Trang Bloomberg dẫn lời văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết từ năm 2022 đến nay nước này mở gần 96.000 vụ án hình sự với binh lính từ bỏ vị trí chiến đấu.
Quốc tế

Lính Ukraine rời bỏ vị trí vì kiệt sức

Cẩm Bình 08/12/2024 11:05

Trang Bloomberg dẫn lời văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết từ năm 2022 đến nay nước này mở gần 96.000 vụ án hình sự với binh lính từ bỏ vị trí chiến đấu.

2024-12-08-110039.png

Ngay khi cuộc chiến nổ ra, Roman Solomonyuk (45 tuổi) gây sốc cho cả gia đình khi tình nguyện ra chiến trường. Nhưng sau hơn 2 năm rưỡi ông lại nằm trong số những người lính từ bỏ vị trí.

Ban đầu ông Solomonyuk phụ trách đào chiến hào gần biên giới giáp Nga, rồi làm nhiệm vụ bắn hạ máy bay không người lái. Nhưng rồi công dân Ukraine này bất hòa với sĩ quan và hiện bị chính thức truy nã vì rời khỏi đơn vị mà chưa được phép.

Theo dữ liệu từ văn phòng tổng công tố Ukraine, từ năm 2022 đến nay nước này mở gần 96.000 vụ án hình sự với binh lính từ bỏ vị trí chiến đấu. Con số tăng gấp 6 lần trong 2 năm qua và hầu hết vụ án được mở trong năm nay.

Quân đội Ukraine đang rất vất vả ngăn chặn đà tiến quân của Nga, bất lợi về nhân lực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên Kyiv lại muốn tránh thực hiện một đợt huy động nữa có thể làm gián đoạn nền kinh tế cũng như gây bất ổn trong nhân dân vốn đã rất mệt mỏi vì xung đột. Kết quả là một số đơn vị phải trực chiến vô thời hạn chứ không có thời gian nghỉ ngơi. Lực lượng thay thế họ rất ít.

Phát biểu trên sóng phát thanh đầu tháng 12, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận nhiều quân nhân kiệt sức nhưng lại từ chối đặt ra thời hạn xuất ngũ. Không ít người lính dày dạn kinh nghiệm tự hỏi tại sao họ phải mạo hiểm tính mạng trong khi hàng triệu nam giới khác trẻ tuổi hơn không phục vụ quân đội. Đối với họ, đào ngũ để hồi phục và thăm gia đình là lối thoát duy nhất.

“Kiệt sức đóng vai trò nhất định. Ngoài ra còn trường hợp vợ sinh con hay không ai khác lãnh đạo trung đội và chỉ huy không cấp phép nghỉ”, quan chức quân sự Oleksandr Hrynchuk cho biết.

Ukraine không công bố số lượng binh lính đào ngũ. Ông Hrynchuk từ chối tiết lộ nhưng nói rằng 40 - 60% trường hợp vắng mặt không phép tự động quay lại. Cũng có trường hợp không quay lại nhưng ít xảy ra hơn.

Luật sư Roman Lykhachov (sống tại Kharkiv) ước tính số lượng khoảng hơn 100.000 – gần sát con số 160.000 quân mà Ukraine muốn huy động thêm. Một số vụ án đào ngũ có đến 20 - 30 bị cáo, vài trường hợp tự ý rời bỏ vị trí chưa bị truy tố.

Theo trang tin Mediazona, cho đến nay Nga đã xử lý ít nhất 10.000 vụ liên quan đến binh lính bỏ trốn – khoảng một nửa xảy ra trong năm nay. Moscow dễ dàng bù đắp nhờ dân số nhiều gấp 4 lần Kyiv.

Một sĩ quan Ukraine tiết lộ kỷ luật của quân đội Ukraine không nghiêm như quân đội Nga nên binh lính ít lo sợ hậu quả nếu rời bỏ vị trí hay chống lại chỉ huy hơn. Ngoài ra hỗ trợ tài chính cao cũng giúp Nga giữ quân tốt hơn.

Đào ngũ là thách thức lớn mà Ukraine chưa thể giải quyết. Tuần trước Tổng thống Zelensky cam kết ân xá những người lính bỏ trốn nếu họ trở về đơn vị trước ngày 1.1 năm sau, Khoảng 3.000 quân nhân đã quay lại đơn vị kể từ khi thay đổi có hiệu lực ngày 29.11.

Vấn đề nội bộ

Nhiều binh lính Ukraine phàn nàn họ không chỉ phải chiến đấu với Nga mà còn với bộ máy quân sự quan liêu của chính đất nước mình.

Vài năm gần đây Kyiv cải tổ mạnh mẽ quân đội bằng cách áp dụng tiêu chuẩn của NATO và cho phép chỉ huy cấp thấp chủ động hơn. Tuy nhiên hầu hết lực lượng vũ trang vẫn còn khá lạc hậu

Solomonyuk tự nguyện ra chiến trường với mong muốn chiến đấu theo cách hiệu quả nhất, nhưng ông nhanh chóng bị cản trở bởi tình trạng thiếu tổ chức lẫn bộ máy quan liêu.

Đội 6 người của ông chỉ có 1 súng máy hạng nặng Browning thời Thế chiến thứ nhất để bắn hạ máy bay không người lái tiên tiến. Họ còn phải huy động khoảng 700.000 hryvnia (17.000 USD) để mua một xe tải cũ đặt khẩu súng lên, kết hợp với ăng ten vệ tinh Starlink và các công cụ khác.

Không những vậy, một sĩ quan cấp cao hơn còn ban hành mệnh lệnh nguy hiểm như yêu cầu tất cả quân nhân phải ở cùng nhau, khiến toàn quân có thể bị giết chỉ trong một đợt tấn công.

Không muốn ở lại dưới quyền chỉ huy cũ và không thể chuyển sang một người mới, Solomonyuk cùng hầu hết đồng đội của anh đều đào ngũ, yêu cầu được chuyển đến đơn vị mà họ lựa chọn.

Ngay cả dưới quyền một chỉ huy giỏi hơn, cũng không có gì đảm bảo đại đội của Solomonyuk sẽ tiếp tục bắn hạ máy bay không người lái. Ngày càng nhiều chỉ huy Ukraine cử lực lượng đặc nhiệm như lính phòng không ra tiền tuyến với tư cách bộ binh tại địa điểm cần tăng viện.

Theo ông Solomonyuk, chỉ bằng cách giải quyết tình trạng quan liêu cố hữu, quân đội Ukraine mới có thể thu hút được binh lính trung thành.

Bài liên quan
Đặc phái viên của ông Trump sắp thăm Ukraine vào tháng 1
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ cựu tướng quân đội Keith Kellogg - người được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm đặc phái viên phụ trách sự vụ Ukraine và Nga - lên kế hoạch sang Kyiv cùng một số thủ đô châu Âu khác nhằm tìm cách giải quyết cuộc chiến đang diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thanh niên là nhân tố chủ chốt trong việc định hình, phát triển tương lai đất nước
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 18.12, phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2024-2029 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lính Ukraine rời bỏ vị trí vì kiệt sức