Ông Chóng đi bộ đội năm 1983, “hy sinh” năm 1985 và được công nhận là liệt sĩ năm 1993. Nhưng đêm mùng 5 tết Mậu Tuất 2018, ông Chóng vượt hàng trăm cây số trở về nhà ở Cần Thơ trong sự sửng sốt của gia đình.

‘Liệt sĩ’ trở về, tự tay đập bỏ bát hương thờ mình ngay đêm mùng 5 tết

Nguyên Việt | 21/02/2018, 12:06

Ông Chóng đi bộ đội năm 1983, “hy sinh” năm 1985 và được công nhận là liệt sĩ năm 1993. Nhưng đêm mùng 5 tết Mậu Tuất 2018, ông Chóng vượt hàng trăm cây số trở về nhà ở Cần Thơ trong sự sửng sốt của gia đình.

Nửa đêm mùng 5 tết, tức ngày 19.2, tại nhà bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi) ở ấp Định Hòa B, xã Định Môn, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ xảy ra chuyện hy hữu. Ông Trương Văn Chóng, con trai thứ 6 của bà Nía từng được công nhận là liệt sĩ, được cho đã hy sinh từ năm 1985 tại chiến trường Campuchia, đột ngột trở về trong sự sửng sốt của gia đình.

Bà Nía cho biết, sau khi nghe tin con hy sinh hơn 30 năm trước, gia đình đã lập bàn thờ, nhang khói chưa bao giờ thôi nghi ngút. Năm 1993, ông Chóng được công nhận liệt sĩ và 1 năm sau, bà Nía bắt đầu nhận được tiền chế độ cho người có con là liệt sĩ.

Bà Nía, mẹ ông Chóng kể về giây phút con trai trở về từ... cõi chết - Ảnh: Thanh Nguyên

“Lúc đầu, gia đình lấy ngày nhận được giấy báo tin thằng Chóng chết coi như là ngày giỗ nó. Sau này, mỗi lần cúng cho ông bà nội nó, gia đình vái nó về ăn cùng luôn”, bà Nía nói.

Gia đình bà Nía có 10 người con, bao nhiêu năm qua tất cả đều tin rằng ông Chóng đã hy sinh mất xác. Trước Tết Mậu Tuất 2018, gia đình vẫn đốt vàng mã, van vái ông Chóng về ăn tết cùng gia đình.

Và đêm mùng 5 tết, ông Chóng về thật, nhưng về bằng xương bằng thịt. Ông Chóng tự tay hạtấm hình thờ mình xuống, đập bỏ bát hương trên bàn thờ chính mình.

Trao đổi với PV, ông Chóng cho biết không nhớ nhiều về những chuyện đã xảy ra. Cũng như trong thời gian thất lạc ở Campuchia, ông không nhớ nhiều về gia đình, quê hương của mình. Cộng thêm căn bệnh tai biến não, tiền bạc khó khăn nên ông không tìm đường về quê.

Ông Chóng kể lại, trong 1 trận đánh vào năm 1985, ông và đồng đội bất ngờ bị quân địch vây ráp trong 1 cánh rừng ở Campuchia. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, mọi người tự chống trả và tìm đường thoát thân. Ông Chóng cố chạy sâu vào rừng và thoát được, nhưng bị lạc và không thể tìm được lối ra. Sau nhiều ngày đói khát, ông được người dân địa phương phát hiện và đem về nhà cưu mang.

Tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên Trương Văn Chóng - Ảnh: Thanh Nguyên

Sau đó, ông Chóng ở lạị Campuchia, lấy người vợ thứ 2 người Campuchia và có 2 người con. Trước khi đi nghĩa vụ quân sự, ông Chóng đã có vợ ở quê nhà và họ sinh được 1 đứa con trai, lúc đó đã chập chững biết đi…

Khoảng 8 năm trước, ông Chóng lấy vợ khác và trở về H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh sinh sống. Gần đây, ông Chóng hỏi thăm nhiều người về quê hương mình. Và đến chiều mùng 5 tết, ông Chóng quyết định về thăm quê hương sau mấy chục năm xa cách.

Bà Nía, mẹ ông Chóng xúc động nói: “Tôi không thể tin là con mình còn sống. Tự tay tôi ngày nào cũng thắp nhang lên bàn thờ nó. Vậy mà giờ nó về ngay ngày tết rồi nói rằng, con Chóng đây má ơi. Phải cả tiếng đồng hồ sau, tôi mới tin là con mình trở về thật. Niềm vui đó quá lớn”.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Liệt sĩ’ trở về, tự tay đập bỏ bát hương thờ mình ngay đêm mùng 5 tết