1tg - Bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm nhưng dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng. Trong khi đó, tín dụng cũng bắt đầu hồi phục trở lại và Ngân hàng Nhà nước đặt ra kỳ vọng hết năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức tối ưu là 9-10%.

Lãi suất giảm, tín dụng nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan

Phan Diệu | 05/10/2020, 19:05

1tg - Bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm nhưng dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng. Trong khi đó, tín dụng cũng bắt đầu hồi phục trở lại và Ngân hàng Nhà nước đặt ra kỳ vọng hết năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức tối ưu là 9-10%.

Tín dụng bắt đầu tăng trưởng mạnh

Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, diễn biến của tín dụng trong tháng 9 vừa qua cho thấy dấu hiệu tích cực trong vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, từ đó cho thấy diễn biến khả quan của nền kinh tế. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4,75%, nhưng đến hết tháng 9 đã đạt khoảng 6,1%.

trai-phieu-doanh-nghiep.jpg

Trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, quý 1 tín dụng tăng rất chậm, quý 2 tăng nhanh hơn một chút, nhưng vẫn trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực nên kết quả đạt được trong quý 3 vừa qua là rất đáng mừng.

Một số lĩnh vực như nông nghiệp - nông thôn tăng 5% và xuất khẩu tăng 7%, kể cả lĩnh vực được đánh giá là vẫn còn khó khăn đều có mức tăng trưởng tín dụng tích cực và cao hơn mức tăng chung.

“Điều này cho thấy trong điều kiện vẫn còn khó khăn có khoản nợ cũ, nhưng doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tiếp cận các khoản vay mới do được các tổ chức tín dụng giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ cũ”, ông Tú nói.

Trong 3 tháng còn lại của năm 2020, lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và hoạt động của doanh nghiệp cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tích cực thì dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%, khoảng trên 9% là mức khả thi.

Để đạt được mục tiêu đó, NHNN đã đề ra nhiều giải pháp, song ông Tú đánh giá giải pháp quan trọng nhất chính là giảm lãi suất. “NHNN cho rằng việc hạ lãi suất là giải pháp cơ bản, quan trọng cho tín dụng mở rộng. Cùng với nhiều chính sách về tín dụng, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn thông qua cơ chế hỗ trợ về thuế, tài chính... Trên cơ sở các điều kiện thực tế như vậy, NHNN đặt ra kỳ vọng hết năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức tối ưu là 9-10%”, Phó Thống đốc nói thêm.

Tiền vẫn liên tục đổ vào ngân hàng

Từ tháng 9 đến nay, lãi suất tiền gửi tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm sâu xuống mức rất thấp, kể cả những "ông lớn" ngân hàng cũng nhập cuộc. Điển hình như Techcombank thông báo điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,4%/năm so với đầu tháng 9. Nam A Bank cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng còn 3,95%/năm, 6 tháng ở mức 6,3%/năm, 12 tháng ở mức 7%/năm. Tương tự, HDBank giảm lãi suất tiết kiệm khoảng 0,15%/năm, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng còn 3,8%/năm, 6 tháng 5,8%/năm, 12 tháng từ 6,4 - 7,4%/năm…

Biểu lãi suất mới của VP Bank từ giữa tháng 9 cũng điều chỉnh giảm 0,1% tại một số kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Còn ở Vietcombank, lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1 tháng đã giảm về 3,3%/năm, 3 tháng xuống 3,6%/năm và 6 tháng chỉ còn 4,2%/năm.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) có mức lãi suất thấp nhất hệ thống. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 4,4 - 4,5%/năm và 3 - 5 tháng là 3,5 - 3,8%/năm và không kỳ hạn là 0,1%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,7 - 4,1%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4 - 6,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6- 7,1%/năm. Với mặt bằng huy động như trên, lãi suất cho vay cũng dao động cùng chiều.

Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, đặc biệt là lần thứ 3 (áp dụng từ ngày 1.10) đã có hiệu lực tức thì. Cộng hưởng lại mức giảm sau 3 lần là khoảng 1,5-2% đã tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp hơn.

Ngoài ra, bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã giảm chi phí, giảm các điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế vấn đề hỗ trợ thông qua hạ lãi suất, kể cả việc cho vay mới hay các khoản vay cũ đều tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

 

Bài liên quan
Ngân hàng 'đau đầu' vì nợ xấu
Nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn nhất đối với ngành ngân hàng và vấn đề này càng "nhức nhối" hơn khi tác động của đại dịch lớn hơn hẳn so với dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất giảm, tín dụng nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan