Trong chương trình Góc khuất của kênh Bóng đá TV, tiền đạo Lê Công Vinh đã kể những bí mật trong sự nghiệp, cuộc sống mà trong đó đặc biệt là quãng thời gian anh ra nước ngoài thi đấu là Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Công Vinh tiết lộ: “Sang Bồ tập đến 2 tháng mà không ai chuyền bóng cho mình cả, toàn chạy không mà thôi. Họ cũng không thèm nói chuyện với mình”.
Bị sốc, tủi thân vì bị coi thường ở Bồ Đào Nha
Năm 2009 khi đang thi đấu cho CLB Hà Nội T&T, Lê Công Vinh với sự giới thiệu của HLV Calisto đã sang thử sức ở CLB Leixoes ở giải VĐQG Bồ Đào Nha (Liga Sagres) trong 4 tháng. Leixoes là đội bóng cũ của ông Calisto.
Với tâm trạng háo hức vào có phần tự hào vì được xuất ngoại mà lại sang BĐN, một nền bóng đá mạnh ở châu Âu, thế nhưng Lê Công Vinh đã tiết lộ một sự thật phũ phàng mà bây giờ anh mới dám kể cho khán giả biết.
“Tôi nói một điều sự thật là ở châu Âu người ta rất kỳ thị người (cầu thủ) châu Á. Mình phải tự túc tất cả, kể cả việc tự nấu cơm ăn vì ở bên đó cầu thủ không sống tập trung, sau giờ tập và thi đấu thì ai về nhà nấy. Khi mình đến đội, không ai chào đón mình cả, trong suốt 2 tháng đầu ra sân tập, họ không chuyền bóng cho mình luôn nên chỉ toàn chạy không mà thôi”, Lê Công Vinh tiết lộ chi tiết gây sốc đối với bản thân anh, từ một cầu thủ đang được coi là số 1 Việt Nam bỗng trở thành kẻ thừa ở đội bóng mới tại châu Âu.
Công Vinh trong màu áo Leixoes ở giải Liga Sagres của Bồ Đào Nha |
“Hai tháng đầu rất khó khăn, gần như không làm được điều gì cả. Trên sân thì họ không chuyền bóng cho mình, ở ngoài họ không chào hỏi nói chuyện với mình. Niềm vui của mình khi thui thủi một mình chỉ là lên internet để chat với bạn bè, người thân rồi đọc báo. Phải đến 2 tháng sau thì mình mới thể hiện được”, Công Vinh kể về thời gian 4 tháng đầy khó khăn ở Leixoes mà 2 tháng sau cùng anh đã được chơi 1 trận ở giải VĐQG và 1 trận chơi ở Cúp QG BĐN và ghi 1 thắng vào lưới Casa Pia.
Mặc dù vô cùng tủi thân và cô đơn ở BĐN nhưng Lê Công Vinh lại cho rằng chính quãng thời gian ở Leixoes đã mở mắt cho anh biết thế nào là bóng đá chuyên nghiệp châu Âu, biết vị trí của bản thân và bóng đá Việt Nam ở đâu và anh học được nhiều bài học cho bản thân để sau này phấn đấu, cố gắng hơn trong sự nghiệp.
Xúc động vì tình cảm của người Nhật và CLB Consadole Sapporo
Tháng 7.2013, khi V.League kết thúc, Lê Công Vinh lại có cơ hội xuất ngoại lần thứ hai và lần này là CLB Consadole Sapporo ở J.League 2. Với những kinh nghiệm từng trải qua ở Leixoes 4 năm trước, Lê Công Vinh hình dung sẵn trong đầu những tình huống khó khăn mà mình sẽ đối mặt ở Nhật Bản.
“Khi mình đến sân Sapporo rồi đến CLB, tất cả mọi người đều chào đón mình nồng nhiệt. Cả đội bóng ai cũng biết tên mình cả. Họ được lãnh đạo CLB thông báo trước mình là ai, từ đâu đến và thành tính chơi bóng ra sao. Khi ra sân, dù chưa đá phút nào nhưng các CĐV Nhật họ chào đón mình, vỗ vai động viên mình “Cố gắng lên” làm mình vô cùng xúc động, nó khiến mình có cảm giác đây là gia đình của mình vậy”, Lê Công Vinh bồi hồi xúc động khi nhớ lại ngày đầu đến với Consadole Sapporo mà theo anh là trái ngược hoàn toàn với lúc anh đến Bồ Đào Nha.
Công Vinh bất ngờ với tình cảm, sự nồng nhiệt của người Nhật dành cho anh |
Công Vinh kể: “Người Nhật có một điểm rất hay là họ không quan tâm gốc gác mình từ đâu mà họ chỉ quan tâm là khả năng nổi bật nhất của mình là gì và họ sẽ giúp đỡ mình tận tình. Nếu mình có khả năng nào tốt hơn cầu thủ Nhật thì từ cầu thủ, HLV sẽ dồn hết sức để giúp mình phát huy và cũng là giúp ích cho CLB. Có thể nói về sự chuyên nghiệp thì bóng đá Nhật Bản còn hơn cả Bồ Đào Nha”.
Chính sự tận tình giúp đỡ đó ở Consadole Sapporo mà Công Vinh cảm thấy kính phục người Nhật: “Mình không ngờ một đất nước phát triển đến vậy, một nền bóng đá hàng đầu châu lục mà mình thi đến từ nền bóng đá có điểm xuất phát thấp ở ĐNÁ mà khi mình sang đấy, họ thấy mình có điểm gì hay là họ giúp mình hết lòng”.
Lê Công Vinh cho biết sau 4 tháng chơi cho Consadole Sapporo, trước khi về lại Sông Lam Nghệ An anh đã được lãnh đạo Sapporo mời ký tiếp hợp đồng 2 năm. Khi biết Công Vinh còn vướng 1 năm hợp đồng với đội bóng xứ Nghệ, lãnh đạo Sapporo đã gửi fax sang cho SLNA đề nghị chuyển nhượng với mức giá 60.000 USD tiền phá vỡ hợp đồng nhưng SLNA không đồng ý.
Khi Công Vinh được thủ tướng Shinzo Abe của Nhật mời sang Nhật dự buổi tiệc chiêu đãi các nguyên thủ các nước ASEAN thì GĐĐH Consadole Sapporo gặp lại Công Vinh và nói rằng BHL, nhà tài trợ các CĐV rất muốn đội ký lại với Công Vinh.
Consadole Sapporo rất trọng vọng Công Vinh và từng mời cả ca sỹ Thủy Tiên sang Nhật xem và đá quả bóng khai mạc một trận đấu của Consadole Sapporo |
Ông GĐĐH Sapporo hỏi Công Vinh giá bồi hoàn cho SLNA để phá vỡ hợp đồng thì Công Vinh bảo rằng trong hợp đồng với SLNA có ghi 5 tỷ đồng. Ngay sau Công Vinh về Việt Nam thì phía Consadole Sapporo gửi fax cho SLNA đề nghị mức phí là 240.000 USD (tương đương 5 tỷ). Lúc này, Công Vinh nhường quyền định cho SLNA nhưng phía SLNA không ai dám quyết cả. “Có lẽ vì họ sợ hay cấn cá điều gì đó nên chẳng ai dám quyết cả”, Vinh nói về chuyện khi anh trao quyết định lại cho phía SLNA.
Đến giữa năm 2014, một lần nữa Consadole Sapporo lại liên lạc với Công Vinh để mời ký hợp đồng 2 năm nhưng lúc này Công Vinh đã chọn Becamex Bình Dương. “Lúc biết mình ký với Bình Dương, phía Sapporo họ rất buồn vì không biết nói sao với các CĐV vì họ hứa sẽ đem mình về Nhật đá tiếp. Tình cảm của họ, môi trường bóng đá của Nhật Bản làm mình day dứt, khó chịu lắm khi lắc đầu từ chối lời mời của Sapporo”, Công Vinh nói.
Lý do Công Vinh chọn ở lại Việt Nam thay vì sang Nhật: “Vì Vinh nghĩ đến gia đình nhỏ của mình, nghĩ đến con mình mới hơn 2 tuổi mà mình đi quanh năm suốt tháng. Thủy Tiên thì bảo mình đi Nhật đi vì Tiên nói: “Tiên thích Ba mày đi Nhật đi, đừng lo gì ở nhà cả”. Tuy nhiên với trách nhiệm của người đàn ông với gia đình, nghĩ về con mình Vinh đã quyết định ở lại”.
Khi quyết định ở lại Việt Nam, Công Vinh cảm thấy có lỗi với tấm thịnh tình mà người Nhật đã dành cho anh.
Đăng Khoa