Hãng tin Anh Reuters ngày 9.8 dẫn 4 nguồn tin giấu tên thuộc chính phủ Trung Quốc, nói Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bất đồng lớn vì cách xử lý chiến tranh thương mại với Mỹ.

Lãnh đạo Trung Quốc bất đồng gay gắt vì chiến tranh thương mại với Mỹ

Trần Trí | 10/08/2018, 17:24

Hãng tin Anh Reuters ngày 9.8 dẫn 4 nguồn tin giấu tên thuộc chính phủ Trung Quốc, nói Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bất đồng lớn vì cách xử lý chiến tranh thương mại với Mỹ.

Hiện Chủ tịch Tập Cận Bình đã nắm chắc quyền lực, nhưng theo Reuters, một làn sóng chỉ trích bất thường về chính sách kinh tế, và cách Trung Quốc xử lý cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tiết lộ những rạn nứt hiếm có trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).

Reuters nói sự rạn nứt trong CPC xảy ra lúc thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ giảm giá trị, chính phủ chật vật giữ nền kinh tế khỏi bị sụp đổ từ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Vài tuần qua, Trung Quốc khuyến khích tăng cường cho vay, hứa sẽ dùng chính sách tài chính (gồm giảm thuế và tăng hỗ trợ cho các chính quyền địa phương) để chống lại suy giảm sức tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc rắc rối vì đề cao bản thân quá mức

Cũng theo Reuters, ông Tập còn phải dập tắt những “vụ cháy lớn” khác, như vụ người dân đang phẫn nộ vụ vắc-xin dỏm.

Hiện lãnh đạo CPC đang họp kín ở khu nghỉ dưỡng cao cấp Bắc Đới Hà. Đây là cuộc họp kín hàng năm, nên ông Tập cùng các quan chức cấp cao không được đề cập nhiều trên mặt báo. Cuộc họp này có thể kéo dài hai tuần, tức trong thời gian đó sẽ không có chính sách nào.

Theo hai nguồn tin biết về những cuộc bàn luận trong giới lãnh đạo CPC, sự phản đối được cảm nhận cả ở cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ, có thể nhằm vào chiến lược gia trưởng Vương Hổ Ninh, một trợ lý thân cận nhất của ông Tập.

Ông Vương là kiến trúc sư trưởng của “Trung Hoa Mộng”, tức tầm nhìn của ông Tập về Trung Quốc vươn tới mục tiêu một quốc gia thịnh vượng và mạnh mẽ. Ông được ông Tập giao nhiệm vụ tạo nên hình ảnh Trung Quốc đề cao chủ nghĩa dân tộc.

Một trong hai nguồn tin có quan hệ thân cận với lãnh đạo Trung Quốc và hệ thống tuyên truyền của CPC, nói với Reuters: “Ông Vương đang gặp rắc rối vì xử lý kém khâu tuyên truyền, đề cao Trung Quốc quá mức”.

Nguồn tin thứ ba có quan hệ thân cận lãnh đạo Trung Quốc, nói trong CPC đang có căng thẳng, vì ông Vương phản đối sự tôn sùng lãnh đạo được dựng quanh ông Tập.

Không thể rõ ông Vương sẽ phải đối mặt với hậu quả nào hay không. Ông Vương vẫn được giới truyền thông nhà nước đưa tin về các hoạt động của ông, các nguồn tin thân cận lãnh đạo Trung Quốc nóisẽ khó có chuyện ông bị đưa ra khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC.

Người phát ngôn của Ban Tuyên giáo trung ương từ chối bình luận về ông Vương và quan hệ của ông với ông Tập, cũng không nói Trung Quốc có hay không có sai lầm trong những tuyên bố về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Vài ngày qua, giới truyền thông nhà nước vẫn có những bình luận thách thức Mỹ và cuộc chiến tranh thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng đã bớt đề cập chính sách công nghiệp Made in China 2025. Mỹ đã phàn nàn chính sách thể hiện những tham vọng về công nghệ của Bắc Kinh.

Kênh truyền hình nhà nước CGTN, phát tiếng Anh để hướng tới người nước ngoài, cũng chú trọng việc dân thường Mỹ sẽ bị tác động thế nào, từ việc hàng hóa tiêu dùng “made in China” rẻ tiền bị tăng giá cao vì bị Mỹ áp thuế mạnh.

Nhưng theo một cố vấn chính sách của chính phủ Trung Quốc đề nghị giấu tên, “đang có cảm giác tăng cao trong chính phủ Trung Quốc rằng viễn cảnh của Trung Quốc quá u tối”, tiếp sau sự suy thoái trong quan hệ Trung-Mỹ về vấn đề thương mại.

Những cảm nhận này cũng được nhiều tiếng nói có ảnh hưởng chia sẻ. “Nhiều nhà kinh tế học và trí thức ngỡ ngàng với chính sách về chiến tranh thương mại của Trung Quốc”, theo một học giả của một tổ chức nghiên cứu chính sách Trung Quốc nói với Reuters, đề nghị giấu tên vì chuyện nhạy cảm.

Nhân vật này nói thêm: “Quan điểm hiện tại của Trung Quốc bị xem là quá cứng rắn, và rõ ràng lãnh đạo đã đánh giásai tình hình”.

Nhận định này ngược với tư tưởng của các học giả Trung Quốc, là những người hồi đầu năm 2018 đã đề cao khả năng chịu đựng cuộc chiến thương mại, vào lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chê trách yếu trình độ chính trị.

Trung Quốc quá tự tin khiến Mỹ cảnh giác

Theo Reuters, hồi tháng 5, Trung Quốc đã ngỡ đạt được một thỏa thuận với Mỹ để tránh chiến tranh thương mại. Nhưng rồi Trung Quốc bị sốc, khi chính phủ Trump không đồng ý với thỏa thuận này.

Vị cố vấn chính sách giấu tên nói: “Vụ việc phát triển từ một xung đột thương mại chuyển thành chiến tranh thương mại, đã khiến nhiều người phải nghĩ lại. Việc này bị cho là có liên quan một số cơ quan và học giả đã thổi phồng sức mạnh của Trung Quốc. Đó là những cơ quan, học giả đã tác động đến nhận thức của Mỹ và thậm chí cả với quan điểm trong nước”.

Một quan chức hiểu rõ nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc, nói đã có sự sai lầm, khi trong cuộc chiến thương mại, nỗ lực đó phát đi dòng tư tưởng rằng ông Trump điên rồ: “Thực tế điều ông ấy sợ là chúng tôi trở nên mạnh mẽ”.

Vẫn theo Reuters, các quan chức dưới trướng ông Tập đã trở nên quá tự tin rằng Trung Quốc đang có vị thế siêu cường lãnh đạo thế giới. Họ rời xa cách hành xử “che giấu sự sắc bén, nuôi dưỡng sức mạnh” của ông Đặng Tiểu Bình, vị cố lãnh đạo có công cải cách kinh tế và mở cửa cho Trung Quốc.

Giới lãnh đạo CPC vẫn kính trọng ông Đặng, trong khi các cựu quan chức có tư tưởng tự do xem ông là thần tượng, ca ngợi ông là một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn.

Một số người nói ông Tập đã rời xa nguyên tắc tập thể lãnh đạo và công cuộc cải cách của ông Đặng, sau khi Quốc hội Trung Quốc hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập làm lãnh đạo cho đến bất kỳ khi nào ông muốn.

Sự tự tin này rất rõ ràng, khi chính phủ Trung Quốc thúc đẩy chương trình Một vành đai một con đường (BRI) để mở các tuyến đường thương mại giữa phương đông với phương tây, đồng thời Bắc Kinh có quan điểm cứng rắn về những vấn đề lãnh thổ, ví dụ Đài Loan và nhất là ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.

Giáo sư Hồ Yên Cương, thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh,là người rất cổ vũ cho quan điểm Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên quyền lực mới trên thế giới.

Vài tuần qua, Giáo sư Hồ Yên Cương bị chỉ trích mạnh, rằng chính ông khiến Mỹ cảnh giác với Trung Quốc, vì ông “thổi phồng” khả năng kinh tế, kỹ thuật và quân sự của Trung Quốc. Theo Reuters, một số quan chức cùng tư tưởng với vị giáo sư.

Nhưng ngày 1.8, một nhóm cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa gởi một thư ngỏ, kêu gọi sa thải Giáo sư Hồ Yên Cươngvìtuyên bố Trung Quốc đã nổi lên như một siêu cường hàng đầu thế giới. Trong thư ngỏ, các cựu sinh viên viết: “Ông Hồ Yên Cương đánh lừa chính sách của chính phủ, khiến nhân dân hoang mang, và khiến các quốc gia khác phải cực kỳ cảnh giác với Trung Quốc, các nước láng giềng sợ Trung Quốc.Nói chung, nó gây hại cho đất nước và nhân dân Trung Quốc”.

Vị giáo sư từ chối bình luận với Reuters.

Vĩnh Thụy (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Trung Quốc bất đồng gay gắt vì chiến tranh thương mại với Mỹ