Sau 3 năm triển khai, dự án chăn nuôi bò của công ty cổ phần chăn nuôi bò Bình Hà tại Hà Tĩnh chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hiện tại, dự án này có nhiều biểu hiện thất bại và nguy cơ “chết yểu”.

Liên quan đến Trần Bắc Hà: Cận cảnh 'siêu' dự án nuôi bò hoang phế ở Hà Tĩnh

Quang Cường | 30/11/2018, 14:55

Sau 3 năm triển khai, dự án chăn nuôi bò của công ty cổ phần chăn nuôi bò Bình Hà tại Hà Tĩnh chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hiện tại, dự án này có nhiều biểu hiện thất bại và nguy cơ “chết yểu”.

>> Ông Trần Bắc Hà bị bắt

>> Khám xét nhà ông Kiều Đình Hòa ở Hà Tĩnh

Tại kì họp thứ 7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI vào tháng 7 vừa qua, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã có báo cáo trả lời chất vấn liên quan đến dự án chăn nuôi bò của công ty cổ phần chăn nuôi bò Bình Hà (công ty Bình Hà).

Theo đó, dự án chăn nuôi bò trên được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với diện tích đất khảo sát khoảng 6.119,28ha, quy mô đàn bò dự kiến 150.000 con bò/năm, vốn đầu tư trên 4.233 tỉ đồng. Sau đó, vào năm 2016 dự án được điều chỉnh tổng diện tích đất thực hiện là 2.163,5 ha thuộc địa bàn 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (Kỳ Anh 584,9 ha, Cẩm Xuyên 1.587,6 ha),tổng đàn bò 254.200 con/năm, tổng vốn đầu tư 4.582 tỉ đồng.

Mục tiêu đầu tư của dự án là phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhà đầu tư, người lao động và người dân trên địa bàn.

Sau 3 năm triển khai, dự án nuôi bò của công ty Bình Hà không đạt được mục tiêu đề ra, trang trại nuôi bò đang bị bỏ hoang nhiều hạng mục

Theo báo chí, từ đầu năm 2016, khi dự án này khởi công và hoạt động thường có sự góp mặt của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đề án của công ty Bình Hà, dự án chăn nuôi này được coi là siêu dự án không chỉ tại Hà Tĩnh mà cả khu vực miền Trung, khi sử dụng nguyên liệu cỏ, con giống và công nghệ đều được nhập khẩu từ nước ngoài và thực hiện trên quy mô lớn.

Dự án này được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỉ đồng. Trong đó, vốn tín dụng dài hạn là 2.190 tỉ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỉ đồng. Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỉ đồng, trong đó vốn dài hạn 492 tỉ đồng cho xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỉ đồng để nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn...

Đến thời điểm này, sau 3 năm triển khai, dự án chưa đạt mục tiêu đầu tư đề ra. Dự án mới chỉ đạt quy mô bình quân 15.000 con/năm, bằng 50% quy mô đầu tư giai đoạn 1 (30.000 con/năm) và bằng 6% so với quy mô dự án (254.200 con/năm).

Phần lớn diện tích trồng cỏ chăn nuôi nay đã được công ty Bình Hà chuyển sang trồng chuối, nhưng loại cây này cũng không phát triển tốt trên nhiều diện tích trồng

Theo tìm hiểu của phóng viên vào sáng 30.11, hiện đàn bò của công ty Bình Hà còn lại rất ít, hệ thống chuồng trại đã xây dựng tại xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) và tại xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) để trống, không sản xuất chăn nuôi. Phần lớn diện tích quy hoạch trồng cỏ chăn nuôi nay đã được công ty này chuyển đổi sang trồng chuối. Điều này là chưa đúng với mục tiêu của dự án theo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Một cán bộ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) cho biếtqua kiểm tra thực tế và báo cáo của công ty Bình Hà, hiện nay tại trang trại chăn nuôi bò ở xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) chỉ còn lại 1.140 con (806 con bò cái sinh sản, còn lại là bò thịt). Toàn bộ diện tích 678 ha trồng cỏ tại đây đã bị phá dỡ, cày xới đất, chuyển qua trồng chuối.

Đến tháng 5.2018, công ty Bình Hà đã trồng 212 ha chuối Cavendish tại xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) và các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) khi chưa được UBND tỉnh cho phép. Riêng trang trại chăn nuôi bò tại xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) đã dừng hoạt động gần 1 năm nay.

Dưới đây là hình ảnh trang trạinuôi bò của công ty Bình Hà được phóng viên Một Thế Giới ghi lại vào sáng 30.11:

Đất quy hoạch trồng cỏ trong trang trại Bình Hà bị bỏ hoang thành những đồi trọc, trong khi đó người dân bị thu hồi đất lâm nghiệpđể phục vụ dự án này.

Cổng vào và chốt bảo vệ quanh khu vực trang trại nuôi bò Bình Hà trước đây được canh giữ rất nghiêm ngặt, nhưng nay không có người gác, cỏ mọc um tùm.

Người dân vào cắt cỏ trong khu vực trồng chuối kém phát triển của công ty Bình Hà.

Nhiều khu chuồng trạichăn nuôi bò của công ty Bình Hà tạixã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyênsáng 30.11 không có bóng dáng của bò.

Nhiều hạng mục trong khu vựcxử lý nước thải bị hoang phế.

Chuồng trại nuôi bò của công ty Bình Hàở xã Kỳ Tâycũng bỏ hoang, không có con bò nào.

Ông Dương Hữu Sơn, Trưởng thôn 4, xã Cẩm Mỹ: "Ngày xưa ở đây là rừng tự nhiên và rừng cao su của lâm trường, nhưng khi đất đượcthu hồi để giao cho dự án nuôi bò thì bị cạo trọc, bỏ hoang mấy năm nay. Người dân chúng tôi mong muốn nếu nhà nước xét thấy dự án không khả thi thì nên thu hồi đất, giao lại cho chúng tôi trồng rừng, bảo vệ đất chống xói lở và tạo nguồn thu nhập".

Video: Trang trại nuôi bò của công ty Bình Hà

Ngày 29.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 04 bị can có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu từ và phát triển Việt Nam (BIDV).

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 22.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV; cùng ngày đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với: Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV; Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.

Các bị can trên bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang và Kiều Đình Hòa; Áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thị Vân Anh.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh tố tụng nêu trên ngày 29.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang khẩn trương điều tra, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Quang Cường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên quan đến Trần Bắc Hà: Cận cảnh 'siêu' dự án nuôi bò hoang phế ở Hà Tĩnh