Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ ở các kỳ hạn từ 2 tuần trở xuống, thế nhưng lại giảm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng.

Lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ

Một Thế Giới | 28/01/2016, 20:49

Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ ở các kỳ hạn từ 2 tuần trở xuống, thế nhưng lại giảm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố chiều 28.1, tính từ ngày 18.1 đến ngày 22.1, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đạt xấp xỉ 118.186 tỉ đồng (bình quân 23.637 tỉ đồng/ngày). So với tuần đầu tháng 1, chỉ số này giảm 4.746 tỉ đồng. Nếu từ USD quy đổi ra VND, số tiền đạt 42.910 tỉ đồng (bình quân khoảng 8.582 tỉ đồng/ngày), giảm 10.594 tỉ đồng so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm khi chiếm 38% tổng doanh số giao dịch VND và kỳ hạn 1 tuần chiếm 28%. Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 60% và 27% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Về lãi suất, so với tuần trước, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ ở các kỳ hạn từ 2 tuần trở xuống nhưng lại giảm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng lần lượt 0,07% và 0,03%/năm lên các mức 4,74% và 4,97%/năm. Ngược lại, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm 0,03%/năm xuống 5,11%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng các kỳ hạn tăng giảm trái chiều. Theo đó, lãi suất bình quân tăng 0,01%/năm và 0,05%/năm ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhưng giảm 0,15%/năm ở kỳ hạn 3 tháng.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tương đối ổn định. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất là 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Lãi suất áp dụng cho kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay USD thì phổ biến ở mức 2,8-6,3%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3-6,2%/năm.
Nhận định về lãi suất cho vay trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cho biết NHNN vẫn đang trong giai đoạn cố gắng ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không giảm được thì đề nghị các ngân hàng ổn định lãi suất, không tăng lãi suất, có điều kiện nên giảm lãi suất cho vay. Tăng lãi suất cho vay trong điều kiện gia nhập các cộng đồng kinh tế thế giới thì sẽ làm tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Minh chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công điện của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27.11.2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ