Được chuyển tay từ quân vương Ấn Độ đến hoàng đế Ba Tư, rồi quay ngược lại Ấn Độ và cuối cùng là thuộc về Hoàng gia Anh; viên kim cương 105,6 carat Kohinoor “sáng nhất trên vương miện của Vương quốc Anh” đã có một lịch sử đẫm máu.

Lịch sử đẫm máu của viên kim cương trên vương miện Nữ hoàng Anh

20/04/2016, 06:15

Được chuyển tay từ quân vương Ấn Độ đến hoàng đế Ba Tư, rồi quay ngược lại Ấn Độ và cuối cùng là thuộc về Hoàng gia Anh; viên kim cương 105,6 carat Kohinoor “sáng nhất trên vương miện của Vương quốc Anh” đã có một lịch sử đẫm máu.

Truyền thuyết cho rằng viên kim cương Kohinoor, gắn trên vương miện của Nữ hoàng Anh đang được lưu giữ tại tòa Tháp London, chỉ có thể được một người phụ nữ hoặc một vị thần mang lên người. Bất kỳ một người đàn ông nào mang viên kim cương lên người thì cũng sẽ gặp xui xẻo và có thể mất mạng. Nhưng ngược lại, ai sở hữu được Kohinoor thì sẽ thống lĩnh được thế giới. Vì vậy trong vài thế kỷ, các vị vua chúa đã ra sức tranh giành viên đá quý nặng 21,12 gram này.

Theo một số sử gia, viên kim cương lúc bấy giờ vẫn chưa có tên, được nhắc tới lần đầu tiên vào năm 1306. Viên đá quý ban đầu nặng đến 793 carat (158,6 gram) thuộc về một vị quân vương xứ Malwa, nay thuộc miền tây trung Ấn Độ. Lịch sử chính xác của viên kim cương đã bị xóa mất theo dòng thời gian, tuy nhiên tài liệu của bảo tàng Smithsonian thì cho rằng viên đá quý đã từng “thuộc về vị vua của một vương quốc phía Đông xa xưa, tồn tại có thể cách đây đến 3000 năm”. Các sử gia đồng ý rằng viên kim cương được khai thác từ khu mỏ Kollur, một trong những mỏ kim cương lớn đầu tiên trên thế giới, tại vùng Andhra Pradesh phía đông nam Ấn Độ.

Tài liệu có thể kiểm chứng được về viên kim cương đầu tiên được tìm thấy trong ghi chép vào năm 1526 của Babur (1483 - 1530), vị vua lập quốc xứ Mughal (nay thuộc Ấn Độ). Babur lấy được viên kim cương sau khi đánh bại Ibrahim Lodi, vị Sultan (vua xứ Hồi giáo) cuối cùng của Delhi, trong trận Panipat lần thứ nhất.

Sử gia N.B. Sen cùng vài học giả khác cho rằng sau khi thuộc về Babur, viên kiêm cương được truyền lại cho vua Jahan và Aurangzeb kế vị, trước khi đến tay cháu của Babur là Sultan Mahamad.

Vào năm 1739, một vị tướng Ba Tư là Nadir Shah đánh bại Mahamad và chiếm được Delhi, cùng với chiến lợi phẩm là viên kim cương. Nadir Shah cũng chính là người đã đặt tên Koh-i-noor, có nghĩa là “ngọn núi ánh sáng” cho viên đá quý. Vị tướng này mang Kohinoor trở về Ba Tư và chỉ 8 năm sau đó ông bị ám sát.

Theo cuốn sách “Lịch sử huy hoàng của Kohinnor, viên kim cương sáng nhất trên vương miện nước Anh” của N.B. Sen thì sau khi Nadir Shah mất, viên kim cương lọt vào tay một trong những thuộc hạ là Ahmad Sha Durrani và được gia đình ông ta gìn giữ trong vài thế hệ.

Đến năm 1813, Shah Shuja Durrani, một trong những con cháu của Ahmad Shah, đã mang Kohinoor trở lại Ấn Độ. Shah Shuja bỏ trốn khỏi Ba Tư do xảy ra tranh chấp với những người anh em của mình tại Kabul. Trong lúc bỏ trốn, Shah Shuja đã mang theo viên kim cương và dâng lên cho Maharaja (hoàng đế) Ranjit Singh (1780 - 1839) của đế quốc Sikh, nằm ở vùng Punjab phía bắc Ấn, để đổi lấy quyền được tị nạn tại đây.

Theo ghi chép của James Broun-Ramsay, hay còn được gọi là lãnh chúa Dalhousie, Toàn quyền Anh tại Ấn Độ từ 1848 - 1856, thì vợ của Shah Shuja Durrani đã từng mô tả viên Kohinoor như sau: “Hãy tưởng tượng một người đàn ông khỏe mạnh lấy 4 hòn đá ném về 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và một hòn thứ 5 ném lên trời. Nếu khoảng không giữa 5 viên đá này được chứa đầy vàng thì cũng thể không sánh bằng giá trị của Koh-i-Noor”.

Sau khi Ranjit Singh băng hà, viên kim cương cũng như đế quốc của ông được truyền cho lại những người con trai. Tuy nhiên, những người kế vị đế quốc Sikh đã liên tục bị giết chết. Đến năm 1843, Duleep Singh lên ngai hoàng đế Sikh khi chỉ mới 5 tuổi và cũng là vị quân vương cuối cùng của Ấn Độ sở hữu viên Kohinoor, theo N.B. Sen.

Vào năm 1849, Vương quốc Anh giành được thắng lợi trong cuộc chiến Anh - Sikh lần thứ 2 và chính thức thôn tính vùng Punjab bằng Thỏa thuận Lahore (Lahore là thủ đô của đế quốc Sikh bấy giờ). Vua Duleep Singh lúc này được 11 tuổi, ký thỏa thuận trao Vương quốc Sikh cùng viên kim cương Kohinoor cho hoàng tộc Anh trước khi thoái vị.

Trong bản thỏa thuận Lahore có ghi rõ ở điều 3: “Viên đá quý mang tên KohiNoor mà Maharaja Runjeet Singh đã lấy từ tay Shah Sooja-ool-moolk, sẽ được hoàng đế của Lahore trao lại cho nữ hoàng Anh”.

Năm 1852, viên kim cương được đem về xứ Anh và trưng bày trước công chúng. Tuy nhiên, sau khi nghe được vài lời bình luận cho rằng đã bị “thất vọng” bởi hình hài thô kệch của viên kim cương, chồng của Nữ hoàng Victoria là Quận công Albert đã ra lệnh mài giũa viên Kohinoor. Sau 38 ngày, viên kim cương đã bị mài từ 186 carat (37,2 gram) xuống còn 105,6 carat (21,12 gram) như ngày nay.

Nữ hoàng Victoria biết về truyền thuyết đẫm máu của viên đá quý và để tránh xui xẻo, đã ghi lại trong di chúc rằng chỉ những nữ hoàng mới có thể mang viên Kohinoor trên người. Viên kim cương sau đó được gắn lên vương miện của những nữ hoàng kế vị Victoria và được lưu giữ tại tòa Tháp London cho tới ngày nay.

Cho tới nay, tuy Vương quốc Anh tuyến bố nắm quyền sở hữu viên kim cương nhưng Kohinoor vẫn đang bị tranh chấp bởi 3 quốc gia khác là Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan. Qua bao nhiêu triều đại trải dài vài trăm năm và chứng kiến vô số cái chết của những vị quân vương, viên kim cương Kohinoor “sáng nhất trên vương miện Vương quốc Anh” vẫn chưa thoát khỏi lịch sử nhuốm máu đầy tranh chấp.

Quỳnh Hy (theo Hindustantimes)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lịch sử đẫm máu của viên kim cương trên vương miện Nữ hoàng Anh