Có vẻ như không nơi đâu tại xứ sở Triệu Voi là không in dấu bộ máy bành trướng kinh tế đến từ phương Bắc, khi hàng loạt đại dự án do Trung Quốc làm chủ đang tồn tại trên đất Lào.

Lào trước cỗ máy bành trướng kinh tế của Trung Quốc

25/04/2016, 15:40

Có vẻ như không nơi đâu tại xứ sở Triệu Voi là không in dấu bộ máy bành trướng kinh tế đến từ phương Bắc, khi hàng loạt đại dự án do Trung Quốc làm chủ đang tồn tại trên đất Lào.

Hiện, Lào có khoảng 13 đặc khu kinh tế của Trung Quốc, chứa đầy sòng bạc, tiệm massage trá hình và nhân công người Hoa, rải rác khắp nước này mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là những dự án phát triển hạ tầng trị giá hàng tỉ USD đang mọc lên tại chính Thủ đô Viêng Chăn do Bắc Kinh đầu tư.

Giữa vùng núi đồi hoang vu phía bắc nước Lào, ánh đèn neon của sòng bạc The Kings Romans sáng choang giữa rừng rậm. Bên trong, các con bạc ngày đêm đốt tiền vào những ván bài, không phải bằng đồng kip của Lào mà là ngoại tệ của Thái và Trung Quốc (TQ). Sòng bạc The Kings Romans là trọng điểm thu hút khách du lịch của Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng (GTSEZ) rộng 10.000 hecta. GTSEZ được thiết lập vào năm 2007 bởi chính phủ Lào và tập đoàn Hồng Kông Kings Romans Group.

Tập đoàn Kings Romans đã bỏ ra hàng chục triệu USD để cải tạo vùng Bokeo hoang vu bên dòng sông Mekong thành một khu vui chơi giải trí chỉ dành riêng cho khách du lịch đến từ TQ. Đằng sau ánh đèn hào nhoáng của sòng bạc The Kings Romans là khu “Chinatown” chứa đầy các nhà hàng và những tiệm massage trá hình. Bên cạnh đó, còn có sở thú, sân golf và những bãi đậu xe rộng thênh thang.

Tại đây, tập đoàn đến từ Hồng Kông còn dự định xây thêm một khu công nghiệp và sân bay quốc tế. Ước tính tại GTSEZ sẽ có khoảng 200.000 người sinh sống và làm việc.

Đa số những người làm việc tại đây đến từ TQ và Myanmar. Đồng hồ và thời gian sinh hoạt trong đặc khu kinh tế này được điều chỉnh theo giờ của TQ, còn hầu hết các cửa hàng và dịch vụ thì từ chối thanh toán bằng tiền kip của Lào. Các tòa nhà và cơ sở bên trong đặc khu được xây dựng lòe loẹt theo kiểu giống như một “Tử Cấm Thành thu nhỏ”.

Mô tả khu GTSEZ, Moe Kyaw, một người làm việc tại đây đến từ Myanmar nói “Khách sạn TQ, thanh toán bằng tiền TQ, kiến trúc theo kiểu TQ. Đây chẳng khác nào là một đất nước TQ thu nhỏ!”.

GTSEZ hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Stuart Ling, chuyên gia tư vấn về nông nghiệp tại vùng Bokeo cho biết: “Trên giấy tờ, GTSEZ không thuộc về Lào mà tồn tại như một vùng có quyền tự chủ riêng biệt”. Theo chuyên gia Ling, dù trên danh nghĩa, đặc khu được đồng quản lý bởi chính phủ Lào và tập toàn Hồng Kông, tuy nhiên những hoạt động tài chính lại hết sức mờ ám và không ai thật sự biết rõ về tình hình thu chi tại đây như thế nào.

Quy mô khổng lồ của GTSEZ cùng với những hoạt động tài chính mờ ám tại đây, thể hiện rất rõ những gì mà chính sách bành trướng kinh tế đang được Bắc Kinh thực hiện với tốc độ chóng mặt tại đất nước được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất tại Đông nam Á này.

Kể từ đầu những năm 2.000, Lào đã liên tục nhận được những khoản đầu tư từ TQ, sau khi Bắc Kinh thực hiện chiến lược “Tiến ra nước ngoài” (“Tẩu xúy khứ”), cổ xúy các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Kể từ đó, các công ty TQ đã thi nhau đổ tiền vào Lào và các dự án xây dựng hết từ đường cao tốc, mỏ khai thác, đến các công trình nông nghiệp và thủy điện. Có khoảng 13 đặc khu kinh tế của TQ đã mọc lên tại những điểm chiến lược trên khắp nước Lào. Đến cuối năm 2013, ước tính tổng số tiền mà TQ đã đầu tư sang Lào lên đến 5 tỉ USD. Với số tiền đầu tư này, TQ đã vượt qua Việt Nam trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào.

Nước Lào cũng thu hút hàng ngàn lao động nhập cư, đến sinh sống và làm việc tại những đặc khu kinh tế TQ rải rác khắp các vùng phía bắc. Một số thống kê cho thấy có khoảng 300.000 người TQ hiện đang sinh sống tại Lào. Paul Chamber, giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu các vần đề Đông Nam Á tại Thái Lan, cho biết chính sách bành trướng kinh tế của Bắc Kinh, thể hiện qua dòng tiền khổng lồ và lượng lao động TQ ồ ạt đổ sang Lào, thật sự là một hình thức của “chủ nghĩa thuộc địa kiểu mới”. Ông nói : “Phía bắc nước Lào giờ đây đã gần như bị biến thành một đất nước TQ mới”.

Không chỉ gói gọn lại ở những vùng đặc khu kinh tế tại khu vực rừng núi xa xôi, sự hiện diện của TQ còn được nhận thấy rất rõ tại thủ đô Viêng Chăn của Lào. Tại đây, cộng đồng người Hoa đang ngày càng lớn mạnh, tập trung chủ yếu quanh khu chợ Sanjiang, được chính Bắc Kinh bỏ tiền ra xây dựng vào năm 2007.

Đến với khu chợ này, ta có cảm giác như bị lọt thỏm vào một khu đô thị tại tỉnh Vân Nam, địa phương phía nam TQ nằm sát với biên giới Lào. Tiếng Quan Thoại được sử dụng như ngôn ngữ giao tiếp, còn các gian hàng thì bán đầy hàng hóa được sản xuất tại TQ, từ đầu máy karaoke cho tới rượu gạo Thiên tửu truyền thống của Trung Hoa.

Chính sách đầu tư ồ ạt của TQ vào Lào không phải là không bị chỉ trích. Những dự án đầu tư của TQ, đặc biệt là các công trình xây dựng đê đập và các cơ sở hạ tầng lớn khác, bị phê phán là đã được thực hiện mà không màng gì đến những ảnh hưởng xấu có thể gây ra cho môi trường và thiên nhiên của xứ sở triệu voi.

Vào năm 2014, nhiều người dân Lào sống tại GTSEZ đã biểu tình chống lại việc chính quyền giải tỏa và thu hồi đất để mở rộng đặc khu kinh tế này. Theo một quan chức của tập đoàn Kings Romans, việc khảo sát đất để xây dựng sân bay quốc tế tại đây cũng bị cư dân bản địa ra sức ngăn cản đến mức phải bị hoãn lại.

Các dự án đầu tư của TQ tại Viêng Chăn cũng bị chỉ trích, điển hình là dự án phát triển khu nhà ở tại khu đầm lầy Thai Luang trị giá 1,6 tỉ USD cũng bị người dân Lào phản đối gay gắt. Còn dự án 7 tỉ USD xây dựng tuyến đường sắt nối Viêng Chăn với Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, cũng liên tục bị hoãn lại.

Chính sách bành trướng kinh tế của TQ sang Lào cũng gây ra một mối quan ngại khác khi dư luận cho rằng động thái này đang kéo Lào ra khỏi mối quan hệ hữu nghị lâu đời với người láng giềng Việt Nam. Mối quan hệ mật thiết giữa đảng cầm quyền Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) với Hà Nội có từ thời 2 nước từng chung vai lật đổ chế độ cầm quyền tại Đông dương do Mỹ chống lưng vào những năm 1960-1970. Một quan chức ngoại giao Lào nói: “Nếu như Việt Nam đã từng là một người anh lớn của Lào, thì giờ đây TQ đã trở thành người anh cả. Hà Nội chỉ còn là người anh kế”.

Theo một vài nhà phân tích, mối quan ngại về sự bành trướng của TQ chỉ xuất hiện sau khi có sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo Lào. Vào tháng 1.2016, Đại hội toàn quốc thứ 10 của LPRP đã bầu ông Bounnhang Vorachith, là người thân Việt, vào ghế Tổng bí thư đảng. Đại hội còn gạt ông Somsavat Lensavad ra khỏi chức thủ tướng. Ông Lensavad bản thân là người gốc Hoa và đã từng phê duyệt cho nhiều dự án đầu tư của TQ tại Lào. Việc thay đổi bộ máy lãnh đạo của Lào ngoài ra cũng được Mỹ đón nhận, thể hiện qua chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, dự định sẽ được tiến hành vào đầu tháng 9.2016.

Tuy nhiên theo một nhà phân tích chuyên nghiên cứu về các chính sách lãnh đạo của Lào, việc chính quyền nước này đã “thay máu” trên thực tế lại ít có khả năng sẽ gây khó dễ cho cỗ máy bành trướng kinh tế của TQ tại đây. LPRP trên thực tế vẫn sẽ tiếp tục chào đón những khoản đầu tư béo bở đến từ “người anh cả” phía Bắc, theo đúng như tiền lệ đã được thiết lập bởi ông Thongsing khi còn ngồi trên ghế Thủ tướng.

“Các lãnh đạo của LPRP chỉ quan tâm đến những lợi ích không bị ràng buộc. Đây có thể là những khoản đầu tư, những khoản vay không lãi suất hoặc chỉ đơn giản là một phong bì dưới gầm bàn. Họ không quan tâm đến việc những lợi ích này đến từ đâu, miễn sao đến cuối ngày họ có thể mang tiền về cho gia đình và trích ra một số cho vào quỹ của đảng”, chuyên gia cho biết.

Mặc dù ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tồn tại một cách mạnh mẽ tại Lào, nhưng chắc chắn trong thời gian tới, sự bành trướng kinh tế của TQ sẽ còn lớn mạnh hơn nữa tại đây. Cỗ máy bánh trướng kinh tế của TQ đã len lỏi vào các mối quan hệ cá nhân với những thành viên trong bộ mày lãnh đạo, được xúc tác với sự kế cận về mặt địa lý và đơn giản là sức mạnh kinh tế của TQ, ước tính gấp đến khoảng 862 lần nguồn lực kinh tế của Lào.

Theo lời của chuyên gia tư vấn Linh tại Bokeo: “TQ sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ tại đây và có thể biến Lào thành một Tây Tạng kế tiếp”.

Huỳnh Hy (theo Nikkei Asian Review)

Ảnh: Cổng chào của đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lào trước cỗ máy bành trướng kinh tế của Trung Quốc