Siêu dự án khu đô thị Đại Ninh, sau hơn 10 năm thực hiện vẫn chỉ là đống hoang tàn, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lên tiếng
Như Một Thế Giới phản ánh về "siêu dự án hoang tàn giữa đại ngàn Tây Nguyên", Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh (dự án KĐT Đại Ninh), nằm trên địa bàn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (SaiGon Dai Ninh Group) từ năm 2010, với quy mô diện tích hơn 3.595 ha, trong đó có trên 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp. Siêu dự án này có tổng mức đầu tư lên tới hơn 25.000 tỉ đồng với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng, phát triển dự án Đại Ninh đã xảy ra nhiều sai phạm, thiếu sót từ chính quyền sở tại tới chủ đầu tư. Các sai phạm liên quan tới siêu dự án Đại Ninh đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP về việc quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Lâm Đồng.
Đáng chú ý, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi dự án.
Theo quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 22.4.2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được thuê 1.432,49 ha đất lâm nghiệp. Đến tháng 2.2012, tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định 293/QĐ-UBND cho phép công ty này chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu đô thị-du lịch Đại Ninh. Theo đó, tổng diện tích đất phải chuyển đổi mục đích là trên 323,8 ha. trong đó đất ở là 166,567 ha (áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất). Tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là trên 226 tỉ đồng. Sau khi miễn giảm 30% thuế, số tiền công ty này phải nộp chỉ còn trên 158,23 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính. Cơ quan Thuế tỉnh Lâm Đồng xác định, dù đôn đốc nhiều lần số tiền sử dụng đất phải nộp, nhưng công ty này vẫn không nộp. Tính đến tháng 10.2018, số tiền phạt chậm nộp thuế đã lên tới trên 104 tỉ đồng. Công ty này còn nợ số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng trên 6,66 tỉ đồng.
Đáng chú ý, cho đến đầu tháng 10.2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định số 2020/QĐ-UBND điều chỉnh nội dung quyết định trước đây. Theo đó, tỉnh này yêu cầu chưa thực hiện việc chuyển mục đích sang đất ở với diện tích đất trên 166,56 ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012. Theo đó, diện tích đất ở được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và công ty không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với số tiền hàng trăm tỉ này.
Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560m2, 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng…
Thanh tra Chính phủ kết luận: "Việc UBND tỉnh (Lâm Đồng) không ra quyết định thu hồi đất là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng".
Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu, theo Giấy chứng nhận đầu tư, đến ngày 31.12.2018 dự án trên đã hết hạn đầu tư. Nhưng qua xác minh của đoàn thanh tra, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh có nhiều vi phạm, tiến độ không thực hiện đúng cam kết nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng của tỉnh này đã không cương quyết xử lý, chấm dứt hoạt động dự án theo quy định tại khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư 2014.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm chính để xảy ra các vi phạm trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn- Đại Ninh làm chủ đầu tư.
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, xác nhận dự án Đại Ninh tồn tại các sai phạm và đã được Thanh tra Chính phủ nêu tại Kết luận thanh tra nêu trên.
Về việc thực hiện theo Kết luận thanh tra, ông Quận cho hay, cấp trên kết luận và yêu cầu thì địa phương chấp hành. Đến nay, Lâm Đồng cũng đã có các bước xử lý liên quan sự việc. Tuy nhiên, ông Quận từ chối cung cấp rõ việc xử lý tập thể, cá nhân cũng như chủ đầu tư và dự án Đại Ninh ra sao. Ông Quận đề nghị làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng.
Về phần mình, qua điện thoại với PV, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thì cho hay, sau Kết luận số 929/KL-TTCP nói trên, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành phúc tra, hiện chưa có kết luận mới.
Ông Hiệp khẳng định, Thanh tra Chính phủ có kết luận mới, khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tỉnh sẽ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Là một trong những giám đốc sở bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm trong các sai phạm tại dự án, ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Tôi đã có văn bản báo cáo Tỉnh đề xuất thu hồi đất sau khi thu hồi dự án. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư đang xin cấp trên cho tiếp tục đầu tư".
Vì vậy, trước thông tin người dân tại khu vực dự án KĐT Đại Ninh xây dựng mong muốn cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy định pháp luật, thu hồi dự án hoặc tìm nhà đầu tư mới tránh lãng phí tài nguyên, ông Hải cho rằng, dự án này có tiếp tục để SaiGon Dai Ninh Group triển khai hay không thì phải chờ ý kiến chỉ đạo của trung ương.
Liên quan đến dự án KĐT Đại Ninh, ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho hay: "Sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi dự án hồi tháng 6.2020 thì có một đoàn thanh tra khác vào phúc tra lại. Kết quả phúc tra như thế nào thì hiện nay chưa có kết luận cụ thể".
Về phía chủ đầu tư, sau nhiều lần liên lạc, chiều 2.7.2021, PV đã liên hệ được với ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc SaiGon Dai Ninh Group. Tuy nhiên, ông Trí từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới sai phạm của chủ đầu tư cũng như các vấn đề liên quan tới siêu dự án Đại Ninh, ông Trí nói, "có thắc mắc gì thì lên UBND tỉnh mà hỏi".