“Luật pháp tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng đức tin cần lành mạnh, không được lợi dụng đức tin của tín đồ để tuyên truyền hành vi dị đoan, trục lợi vật chất từ sự sợ hãi của người dân, khiến đời sống tâm linh không còn là cõi linh thiêng như vốn có”, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân nêu rõ.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần làm rõ có hay không hành vi mê tín, lừa đảo tại chùa Ba Vàng

Bùi Trí Lâm | 23/03/2019, 10:25

“Luật pháp tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng đức tin cần lành mạnh, không được lợi dụng đức tin của tín đồ để tuyên truyền hành vi dị đoan, trục lợi vật chất từ sự sợ hãi của người dân, khiến đời sống tâm linh không còn là cõi linh thiêng như vốn có”, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân nêu rõ.

Lạm dụng đức tin của người dân để trục lợi

Liên quan đến hoạt động “thỉnh vong”, cúng "oan gia trái chủ” tạichùa Ba Vàng, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân cho biết thời gian vừa qua, hoạt động tâm linh có “rất nhiều vấn đề”. Theo ông Vân, điều này có liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo và các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, từ trung ương đến địa phương.

“Có nhiều hành vi không tuân theo giáo lý của tôn giáo, không phù hợp với đời sống của người dân Việt Nam nhưng vẫn diễn ra rầm rộ. Ví dụ trong chùa thì đốt vàng mã nghi ngút, hoặc triệu vong, gọi hồn… Chưa kể nhiều trường hợp đã lạm dụng đức tin của con người để trục lợi. Đặc biệt có hiện tượng “kinh doanh chùa chiền” rất đáng báo động”, ông Vân nói.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Phật giáo là một tôn giáo mang tính duy lý, vô thần và có chức năng giáo dục rất cao. Hệ thống giáo lý của Phật giáo không hướng đến sự sùng bái thần linh mà hướng đến nhận thức chân lý, hay còn gọi là giác ngộ; sự nhận thức đúng đắn về bản ngã và thế giới xung quanh để giúp con người được giải thoát.

Hệ thống giáo lý của Phật giáo bao gồm Tứ diệu đế (khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế) và Bát chính đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tấn, chính niệm, chính định).

“Giáo pháp của Phật giáo là Tam tạng kinh, gồm kinh tạng, luật tạng và luận tạng. Thuyết nhân - quả của đạo Phật rất biện chứng và là cơ sở biện luận của “lục đạo luân hồi”, nhằm giáo dục con người biết tu luyện chân thực mà thành chính quả, tránh được ác nghiệp”, ông Vân nói.

Ông Vân cho rằng, cũng như Nho giáo và triết học phương Tây hiện đại, Phật giáo là một hệ thống triết học mang tính khai sáng, nhằm hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Bởi vậy, trong Phật giáo, nhất định không thể có hành vi mê tín dị đoan.

Tuy vậy, theo ông Vân, vì lợi ích vật chất, ở không ít chùa chiền hiện nay đã dung túng cho hành vi mê tín dị đoan, làm u mê đức tin của rất nhiều người, nổi lên gần đây là hiện tượng “thỉnh vong” ở chùa Ba Vàng thời gian qua.

“Luật pháp tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng đức tin cần lành mạnh, không được lợi dụng đức tin của tín đồ để tuyên truyền hành vi dị đoan, trục lợi vật chất từ sự sợ hãi của người dân, khiến đời sống tâm linh không còn là cõi linh thiêng như vốn có”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ.

Có dấu hiệu lừa đảo?

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trước thực trạng rất đáng báo động về đức tin mê muội của các tín đồ và việc thực hành nghi lễ dị đoan ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần vào cuộc để bảo vệ tính chính danh của đạo Phật. Các cơ quan hữu trách của Quảng Ninh và ở cả trung ương phải vào cuộc để điều tra, làm rõ vụ việc này.

“Có hay không các yếu tố cấu thành “tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 174 và “tội hành nghề mê tín dị đoan” quy định tại điều 320 của Bộ luật Hình sự 2015?”, ông Vân nêu và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ 4 nhóm hành vi tại chùa Ba Vàng.

Thứ nhất, có hay không tình trạng xâm phạm tài sản công. Chùa Ba Vàng xây dựng ở khu vực rừng quốc gia, ban đầu có quy mô, diện tích rất nhỏ nhưng sau này đã mở rộng diện tích gấp nhiều lần. Cần làm rõ việc mở rộng này có đúng luật pháp hay không? Ai phải chịu trách nhiệm?

Hành vi thứ 2 là có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không khi dọa dẫm, gieo nỗi sợ hãi cho người dân để trục lợi. Cần điều tra những người bị vong áp có thật hay là được mớm lời.

“Những người đến chùa cầu xin sự độ trì của Phật, hy vọng được hóa giải những tai ách họ đang mắc phải trong đời sống thì những người ở chùa Ba Vàng lại lợi dụng đức tin đó lừa bịp họ, thông qua việc phán về tiền kiếp của họ để họ sợ hãi, phải đóng tiền giải hạn. Hành vi đó có cấu thành tội lừa đảo hay không?”, ông Vân nói.

Hành vi thứ 3 là truyền bá mê tín dị đoan, làm méo mó, bịa đặt giáo lý nhà Phật, lấy cái không có thật để phục vụ cho mưu đồ xấu.

Hành vi thứ 4 là xúc phạm anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc khi bà Phạm Thị Yến thuyết giảng cho rằng việc hy sinh là do quả báo từ kiếp trước. Việc này có vi phạm pháp luật hay không?

“Hiện nay đang rất báo động về đời sống tâm linh của người Việt. Cơ quan chức năng cần làm rõ các hành vi này. Chính quyền địa phương, ngành văn hóa, ngành công an cần phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm minh vụ việc ở chùa Ba Vàng để răn đe những nơi khác”, ông Lê Thanh Vân nói.

Thỉnh vong, gọi hồn là vi phạm pháp luật

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, “các hiện tượng “trục vong”, “gọi hồn” không có trong truyền thống Phật giáo, nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/2017/NĐ - CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những văn bản liên quan, cần được xử lý theo quy định của pháp luật.

Trả lời phóng viên, Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho biết việc phật tử Phạm Thị Yến khi thuyết giảng lấy ví dụ là cô gái đi ship gà ở Điện Biên bị cưỡng hiếp đến chết là không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội.

Thông tin thêm về vụ việc này, thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có buổi họp cụ thể về vụ việc trong ngày 26.3 sắp tới.

"Việc chùa Ba Vàng truyền bá về vong, oan hồn đã từng được phản ánh tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 2015 nhưng Giáo hội không biết có chuyện chùa này thu tiền giải nghiệp của nhà chùa".

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ họp, xem xét và căn cứ vào báo cáo từ Quảng Ninh để có hình thức xử lý kịp thời và đích đáng. Giáo hội tiếp thu ý kiến, không có chuyện nương nhẹ cho cơ sở thờ tự nào", Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định.

Tại buổi làm việc giữa đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Ninh để xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về chùa Ba Vàng, ông Phạm Tuấn Đạt, Phó chủ tịch UBND TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninhcho biết trụ trì chùa Ba Vàng - đại đức Thích Trúc Thái Minh - đã công nhận việc chùa Ba Vàng có tổ chức cúng oan gia trái chủ và điều này là dựa theo giáo lý của nhà Phật. Còn việc cúng tiền khi lễ cúng oan gia trái chủ không phải là do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường tam bảo và theo yêu cầu của vong.

Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Cao Thái khẳng định: "Nếu đúng có việc truyền bá mê tín dị đoan thu hàng trăm tỉ đồng như báo nêu thì các cơ quan của Quảng Ninh cần xem xét ở góc độ hình sự chứ không phải chỉ dừng ở mức độ hành chính".

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần làm rõ có hay không hành vi mê tín, lừa đảo tại chùa Ba Vàng