Hàng loạt dự án công nghệ cao của nhà đầu tư nước ngoài tại VN đã quyết định tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất để tiếp cận cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Làn sóng FDI mới tràn vào Việt Nam

Một Thế Giới | 28/07/2015, 05:48

Hàng loạt dự án công nghệ cao của nhà đầu tư nước ngoài tại VN đã quyết định tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất để tiếp cận cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Mới đây, Công ty Bel VN, nhà sản xuất thương hiệu phô mai nổi tiếng Con bò cười của Pháp, đã khởi công xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương với số vốn đầu tư 17 triệu USD, trên diện tích 17.000 m². Nhà máy sẽ vận hành vào giữa năm sau và hoàn thành toàn bộ vào năm 2020, khi đó có công suất gấp 9 lần nhà máy cũ cũng đang ở Bình Dương.

Chiến lược phát triển dài hạn

Ông Chafiq Hammadi, Tổng giám đốc Bel VN, khẳng định nhà máy mới phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn tại thị trường VN và Đông Nam Á khi trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm cho khu vực. “Tận dụng lợi thế là lực lượng lao động có tay nghề, cũng như những chính sách ưu đãi của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), nhà máy sẽ xuất khẩu sản phẩm phục vụ toàn bộ thị trường Đông Nam Á. Trước mắt, công ty sẽ tập trung vào thị trường Philippines, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Lào, tiếp sau đó là Indonesia và Myanmar”, ông cho hay. Trước đây, các sản phẩm của Bel đều được phát triển tại trụ sở chính ở Pháp nhưng sắp tới sản phẩm sẽ được thực hiện ở trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại nhà máy Bình Dương.

Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất có giá trị gia tăng cũng đã chọn VN làm cứ điểm để từ đó xâm nhập vào thị trường khu vực khi VN gia nhập các hiệp định kinh tế tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc AEC. Ban đầu, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư khoảng 300 triệu USD cho nhà máy ở VN (đặt tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng) nhưng sau đó, LG đã quyết định tăng vốn lên 1,5 tỉ USD. Đây cũng là tổ hợp nhà máy có quy mô lớn nhất trong khu vực của LG với diện tích 800.000 m², tập trung sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như ti vi, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi, các thiết bị kỹ thuật số cho ô tô, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhà máy sẽ khánh thành vào cuối năm nay.

Trong lĩnh vực dệt may, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng vào VN để hưởng lợi từ TPP vì trong 12 quốc gia tham gia vào TPP không có những "ông lớn" của dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi hơn 9,25 triệu USD để sở hữu 3% cổ phần tại Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) và đầu tư một số dự án dệt may lớn tại VN. Tập đoàn dệt may Tân Thế Kỷ Viễn Đông (FENC) của Đài Loan cũng quyết định tăng vốn thêm 320 triệu USD để mở rộng công suất tại VN với quy trình khép kín từ sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm vải đến gia công quần áo...

GIẢI NGÂN 6,3 TỈ USD

Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỉ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân được 6,3 tỉ USD, tăng 9,6%. Số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, số dự án cấp mới tăng hơn 15,4% và số dự án tăng vốn tăng 28,3% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với 338 dự án đầu tư đăng ký mới và 190 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,18 tỉ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

FDI sẽ tăng mạnh

VN đang đàm phán FTA (thương mại tự do) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Bên cạnh TPP với quy mô 800 triệu dân (chiếm 38% GDP toàn cầu), còn có FTA EU - VN (EVFTA) với nhiều cơ hội khi 90% hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ hưởng thuế suất 0%, giúp xuất khẩu sang khu vực này sẽ tăng 30 - 40%, nhập khẩu tăng 20 - 25%. Những mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất là nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép. Ngoài ra đã có nhiều hiệp định FTA khác vừa được ký kết như Hiệp định FTA VN - Hàn Quốc cũng đem lại cơ hội xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản... của VN. Hiệp định FTA VN - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ giúp thương mại hai chiều tăng từ 4 tỉ USD lên 10 tỉ trong vòng 5 năm tới. Những FTA này chính là xúc tác để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới cũng như những nhà đầu tư hiện hữu quyết định tăng vốn, mở rộng sản xuất ở VN.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng các FTA, đặc biệt là AEC và TPP, sẽ thúc đẩy xuất khẩu VN tăng trưởng, từ đó kéo theo FDI tăng, tạo thêm nhiều việc làm và giá trị gia tăng cao hơn. Nền kinh tế VN cũng sẽ tiếp cận nhanh hơn với công nghệ, mở rộng thị phần và doanh nghiệp sẽ gia nhập với chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, TS Doanh nhấn mạnh tới ngành dệt may, khi kỳ vọng TPP sẽ mang vẽ cho VN kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỉ USD vào năm 2030. “Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP với nguyên tắc “yarn forward” đòi hỏi hàm lượng TPP phải đạt 55%. Hiện các bên đang đàm phán để có thời gian ân hạn 5 năm và lộ trình từng bước đáp ứng yêu cầu. Đã và sẽ có làn sóng FDI sản xuất và dịch vụ trợ giúp dệt may để đạt yêu cầu này”, TS Doanh phát biểu. Đối với nông nghiệp, ông Doanh dự báo, cơ hội hợp tác VN - Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản là rất lớn.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhấn mạnh 3 vấn đề mà VN được hưởng lợi mạnh mẽ từ TPP là gia tăng thương mại với Mỹ (thị trường lớn nhất trong TPP, yếu tố quan trọng giúp VN phát triển); FDI tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế; thuế quan TPP giảm đáng kể và hàng hóa VN không phải cạnh tranh với Trung Quốc trong TPP.

Hàng loạt tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc đã quyết định mở rộng nhà máy ở VN. Đặc biệt nhất là Samsung. Nhà đầu tư lớn nhất cua Hàn Quốc tại VN này tính đến nay đã đầu tư gần 12 tỉ USD, bao gồm khu phức hợp Samsung Electronics VN (SEV) ở Bắc Ninh; tổ hợp công nghệ tại Thái Nguyên (SEVT); dự án Samsung Vina Electronics (SAVINA) hoạt động từ năm 1996 ở Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM. Mới đây nhất, Samsung Electronics khởi công xây dựng Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) co tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Theo Bộ KH-ĐT, năm 2014 Samsung đã đạt xuất khẩu giá trị 26,3 tỉ USD và dự kiến trong năm 2015 con số này tăng lên khoảng 32 tỉ USD.

 Theo Thanh Niên

Bài liên quan
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làn sóng FDI mới tràn vào Việt Nam