Câu chuyện Big C lại một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận sau khi thời hạn chót cho các doanh nghiệp nộp hồ sơ giành quyền tham gia vòng đấu giá cuối cùng vừa kết thúc vào ngày 10.3 vừa qua, và vấn đề ai sẽ là người sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất miền Bắc này đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Làm gì để Big C không rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài?

Một Thế Giới | 19/03/2016, 14:16

Câu chuyện Big C lại một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận sau khi thời hạn chót cho các doanh nghiệp nộp hồ sơ giành quyền tham gia vòng đấu giá cuối cùng vừa kết thúc vào ngày 10.3 vừa qua, và vấn đề ai sẽ là người sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất miền Bắc này đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Những chủ đề nóng nhất và nhận được nhiều quan tâm nhất của nền kinh tế và xã hội trong những ngày qua là về hoàn thuế hay tình hình khô hạn và xâm mặn trên quy mô lớn tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên nó cũng đang làm giảm sự chú ý vào một vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là cuộc chiến trên thị trường bán lẻ, mà câu chuyện ai sẽ là người sở hữu hệ thống Big C đang là tâm điểm.
Câu chuyện Big C lại một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận sau khi thời hạn chót cho các doanh nghiệp nộp hồ sơ giành quyền tham gia vòng đấu giá cuối cùng vừa kết thúc vào ngày 10.3 vừa qua. Dĩ nhiên, đứng trên góc độ nền kinh tế Việt Nam, thì kịch bản thuận lợi nhất là hệ thống bán lẻ này sẽ về tay một doanh nghiệp trong nước, nhất là khi đã bắt đầu xuất hiện một số tên tuổi nội địa không giấu diếm mục tiêu muốn có được hệ thống bán lẻ này. Nhưng cần phải làm gì để kịch bản Big C không rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài xảy ra?
Đã có quá nhiều phân tích về những lợi thế mà người sở hữu Big C sẽ có được trên thị trường bán lẻ Việt Nam nếu thâu tóm được chuỗi bán lẻ này. Ở thời điểm hiện tại, Big C được đánh giá là hệ thống bán lẻ có quy mô lớn thứ hai trên toàn quốc và chỉ đứng sau hệ thống Saigon Co.op. Tuy nhiên, dù đứng sau Saigon Co.op (với hơn 80 điểm bán hàng) thì Big C lại đang là hệ thống bán lẻ lớn nhất miền Bắc, với 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn, vì đa phần hệ thống bán lẻ khổng lồ của Saigon Co.op chỉ tập trung ở các tỉnh phía Nam trong khi ở miền Bắc lại tương đối hạn chế. Big C đang phủ khắp hầu hết các tỉnh phía Bắc với tổng cộng hơn 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm đồng thời con số khách hàng thành viên đã lên tới 2,8 triệu người.
Với quy mô và thị phần lớn như vậy, không khó để nhận ra rằng người sở hữu Big C sẽ nắm phần lớn thị phần bán lẻ ở miền Bắc đồng nghĩa với việc có tầm ảnh hưởng chi phối đến khá nhiều ngành sản xuất tại khu vực này, vì phần lớn nguồn hàng cung cấp cho hệ thống Big C đều được sản xuất tại thị trường trong nước. Chính vì thế, việc ai là người sở hữu Big C đã vượt ra ngoài khuôn khổ một thương vụ M&A bình thường trên thị trường bán lẻ, mà nó còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn tới rất nhiều lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế.
Trên thực tế, đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy một loạt các lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng sau khi một phần hệ thống bán lẻ trên thị trường rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, khi các nhà đầu tư này chủ trương nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài về thế chỗ cho các mặt hàng có xuất xứ từ trong nước. Vì vậy, đứng trên góc độ tạo sự ổn định vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam, thì kịch bản lý tưởng nhất là Big C thuộc về một doanh nghiệp trong nước. Nó không chỉ giúp ổn định tình hình sản xuất nội địa trong hàng loạt các lĩnh vực, mà còn giữ lại phần lớn lợi nhuận ở lại trong nước thay vì chuyển ra nước ngoài như khi Big C còn là tài sản của tập đoàn Casino của Pháp.
Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất ngăn cản các doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu mua lại Big C là vấn đề tài chính. Theo các chuyên gia, hệ thống Big C Việt Nam đang được định giá khoảng 800 triệu USD cho việc sở hữu toàn bộ cổ phần, đây cũng là mức giá mà tập đoàn Aeon của Nhật Bản đã đưa ra trong thời gian qua. Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg thì đã có một lời đề nghị lên tới 1 tỉ euro (tương đương 1,11 tỉ USD) cho việc sở hữu Big C.
Sở dĩ có mức giá cao như vậy là vì ngoài giá trị thực của Big C, thì tập đoàn Casino cũng muốn bán tất cả cổ phần thay vì chỉ bán ở mức 51%, một mức đủ để nắm quyền kiểm soát hệ thống bán lẻ này. Và đây cũng là rào cản chủ yếu ngăn chặn các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đấu thầu. Kể cả hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước là Saigon Co.op cũng không đủ khả năng tài chính lớn đến thế, dù hệ thống bán lẻ này có doanh thu lên đến hơn 1 tỉ USD mỗi năm thì thực chất nguồn vốn có thể điều động cũng chỉ khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. 
Vì thế, để kịch bản Big C thuộc sở hữu của một doanh nghiệp Việt Nam, thì yếu tố mấu chốt là cần sự hỗ trợ về tài chính. Dĩ nhiên 1 tỉ USD là một con số lớn, nhưng lợi ích từ việc Big C thuộc về doanh nghiệp nội địa thì còn lớn hơn nhiều, không chỉ về lợi nhuận khi tổng doanh thu hàng năm của hệ thống Big C trên toàn quốc là khoảng 500 triệu USD, mà còn là các lợi ích từ sự ổn định nền sản xuất trong nước và cùng với đó là giữ lại trong nước một miếng bánh lớn trên thị trường bán lẻ.
Trong cuộc trao đổi giữa Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng với Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) thì dường như việc giữ được thị trường bán lẻ không được để rơi vào tay người nước ngoài đang trở thành định hướng trong nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước có thể nhận được sự hỗ trợ trong việc tham gia đấu thầu quyền sở hữu Big C.
Có lẽ đó là lý do vì sao trong cuộc đua giành quyền sở hữu Big C đang bắt đầu xuất hiện những tên tuổi trong nước, một điều vượt ra ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Theo hãng tin Wall Street Journal thì hiện có hai tên tuổi trong nước là Saigon Co.op và Masan đã nộp hồ sơ tham gia cuộc đấu thầu mua lại Big C, ngoài ra dường như vẫn còn một ứng cử viên khác đến từ trong nước. Đây là điều được xem là nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, khi mà trước đó cả Saigon Co.op lẫn Masan đều không được xem là có đủ tiềm lực tài chính trong việc thâu tóm một hệ thống bán lẻ có giá trị lên tới cả tỉ USD như Big C.
Câu chuyện ai sẽ là người giành được Big C vẫn chưa ngã ngũ, khi mà tập đoàn sở hữu hệ thống này là Casino sẽ mở một vòng đấu thầu thứ hai trong thời gian tới. Kịch bản hoàn hảo nhất dĩ nhiên là một doanh nghiệp trong nước sẽ giành được hệ thống bán lẻ lớn nhất miền Bắc này.
Kịch bản thuận lợi xếp sau là người chiến thắng là các tập đoàn của Nhật Bản và Hàn Quốc như Aeon hay Lotte, vì nhiều khả năng hai tập đoàn này sẽ giữ lại nguyên vẹn hệ thống cung cấp sản phẩm hàng hóa của Big C trước đây, nghĩa là nền sản xuất trong nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Kịch bản tệ nhất, về lý thuyết, là Big C rơi vào tay các tập đoàn Thái Lan, khi viễn cảnh các tập đoàn này thúc đẩy nhanh dòng chảy hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan vốn đang diễn ra ồ ạt trong thời gian qua gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Khi mà hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan vào thị trường Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn, thì việc phần lớn hệ thống bán lẻ nằm trong tay các ông chủ Thái có thể giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn. Hàng hóa Thái Lan sẽ thế chỗ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị nhiều hơn, dù về cơ bản điều này đang đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng, thì nó cũng sẽ khiến cho nền sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để Big C không rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài?