Từng có hơn 1 năm đầu quân HAGL nên Lee Nguyễn biết rõ cách thức đào tạo, huấn luyện của các “gà nòi” của bầu Đức . Lee Nguyễn cho biết cách đào tạo của Học viện  HAGL JMG rất khác Học viện Dallas Texans của anh.

Lee Nguyễn: 'Cách đào tạo của HAGL JMG rất khác ở Mỹ'

Một Thế Giới | 22/11/2014, 12:05

Từng có hơn 1 năm đầu quân HAGL nên Lee Nguyễn biết rõ cách thức đào tạo, huấn luyện của các “gà nòi” của bầu Đức . Lee Nguyễn cho biết cách đào tạo của Học viện  HAGL JMG rất khác Học viện Dallas Texans của anh.

Chỉ tập 3 buổi/tuần hay vì 6 buổi/tuần như HAGL JMG

Lee Nguyễn cho biết điểm khác biệt lớn nhất về giáo án của Học viện Dallas Texans với Học viện HAGL JMG nằm ở thời lượng huấn luyện và thi đấu. Lee Nguyễn cho biết anh vào Học viện Dallas Texans lúc 13 tuổi (năm 1999) và kết thúc chương trình đào tạo khi 18 tuổi để bước vào môi trường Đại học.

Trong suốt thời gian 5 năm ở Học viện Dallas Texans, Lee Nguyễn kể: “Thông thường mỗi tuần chúng tôi có 3 buổi tập, mỗi buổi tập hơn 2 tiếng đồng hồ. Đến cuối tuần chúng tôi lại được đi thi đấu cho đội bóng của trường học mình đang học. Rồi khi nào có giải đấu quan trọng như giải quốc tế Dallas Cup vào mùa Xuân hay các giải Trẻ toàn quốc vào mùa Hè thì chúng tôi lại đá cho Dallas Texans. Ở Mỹ lịch thi đấu cho các đội bóng diễn ra suốt cả năm nên cầu thủ trẻ cứ đến cuối tuần nghỉ học lại đi thi đấu, cứ như vậy diễn ra năm này qua năm khác”.
Điều đáng chú ý nhất ở đây là Lee Nguyễn dù vào Học viện Dallas Texans song vẫn dành thời gian lớn hơn để tập luyện, thi đấu cho đội tuyển trường học. Lee Nguyễn chơi cho trường trung học Plano East và đoạt giải "Cầu thủ trung học hay nhất nước Mỹ năm 2004" chứ không phải trong màu áo Dallas Texans.
Lee Nguyen, HAGL JMG
Cầu thủ đội U.19 Dallas Texans (đỏ) đối đầu với U.18 Tottenham ở Dallas Cup 2010 

Trong khi đó, ở Học viện HAGL JMG thì cách thức đào tạo lại khép kín hoàn toàn, cầu thủ nhí được nuôi ăn ở tập trung tại Hàm Rồng và 1 tuần có 6 buổi tập và chỉ nghỉ vào Chủ Nhật. Lee Nguyễn nhận xét: “Tôi từng xem các cầu thủ HAGL JMG tập luyện nhiều lần. Các em được huấn luyện rất kỹ càng, thời gian tập luyện nhiều hơn cầu thủ nhí ở Mỹ. Các cầu thủ ở HAGL JMG cũng được chăm sóc chu đáo, tuy nhiên điểm khác biệt là các em sống xa gia đình từ nhỏ”.

Để dễ hình dung các cầu thủ HAGL JMG được nuôi theo kiểu “luyện gà nòi”, họ tập chân trần đến 3 năm mới được xỏ giày và phải đến 16 tuổi mới bắt đầu cho thi đấu đối kháng với các đội bóng ở ngoài.

Trong khi đó, các thức đào tạo và huấn luyện của Học viện Dallas Texans hay các Học viện bóng đá ở Mỹ nói chung đều dựa vào sự phát triển vượt bậc của hệ thống thể thao học đường nên cách thức đào tạo “mở”, cầu thủ được thi đấu nhiều từ lúc bé trên trải nghiệm về thực tế rất cao. Do đào tạo mở nên ở Dallas Texand cầu thủ sàng lọc liên tục. Chính vì vậy mà dù có thời gian tập luyện chỉ 3 buổi/tuần song chất lượng cầu thủ trẻ của Dallas Texans được đánh giá hàng đầu nước Mỹ.

Lee Nguyen, HAGL JMG
Lee Nguyễn nhận phần thưởng "Cầu thủ trung học hay nhất năm 2004" từ tay danh thủ Claudio Reyna cũng là một người từng đoạt giải thưởng này  

Không khuyến khích cầu thủ nhí sống xa gia đình

Học viện Dallas Texans tuyển chọn cầu thủ chủ yếu ở vùng Dallas và các thành phố vệ tinh xung quanh đó. Lee Nguyễn nhà ở Richardson là một thành phố vệ tinh thuộc Dallas và cách Học viện Dallas Texans chỉ hơn 15 phút chạy xe hơi. Các cầu thủ nhí ở Texans khi đi tập được cha mẹ chở đi hoặc tự đi xe bus đến rồi sau khi tập xong lại tự về. Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của cầu thủ cũng giống như các trẻ em khác vì vẫn sống chung cùng gia đình.

Ở Học viện Dallas Texans vẫn xây phòng ốc nhưng quan điểm đào tạo thể thao của người Mỹ không khuyến khích việc đào tạo VĐV, cầu thủ theo kiểu “luyện gà nòi” khiến cầu thủ nhí phải sống xa gia đình, thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ.

Vậy đối với các trường hợp cầu thủ trẻ ở xa đến hoặc cầu thủ người nước ngoài đến học thì sẽ được giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phẩm (cha Lee Nguyễn) cho biết: “Khi một cầu thủ trẻ ở xa đến Texans thì các HLV sẽ hỏi những phụ huynh có con em học đang và đã từng học ở Học viện để nhờ giúp đỡ bằng các cho cầu thủ ở xa về nhà ở chung để có người lớn theo dõi, giám sát và giúp đỡ các em đó giống như hình thức bảo hộ. Hầu hết các gia đình bên Mỹ đều quý trẻ con nên họ sẵn sàng nhận các em về nhà nuôi coi như con cháu trong nhà. Do vậy trong suốt quá trình đào tạo dù sống xa cha mẹ nhưng cầu thủ trẻ vẫn sống trong một gia đình mới nên đỡ thiệt thòi”.

Lee Nguyen, HAGL JMG
Ở Mỹ không khuyến khích việc đào tạo cầu thủ theo kiểu "luyện gà nòi"  bằng cách ăn ở tập trung, sống xa gia đình từ nhỏ như cách HAGL JMG đang áp dụng (ảnh Ngọc Quỳnh)

Cách đào tạo của người Mỹ trong lĩnh vực thể thao có tính khoa học, thực tiễn song cũng đầy nhân văn, không tước mất tuổi thơ, sự quan tâm từ gia đình của các VĐV nhí.

Tất nhiên, sự so sánh giữa Việt Nam và Mỹ rất khập khiễng vì môi trường, xã hội của 2 nước khác nhau một trời một vực. Song, phải thấy rằng việc đào tạo VĐV nhí theo kiểu “luyện gà nòi” là một hình thức bất đắc dĩ, thường rơi vào những nước có điều  kiện kinh tế khó khăn hoặc ảnh hưởng bởi mô hình đào tạo tập trung Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu trước đây hay Trung Quốc hiện tại.

Đăng Khoa

Đôi nét về Học viện Dallas Texans

Dallas Texans Soccer Club hay còn gọi là “The Texans” là một Học viện bóng đá trẻ đóng tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas và được coi là một trong những trung tâm đào tạo lớn nhất của nước Mỹ. Học viện được mở vào năm 1993 bởi ông Hassan Narazi là cựu tuyển thủ Iran từng thi đấu ở World Cup 1968 rồi sau đó di cư sang Mỹ.

Học viện Texans nhận dạy trẻ em từ lúc 7 tuổi cho đến 10 tuổi và sau đó đến lứa U.13 Học viện sẽ bắt đầu được tuyển chọn chính thức và các đội trẻ của Học viện từ U.13, U.15 đến U.18 là lứa “U” cuối cùng.

Học viện Dallas Texans đã có 4 lần vô địch lứa U.18 toàn quốc (Lee Nguyễn vô địch U.18 Mỹ năm 2004). Dallas Texans còn là chủ giải đấu trẻ quốc tế Dallas Cup rất uy tín được tổ chức hằng năm vào mùa Xuân (đầu tháng Tư) quy tụ rất nhiều CLB trẻ khắp thế giới như Manchester United, AC Milan, Arsenal, Liverpool, Real, Barca hay các CLB ở Nam Mỹ (Corithians, San Lorenzo, River Plate, Sao Paulo), Mexico đến tham dự.  Năm 2009, Dallas Texans bắt tay hợp tác với Manchester United bằng các chuyến tập huấn thi đấu qua lại giữa các đội bóng trẻ và M.U cũng gởi nhiều HLV, chuyên gia sang Texans hỗ trợ cho việc đào tạo, huấn luyện.

Cho đến nay, Dallas Texans đã đào tạo được các cầu thủ như Clint Dempsey (Seattle Sounders), Lee Nguyễn (New England), Omar Gonzalez (LA Galaxy), Break Shea (Birmingham City) là các cầu thủ đang khoác áo ĐTQG Mỹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lee Nguyễn: 'Cách đào tạo của HAGL JMG rất khác ở Mỹ'