Được thiết kế rất đơn giản bằng những chất liệu chưa được kiểm định an toàn kỹ thuật nên nếu người dùng đi xe đạp điện không rõ nguồn gốc, vận hành với vận tốc cao chẳng khác nào mang tính mạng ra… đánh bạc với tử thần.

“Liều mình” với xe đạp điện trôi nổi

Một Thế Giới | 07/11/2013, 16:05

Được thiết kế rất đơn giản bằng những chất liệu chưa được kiểm định an toàn kỹ thuật nên nếu người dùng đi xe đạp điện không rõ nguồn gốc, vận hành với vận tốc cao chẳng khác nào mang tính mạng ra… đánh bạc với tử thần.

           

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xe đạp điện mọc lên như nấm. Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng uy tín bán sản phẩm chất lượng, có nhiều cửa hàng nhập lậu xe nguyên chiếc hoặc phụ tùng, linh kiện không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

“Có phải xe máy đâu mà cần giấy tờ!”

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua xe đạp điện, phóng viên Motthegioi.vn tìm đến cửa hàng N.T trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa – Hà Nội).

Tại đây, phóng viên được nhân viên của cửa hàng giới thiệu rất nhiều loại xe với mẫu mã và chủng loại khác nhau. Theo đó, các dòng xe đạp điện của Honda và Yamaha có giá dao động từ 10 – 14 triệu đồng.

“Nếu muốn mua xe rẻ hơn cửa hàng em cũng có, chỉ tầm 7 đến 9 triệu đồng, mẫu mã cũng đẹp không kém gì xe chính hãng” – một nhân viên cửa hàng giới thiệu.

Khi được hỏi về xuất xứ, giấy tờ và chất lượng xe, nhân viên này cho biết đây là hàng Trung Quốc nhưng đảm bảo chất lượng tốt không khác gì hàng chính hãng, bảo hành 1 năm nhưng… không có tem nhãn và giấy tờ.

Đến một cửa hàng kinh doanh xe đạp điện khác tên P.T nằm trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy – Hà Nội), chủ cửa hàng “đon đả”: ”Ở đây em có hầu hết các mẫu mã xe trên thị trường. Giá cả thì tùy thuộc vào nhu cầu của chị. Loại thấp nhất là 5 triệu đồng, hàng lắp ráp trong nước, đi lại không vấn đề gì!”.

Phóng viên hỏi về giấy tờ xe, chủ cửa hàng vội gạt đi và giải thích: “Đi xe này có bị công an bắt bao giờ đâu mà cần giấy tờ hả chị. Em viết cái phiếu bảo hành để có hỏng hóc gì mang qua là được rồi. Có phải xe máy đâu mà cần giấy tờ xe!”.

Tương tự, tại một số cửa hàng bán xe đạp điện khác trên phố Huế, Nguyễn Lương Bằng, Bạch Mai… đều có hai loại xe cho khách hàng lựa chọn: xe chính hãng chiếm số lượng ít và xe có nguồn gốc Trung Quốc, hầu hết không có giấy tờ, nhãn mác thì chiếm số lượng nhiều.

Cần nhanh có văn bản pháp luật phù hợp

“Hiện nay, xe đạp điện nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Cục quản lý thị trường đã tịch thu được gần 300 xe đạp điện các loại, chủ yếu là không có hoá đơn chứng từ. Qua kiểm soát, còn phát hiện nhiều hành vi khác như không bán theo giá niêm yết, không có nhãn mác hoặc không có hoá đơn chứng từ” – ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường, cho biết.

Theo ông Lam, để có thể quản lý tốt thị trường này thì cần phải có hệ thống văn bản pháp luật. ”Cần phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật phù hợp, để vừa quản lý được việc nhập khẩu vừa thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Phải tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế chính sách và đây là vấn đề lớn” – ông nói.

Thời gian tới, Cục quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan khác để tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại.

Các cơ quan chức năng khẳng định đã là xe nhập lậu thì không thể đảm bảo chất lượng. Việc đấu nối hệ thống điện vào bình ắc quy, vận hành xe nếu chất lượng không đảm bảo rất dễ xảy ra chập điện, cháy nổ.

Mặt khác, do được thiết kế rất đơn giản bằng những chất liệu chưa được kiểm định an toàn kỹ thuật nên việc người tham gia giao thông đi với vận tốc cao chẳng khác nào mang tính mạng của mình ra để… đánh bạc với tử thần.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là giá nhập khẩu xe đạp điện giả chỉ bằng 2/3 so với xe đạp điện chính hãng. Tuy nhiên khi nhập về Việt Nam, xe đạp điện giả lại có giá bán ra tương đương với xe chính hãng.

Để định giá sản phẩm giả, các chủ cửa hàng xe đạp điện tham khảo giá bán xe đạp điện chính hãng cùng thương hiệu. Đây là thủ thuật tạo ra mặt bằng giá chung giữa các sản phẩm, đồng thời đánh lừa được người tiêu dùng để trục lợi.

Xe đạp điện giả có chất lượng kém ở 3 bộ phận quan trọng: bình ắc quy (hoặc pin), động cơ và bộ điều khiển.Ắc quy hay pin chất lượng kém sẽ nhanh bị sụt điện nên quãng đường đi ngắn hơn, xe không đạt công suất mong muốn. Động cơ điện chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu, hay trục trặc, dễ bị ngấm nước khi gặp trời mưa to, đường ngập sâu. Bộ điều khiển sử dụng các thiết bị điện tử thiếu chính xác, chất lượng kém là nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của xe dù người sử dụng thường xuyên bảo hành, thay thế các linh kiện. Trong khi xe đạp điện chính hãng có thể sử dụng tốt trong 3 năm thì xe giả chỉ sử dụng được từ 1-1,5 năm.

Duyên Duyên

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Liều mình” với xe đạp điện trôi nổi