"Có lẽ các nhà lập pháp nên bỏ quy định “nhằm thỏa mãn tình dục” và chỉ cần xác định hành vi cố ý, chủ động thực hiện các hành vi dâm ô là đủ căn cứ khởi tố hình sự”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối nói.

Lỗ hổng pháp luật trong quy định hành vi dâm ô

Bùi Trí Lâm | 23/03/2019, 11:22

"Có lẽ các nhà lập pháp nên bỏ quy định “nhằm thỏa mãn tình dục” và chỉ cần xác định hành vi cố ý, chủ động thực hiện các hành vi dâm ô là đủ căn cứ khởi tố hình sự”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối nói.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiểu lực vào ngày 1.1.2018), sau rất nhiều lần chỉnh sửa vẫn chưa có giải pháp khắc phục quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô trong tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi”.

“Chúng ta đang đợi văn bản mới, có hiệu lực pháp luật, hướng dẫn chi tiết thế nào là hành vi dâm ô để có căn cứ áp dụng thống nhất, xử lý các hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hùng nói.

Trong khi đợi văn bản hướng dẫn mới về hành vi dâm ô, thì hiện tại vẫn đang phải sử dụng các hướng dẫn ở văn bản cũ (đã hết hiệu lực). Cụ thể theo hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2.1.1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật hình sự có nêu:

“Hành vi dâm ô đối với trẻ em quy định tại điều 202b là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp … vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em”.

Tại bản tổng kết hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và hành vi giao cấu khác về mặt tình dục (số 329 – HS2 ngày 11.5.1967 của TAND tối cao), tội dâm ô được hướng dẫn như sau:

“Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tùy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó, hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào trong những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…).

Theo luật sư Hùng, các quy định trên bất cập khi liệt kê hành vi là như sờ, bóp… Vậy ở đây cụ thể là gồm những hành vi gì khác? Trong khi tội phạm hiện đại có thể như nhìn trộm nạn nhân, quay video, chụp ảnh, bắt nạn nhân diễn cảnh nóng… lại không được đề cập.

“Chẳng lẽ chúng ta chỉ đi xử lý hành vi trực tiếp, có tính chất đụng chạm cơ thể mà không đi xử lý những hành vi gián tiếp, phòng ngừa, bảo vệ nạn nhân từ xa”, ông Hùng nói.

Bất cập thứ 2 là dựa vào yếu tố “nhằm thỏa mãn tình dục”. Theo luật sư này, ở đây hoàn toàn đánh giá dựa trên cảm nhận chủ quan của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, chưa có tiêu chí, quy định thế nào là nhằm thỏa mãn tình dục.

“Trong trường hợp nếu đối tượng khai báo không nhằm thỏa mãn tình dục, liệu cơ quan chấp pháp, thực thi pháp luật có chứng minh được họ nhằm thỏa mãn tình dục hay không? Đây cũng sẽ là kẽ hở để nhiều đối tượng lách như vụ việc cưỡng hôn xảy ra ở thang máy, hoặc vụ việc thầy giáo ở Bắc Giang sờ mông, đùi học sinh”, ông Hùng nói.

Do đó, luật sư Hùngcho rằng nếu quy định rõ ràng chỉ cần hành vi cố ý, chủ động thực hiện các hành vi được liệt kê là hành vi dâm ô là đủ yếu tố thỏa mãn hành vi dâm ô có lẽ 2 đối tượng trên đã bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội dâm ô.

“Như vậy, có lẽ các nhà lập pháp nên bỏ quy định “nhằm thỏa mãn tình dục” và chỉ cần xác định hành vi cố ý, chủ động thực hiện các hành vi dâm ô là đủ căn cứ khởi tố hình sự”, ông Hùng nói.

Cũng theo luật sư này, cần quy định rõ bộ phận nào là bộ phận kích thích tình dục, chứ không thể tùy nghi hiểu, áp dụng được.

Trong xã hội hiện đại, khi yếu tố nhân quyền, con người được tôn trọng nhiều hơn thì việc đụng chạm cơ thể trực tiếp, hay gián tiếp đều gây ra sự bức xúc, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân. Trong khi đó, nhiều đối tượng lợi dụng việc đụng chạm cơ thể phụ nữ cũng đủ thỏa mãn như việc sờ mó chân tay, người, tóc... nạn nhân.

“Hy vọng các nhà lập pháp có quy định cụ thể, chi tiết, dễ hiệu, có tính áp dụng thực tiễn các hành vi dâm ô để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự. Quy định cần mở rộng hơn phạm vi xử lý, bảo vệ nạn nhân từ xa, phòng ngừa, chống lại mọi hành vi có tính chất dâm ô”, ông Hùng chia sẻ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lỗ hổng pháp luật trong quy định hành vi dâm ô