Việc Mỹ rút quân tăng thêm tính cấp thiết với các đề nghị hỗ trợ kinh tế cho Afghanistan.

Lo ngại vì Mỹ rút quân, Trung Quốc và Nga viện trợ cho Afghanistan nhưng vẫn duy trì quan hệ với Taliban

Nhân Hoàng | 17/07/2021, 12:11

Việc Mỹ rút quân tăng thêm tính cấp thiết với các đề nghị hỗ trợ kinh tế cho Afghanistan.

Trung Quốc và Nga đã đề xuất hỗ trợ kinh tế cho nước láng giềng Afghanistan trong bối cảnh Mỹ rút quân và Taliban tấn công không ngừng nghỉ, có nguy cơ gây bất ổn qua biên giới của họ.

"Trung Quốc sẽ hỗ trợ phát triển đường sá và đường ống ở Afghanistan", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị cho biết tại Hội nghị quốc tế Trung và Nam Á: Kết nối khu vực. Thách thức và cơ hội ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan trong tuần này.

Sự kiện kéo dài hai ngày đến 16.7, cũng thu hút Bộ trưởng Ngoại giao Nga - Sergey Lavrov và các quan chức cấp cao khác từ khắp khu vực, tập trung vào cách thúc đẩy hòa bình và phục hồi kinh tế ở Afghanistan. Đầu tư là chủ đề chính của các cuộc thảo luận.

Tổng thống Afghanistan - Ashraf Ghani, người đã ở Washington vào tháng trước để cố gắng thuyết phục Mỹ tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh nước này chống lại quên nổi dậy Taliban, hoan nghênh các khoản đầu tư vào Afghanistan.

Afghanistan hy vọng sẽ trở thành một trung tâm khu vực để thúc đẩy các tiến bộ kinh tế chung, ông Ashraf Ghani nói.

Với việc các lực lượng Mỹ sẽ hoàn toàn rời khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8.2021, Trung Quốc và Nga lo ngại tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng.

Ông Sergey Lavrov nói: “Cuộc khủng hoảng Afghanistan đang làm trầm trọng thêm mối đe dọa khủng bố và buôn bán ma túy bất hợp pháp, vốn đã tăng lên mức cao chưa từng có. Rõ ràng là tình hình hiện tại đầy rẫy nguy cơ bất ổn lan sang các quốc gia láng giềng".

Hội nghị tại Uzbekistan sau cuộc họp vào hôm 14.7 của các ngoại trưởng từ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, bao gồm Trung Quốc, Nga và các quốc gia Trung Á, tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan.

"Chúng tôi lên án bạo lực và các cuộc tấn công khủng bố đang diễn ra ở Afghanistan", các ngoại trưởng (bao gồm cả Mohammad Haneef Atmar của Afghanistan) cho biết trong tuyên bố chung, đồng thời nói thêm rằng "không có giải pháp thay thế để giải quyết xung đột ở Afghanistan thông qua đối thoại chính trị và tiến trình hòa bình toàn diện do Afghanistan lãnh đạo, làm chủ".

trung-quoc-va-nga-vien-tro-afghanistan.jpg
Ngoại trưởng Nga - Sergey Lavrov, trái và Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị tham dự hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan vào ngày 16.7

Trung Quốc và Nga duy trì mối liên hệ với Taliban, lực lượng đã nắm quyền kiểm soát hơn một nửa Afghanistan trong cuộc tấn công liên tục chống lại lực lượng chính phủ. Trung Quốc và Nga có khả năng sẽ không phản đối nỗ lực của Taliban nhằm giành lại quyền kiểm soát với chính phủ Afghanistan, dù hợp tác với chính quyền hiện tại hoặc một số lực lượng khác trong khu vực.

Một phái đoàn của Taliban đã đến thăm thủ đô Moscow (Nga) vào ngày 8.7 để đảm bảo với các quan chức Nga rằng lợi ích của họ không phải là một mối đe dọa. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị hồi tháng 6 hoan nghênh Taliban trở lại chính trường.

Các quốc gia đặc biệt lo ngại về dòng người tị nạn tiềm tàng và các thành phần cực đoan. Hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan đã chạy sang Tajikistan và các nơi khác vào ngày 4 – 5.7 giữa các cuộc đụng độ với Taliban. Một vụ nổ hôm 14.7 trên chiếc xe buýt ở Pakistan đã giết chết ít nhất 13 người, trong đó có một số công nhân Trung Quốc.

Ngoài Taliban, Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida cũng hoạt động ở Afghanistan, càng làm xáo trộn tương lai của đất nước sau khi Mỹ rút quân. Đặc biệt, Trung Quốc lo ngại rằng Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, được cho là tổ chức khủng bố, có thể bắt tay với Taliban ở Afghanistan và xâm nhập vào khu vực Tân Cương. Tân Cương là nơi sinh sống của phần lớn cộng đồng thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Hơn 20 năm đã trôi qua và 2.000 lính Mỹ đã thiệt mạng kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan vào năm 2001, sau vụ khủng bố 11.9.2001.

"Các quốc gia trong khu vực có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ một dàn xếp hòa bình", Tổng thống Joe Biden nói, thúc giục hợp tác khu vực trong và sau khi Mỹ rút quân.

Thế nhưng, Trung Quốc và Nga đã chỉ trích Mỹ vì rút các lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan.

Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế thuộc cơ quan lập pháp của Nga, cho biết các kế hoạch của Mỹ "làm phức tạp nghiêm trọng tình hình vốn đã phức tạp".

Ông Vương Nghị nói Mỹ đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm của mình.

Bài liên quan
Kế hoạch hậu rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ bị Nga cản trở
Nga, với ảnh hưởng kinh tế lẫn quân sự đáng kể tại Trung Á có thể cản trở nỗ lực tìm kiếm nơi đồn trú mới bên ngoài Afghanistan mà Nhà Trắng đang thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại vì Mỹ rút quân, Trung Quốc và Nga viện trợ cho Afghanistan nhưng vẫn duy trì quan hệ với Taliban