu tím khi tiếp xúc với da và ánh sáng mặt trời.

loa01.jpg
Công nhân MVPL đổ mực vào ống - Ảnh: CNN

Ý tưởng dùng mực đánh dấu xuất hiện ngay từ lúc Ấn Độ mới giành độc lập và tổ chức tổng tuyển cử lần đầu tiên. Theo giáo sư lịch sử Ornit Shani (Đại học Haifa): “Ở một đất nước chưa có hệ thống đăng ký khai sinh lẫn giấy tờ tùy thân, lại có hàng triệu người di cư, làm thế nào để ngăn tình trạng mạo danh và bỏ phiếu hai lần là nỗi lo lớn”.

Ban đầu một số quan chức cho rằng phương pháp đánh dấu bằng mực khiến quá trình bỏ phiếu trở nên phức tạp, làm mất quá nhiều thời gian. Nhưng cuối cùng ý kiến quần chúng đã thắng.

Bà Sharni nói: “Hình ảnh tất cả cử tri không phân biệt đẳng cấp, giai cấp, tôn giáo đều đứng thành một hàng chờ phết mực lên ngón tay trước khi bỏ phiếu góp phần củng cố và cụ thể hóa giá trị bình đẳng. Đàn ông hay phụ nữ đều một phiếu”.

Ban đầu MVPL (thành lập năm 1937) là đơn vị cung cấp sơn. Khi không sản xuất “mực cử tri” thì công ty vẫn cung cấp sơn cho lĩnh vực giao thông cùng nhiều sản phẩm khác. Hiện tại họ cung cấp “mực cử tri” cho hơn 35 quốc gia, trong đó cho Ghana kể từ những năm 1970. Tuy nhiên mới đây ủy ban bầu cử Ghana thông báo chuyển sang phương pháp xác minh sinh trắc học nên không mua mực nữa.

Phương pháp đánh dấu bằng mực nhiều khả năng sẽ không sớm biến mất tại Ấn Độ. Phó giáo sư nhân chủng học Mukulika Banerjee (Trường Kinh tế Luân Đôn) cho biết người dân nước này có tập quán trang trí bàn tay bằng hình vẽ henna hoặc trang trí bàn chân bằng màu sắc.

Hơn nữa áp lực ngang hàng cũng góp phần duy trì việc sử dụng “mực cử tri”. Một người không có vết mực trên ngón tay sẽ bị người xung hỏi, áp lực còn đến từ nhiều người nổi tiếng đăng hình ảnh ngón tay dính mực của họ sau khi đã bỏ phiếu.

Bài liên quan
Foxconn bỏ tiêu chí hôn nhân, giới tính trong tuyển dụng công nhân ở Ấn Độ
Theo Reuters, Foxconn - nhà cung cấp hàng đầu của Apple - đã bỏ tiêu chí về độ tuổi, giới tính, hôn nhân, thậm chí cả tên của tập đoàn Đài Loan này ra khỏi tin tuyển dụng công nhân lắp ráp iPhone tại Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loại mực gắn liền với bầu cử Ấn Độ suốt 7 thập kỷ