Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vật lộn để tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và tăng cường hỗ trợ chính trị cho Ukraine, nhưng sẽ bác bỏ lời kêu gọi của Kyiv về việc nhanh chóng gia nhập khối này.
Khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine bước sang tuần thứ ba, EU sẽ nói "Ukraine thuộc về gia đình châu Âu của chúng tôi", theo một tuyên bố dự thảo. Trong khi các nhà lãnh đạo EU cũng dự kiến sẽ ký vào một gói trừng phạt mới không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
“Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của chúng tôi với Ukraine”, tuyên bố dự thảo nêu rõ.
Thế nhưng, những từ ngữ như vậy sẽ khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thất vọng. Ông đã kêu gọi EU cấp cho Ukraine tư cách thành viên nhanh chóng của khối và NATO áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ đất nước mình. Đây là lời kêu gọi mà Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã bác bỏ.
Triển vọng cho Ukraine gia nhập EU đã gây chia rẽ các nước thành viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU tại Cung điện Versailles sang trọng, gần thủ đô Paris của Pháp.
Thủ tướng Krisjanis Karins của Latvia, quốc gia có chung đường biên giới với Nga, nói rằng Ukraine nên được EU cho ứng cử, dù ông thừa nhận điều này chỉ đánh dấu "sự khởi đầu của một con đường dài và khó khăn".
Ông Krisjanis Karins nói với các phóng viên: “Điều quan trọng là phải thể hiện một cánh cửa rõ ràng, rộng mở để trở thành thành viên EU cho Ukraine, rằng con đường rộng mở cho họ”.
Các nước Baltic và Ba Lan ủng hộ nỗ lực của Ukraine nhưng Pháp, Hà Lan cùng các nước khác tỏ ra miễn cưỡng hơn trong việc chấp nhận việc gia nhập EU thường xuyên. Croatia, thành viên mới nhất của EU, đã mất 10 năm để gia nhập EU.
Ukraine đã có các thỏa thuận về thương mại tự do và quan hệ chính trị, kinh tế gần gũi hơn với EU.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết khối có thể cân nhắc việc tích hợp Ukraine vào chương trình trao đổi sinh viên và mời nước này thường xuyên hơn đến các cuộc họp cấp bộ trưởng sau khi cuộc chiến kết thúc.
'Ngày 11.9 của châu Âu'
Cuộc tấn công Ukraine của Nga bắt đầu từ ngày 24.2 đã phá vỡ trật tự an ninh châu Âu. Nga cực lực phản đối việc Ukraine thúc đẩy gia nhập EU và NATO, coi đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Thủ tướng Bỉ - Alexander de Croo nói với nhật báo Le Soir: “Cuộc chiến ở Ukraine này là sự kiện 11.9 của châu Âu”.
Trong cuộc điện đàm chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước hội nghị thượng đỉnh EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nói trong tuyên bố chung rằng cuộc tấn công Ukraine của Nga dẫn đến "sự bất ổn ngày càng tăng, cạnh tranh chiến lược và các mối đe dọa an ninh" với lục địa này.
EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có với Nga, bao gồm cắt 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch SWIFT, nhắm vào đồng minh của nước này là Belarus và đưa các quan chức nhà nước Nga cùng các tỷ phú thân cận với Điện Kremlin vào danh sách đen.
Chiều 10.3, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Roman Abramovich (chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea) và Igor Sechin (Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga) khiến họ bị đóng băng tài sản và cấm đi lại vì có liên quan đến Tổng thống Putin.
Hai tỷ phú này cùng doanh nhân Oleg Deripaska và bốn nhà tài phiệt Nga khác là những nhân vật nổi tiếng bị thêm vào danh sách trừng phạt của Anh kể từ khi Nga tấn công Ukraine và sau những lời chỉ trích rằng Anh đã hành động quá chậm chạp.
Hành động trên khiến kế hoạch bán Chelsea, đội đương kim vô địch Champions League, của Roman Abramovich không thành dù chính phủ Anh cho biết CLB này vẫn có thể tiếp tục thi đấu ở Premier League.
"Không thể có nơi trú ẩn an toàn cho những người đã ủng hộ cuộc tấn công của Putin vào Ukraine. Các biện pháp trừng phạt hôm nay là bước đi mới nhất trong sự ủng hộ vững chắc của Anh với người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ truy lùng những kẻ cho phép giết hại dân thường, phá hủy bệnh viện và chiếm đóng bất hợp pháp các nước đồng minh có chủ quyền", Thủ tướng Anh - Boris Johnson nói.
Igor Sechin, người được Anh mô tả là cánh tay phải của Tổng thống Putin, đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, EU và tuần trước chính quyền Pháp đã thu giữ du thuyền của ông.
Những người khác bị thêm vào danh sách đen của Anh là Oleg Deripaska (người có cổ phần tại En + Group), Dmitri Lebedev (Chủ tịch ngân hàng Bank Rossiya), Alexei Miller (Giám đốc điều hành công ty năng lượng Gazprom) và Nikolai Tokarev (Chủ tịch công ty đặt đường ống quốc doanh Nga - Transneft).
Anh cho biết 7 nhân vật bị thêm vào danh sách trừng phạt có tổng giá trị tài sản ròng là 15 tỉ bảng Anh (19,74 tỉ USD).
Lệnh trừng phạt hôm 10.3 có nghĩa là Abramovich bị cấm thực hiện các giao dịch với các cá nhân và doanh nghiệp Anh, đồng thời không được nhập cảnh hoặc ở lại Anh.
Trong khi Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, các nước EU không đồng ý về thời hạn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga.
EU vẫn trả hàng trăm triệu USD mỗi ngày cho Nga, quốc gia cung cấp hơn 40% lượng khí đốt tự nhiên, hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu và gần một nửa lượng than. Áo, Đức, Hungary và Ý đặc biệt bị ảnh hưởng nếu EU quyết định loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Cả các biện pháp trừng phạt và việc mở rộng thành viên gia nhập EU đều cần sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.