Từ đầu tháng 6, lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, lãi suất sẽ khó giảm sâu trong thời gian tới do cuộc đua cạnh tranh huy động vốn giữa các nhà băng sẽ càng ngày gat gắt.

Lãi suất tiết kiệm giảm, cạnh tranh huy động vốn vẫn chưa hết nóng

03/06/2020, 20:10

Từ đầu tháng 6, lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, lãi suất sẽ khó giảm sâu trong thời gian tới do cuộc đua cạnh tranh huy động vốn giữa các nhà băng sẽ càng ngày gat gắt.

Lãi suất tiết kiệm sẽ khó giảm sâu - Ảnh: Internet

Ngân hàng lớn đồng loạt hạ lãi tiết kiệm

Theo đó, Vietinbank vừa điều chỉnh giảm lãi suất nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng giảm 0,1 %, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 2 tháng giảm 0,3 %; kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm đến 0,45 %, từ 4,7%/năm xuống còn 4,25%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng được huy động cùng mức lãi suất 4,9%/năm, giảm 0,2 %.

Trong khi đó, tại Vietcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giảm xuống còn 4,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,5%/năm. BIDV giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống 6,5%/năm, lãi suất của kỳ hạn 9 tháng là 5,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng xuống còn 4,9%năm.

Lãi suất tiền gửi của Agribank đối với kỳ hạn 6,7,8 tháng cũng giảm còn 4,9%/năm; kỳ hạn 9,10,11 tháng xuống 5,1%/năm. Còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang niêm yết ở mức 6,5%.

Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm thêm từ 0,3-0,5 % ở các kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn 12, 13 tháng. Nguyên nhân là do gần đây Ngân hàng Nhà nước mạnh tay bơm thêm tiền ra thị trường, làm cho thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cũng cho biết lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn 6-12 tháng giảm 0,2% tại hầu hết các ngân hàng thương mại trong khi xu hướng của lãi suất huy động kỳ hạn hơn 12 tháng có sự phân hóa rõ hơn.

Lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài hạn ghi nhận sự sụt giảm mạnh hơn so với các lần hạ lãi suất điều hành trước. Tuy nhiên, mức giảm lần này vẫn yếu hơn so với tốc độ giảm ở lãi suất cho vay.

Lãi suất sẽ khó giảm sâu do cạnh tranh huy động vốn

KBSV phân tích sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện cắt giảm hàng loạt lãi suất điều hành vào ngày 12.5, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày của Ngân hàng Nhà nước liên tục đáo hạn với tổng giá trị tính đến ngày 28.5 là gần 120.000 tỉ đồng cùng với tín dụng tăng trưởng thấp khiến nguồn vốn dư thừa trong hệ thống ngân hàng.

Không những vậy, những nỗ lực của các ngân hàng thương mại để bù đắp cho sự cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19 thời gian gần đây đã khiến lãi suất tiền gửi trung và dài hạn giảm nhanh hơn so với hai lần cắt giảm lãi suất trước đó của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, lộ trình siết tỉ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10.2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và tạo áp lực lên tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) 0,01-0,25% trong năm nay.

Các ngân hàng có tỷ lệ huy động ngắn để cho vay trung, dài hạn gần chạm mức quy định của Ngân hàng Nhà nước bao gồm Techcombank, HDBank và LienViet Post Bank sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi phải đưa ra lãi suất huy động phù hợp để thu hút tiền gửi dài hạn.

“Chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ chỉ duy trì trong ngắn hạn khi áp lực huy động vốn của các ngân hàng thương mại sẽ tăng trong thời gian tới. Áp lực huy động nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới do các ngân hàng cần cơ cấu lại nguồn vốn huy động khi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 37% có hiệu lực vào tháng 10.2020. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ chịu tác động từ cạnh tranh lãi suất huy động.

Cạnh tranh về lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì khi các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ sử dụng công cụ lãi suất huy động cao để thu hút khách hàng. Điều này sẽ hạn chế các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại lớn có thể hạ lãi suất. Mặc dù việc phục hồi sau COVID-19 sẽ giảm áp lực giải ngân các khoản cho vay ưu đãi và giúp lãi suất cho vay được cải thiện trong các quý tới”, KBSV nhìn nhận và dự báo NIM sẽ giảm 10- 25 điểm cơ bản từ mức 3,3% -3,4% trong năm 2019.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm giảm, cạnh tranh huy động vốn vẫn chưa hết nóng