Phong lan thường được cho là một loài đẹp, tinh tế nhưng một loài lan có trong danh sách thực vật mới 2020 có thể khiến bạn thay đổi suy nghĩ.
Các nhà khoa học của Vườn Thực vật Hoàng gia Anh ở Kew chọn ra 156 loài thực vật mới được phát hiện trong năm 2020 ở các khu vực châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Một trong số đó có loài "hoa lan xấu nhất thế giới" có tên là Gastrodia agnicellus (G.agnicellus) được phát hiện hồi đầu năm nay tại một vạt rừng ở Madagascar.
G.agnicellus được phát hiện bởi nhà nghiên cứu nấm học Andy Overall.
Loài phong lan nằm dưới tán lá sẫm màu của khu rừng ở Madagascar và theo các nhà khoa học, nó trải qua phần lớn thời gian trong lòng đất, không có lá và chỉ nhô lên mặt đất để mọc trái, phát tán hạt.
Giống như phần lớn những cây phong lan, G.agnicellus là cây lưu niên, có nghĩa nó có thể tồn tại nhiều năm và có quan hệ cộng sinh với một loài nấm. Trong khi nhiều loài khác chỉ phụ thuộc vào cây nấm cộng sinh để lấy thức ăn ở đầu vòng đời, G.agnicellus không có bất kỳ tế bào nào để quang hợp nên phải dựa vào nấm trong suốt vòng đời của nó.
Những bông hoa chỉ 11mm của loài phong lan G.agnicellus được các nhà khoa học mô tả là nhỏ, màu nâu và xấu xí. Chính vì “ngoại hình” như vậy cộng thêm mùi rất khó ngửi, G.agnicellus được xem là "loài lan xấu xí nhất thế giới".
Các nhà nghiên cứu cho rằng phạm vi sinh sống của nó đang ngày càng thu hẹp do hoạt động nông nghiệp và cháy rừng gia tăng trong khu vực. Do đó, G.agnicellus được phân loại là loài nguy cấp.
Danh sách 156 loài thực vật và nấm mới được phát hiện trong năm 2020 khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc vì sự đa dạng của tự nhiên. Các loài thực vật mới này cũng thể phát triển thành thực phẩm,nguyên liệu làm dược phẩm hay những loài hoa ưa thích, hoặc cung cấp thu nhập cho cộng đồng.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng một số loài trong danh sách đã được coi là đang bị đe dọa tuyệt chủng do các vấn đề trong môi trường sống tự nhiên của chúng.
Khoảng 40% các loài thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, RBG Kew cho biết vào đầu năm nay. Sự biến mất của các loài được thúc đẩy bởi việc phá rừng tăng vọt, khí thải toàn cầu và biến đổi khí hậu, các mối đe dọa do mầm bệnh mới, các loài phi bản địa và buôn bán cây, gỗ trái phép.
Năm ngoái, một báo cáo của IPBES nói rằng tốc độ tuyệt chủng của các loài trên toàn cầu "đã cao hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình trong 10 triệu năm qua và 1 triệu trong số 8 triệu loài trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi con người. Báo cáo được viết bởi 145 chuyên gia từ 50 quốc gia cũng nói rằng cần phải có "sự thay đổi mang tính biến đổi" để cứu hành tinh này.