Sai sót về kiến thức, tư tưởng ở mức độ sâu như vậy, được phát ngôn ra chính thức và rộng rãi bởi đài truyền hình nhà nước và gặp phản ứng bất bình của xã hội tới mức như vậy, là đã ở tầm vóc khủng hoảng. Vậy mà cách xử lý khiến nhiều người không hài lòng.

Ký sinh trùng ngoài da hay trong tiềm thức?

20/08/2020, 16:47

Sai sót về kiến thức, tư tưởng ở mức độ sâu như vậy, được phát ngôn ra chính thức và rộng rãi bởi đài truyền hình nhà nước và gặp phản ứng bất bình của xã hội tới mức như vậy, là đã ở tầm vóc khủng hoảng. Vậy mà cách xử lý khiến nhiều người không hài lòng.

BTV Anh Quang gọi người bán hàng rong là ký sinh trùng - Ảnh chụp màn hình

Biên tập viên VTV Anh Quang, khi dùng từ “ký sinh trùng” trong phóng sự nói về những người bán hàng rong tại TP.HCM, đã nhận nhiều phản đối. Anh cũng đã gửi lời xin lỗi qua... Facebook!

Có những tút (status) khuyên không nên nặng lời với Anh Quang. Chỉ là một sai sót thôi mà! Ở đời, ai mà chẳng có lúc vấp ngã. Hãy để bạn ấy có cơ hội đứng lên. Tôi có xem lại clip, đoạn Anh Quang nói về “ký sinh trùng”. Tôi cũng đồng cảm với những lời khuyên đó. Đúng vậy, không nên khắt khe quá với một người.

Bài này nhận xét về sai sót đó, không coi là sai sót của một cá nhân, mà của một tập thể, đài VTV. Cũng không phải chỉ là một sai sót nhỏ, mà qua sai sót cho thấy những sai sót nền tảng quan trọng ở tầng sâu hơn!

Trước hết là sai sót trong cách dùng từ “ký sinh trùng”. Đó là sai sót về từ vựng và/hay sai sót văn phạm mà nhiều người đã đề cập.

Kế đó là sai sót trong nền tảng ngữ nghĩa tiếng Việt. Một người Việt bình thường cũng biết từ “ký sinh”, “ký sinh trùng”, nếu không phải dùng để chỉ một cách tương tác sống trong sinh học, thì có ý nghĩa chỉ một cách sống xấu xa trong xã hội loài người. Ăn bám, lợi dụng, bóc lột, ăn cắp… công sức, tiền bạc của người khác. Cho nên, dầu nhắm mắt bỏ qua các lỗi về từ vựng, văn phạm đi nữa, người ta vẫn thấy trong trường hợp này (khi nói về những người bán hàng rong) tuyệt đối không được dùng những từ hay cụm từ liên quan tới từ ký sinh. Dùng như vậy gieo một cảm nhận không hay ho chút nào về đối tượng muốn nói tới, và từ đó mà số đông phản ứng.

Tiếng Anh có thành ngữ nói “ngôn ngữ là vật chuyên chở suy nghĩ”. Dùng từ hay cụm từ liên quan tới ký sinh trong khi đề cập tới giới “buôn bán hàng rong” cho thấy từ trong tiềm thức, suy nghĩ của người phát biểu cũng ít hay nhiều cho rằng gánh hàng rong sống bám. Nếu muốn nói họ sống nhờ vào lề đường thì có nhiều cách diễn đạt khác! Vậy, sai sót này không chỉ trên khía cạnh ngôn ngữ mà có gốc rễ từ nền tảng sâu hơn ở bên trong.

Xã hội là một cấu trúc trong đó mọi thành phần sống phụ thuộc vào nhau, nhờ cậy nhau, nâng đỡ nhau. Cái gì tồn tại, cái đó có lý. Nền kinh tế vỉa hè Việt Nam còn nuôi sống được không ít người lao động vì nó có ích mặt này hay mặt khác cho nền kinh tế chung hiện nay. Nó giúp phục vụ cho một số nhu cầu trong xã hội, ít nhất là phân phối hàng hóa nhỏ và rẻ tiền tới tận hang cùng hẻm nhỏ. Ngày nào mà các kênh phân phối khác đảm nhiệm được việc này tiện lợi hơn, hiệu quả hơn, các gánh hàng rong sẽ dần dần biến mất. Khi nó còn hoạt động được, nghĩa là vẫn còn một giới nào, một thành phần nào trong xã hội cần nó. Nó không ký sinh!

Quan niệm rằng giới buôn bán hàng rong ký sinh là quan niệm sai lầm. Trong xã hội, hoạt động của các giới, từ công nhân vệ sinh, buôn gánh bán bưng, lực lượng vũ trang, nhà nghiên cứu khoa học công nghệ, giới kinh doanh cho tới những người lãnh đạo xã hội, quốc gia… tất cả hoạt động đều xuất phát từ xã hội nhằm đáp ứng một nhu cầu có thật của xã hội. Tất cả các giới đều là chủ thể bình đẳng của xã hội. Một quốc gia được coi là phát triển, văn minh khi có cách tổ chức sao cho sự bình đẳng giữa các chủ thể đó được bảo đảm bởi luật pháp quốc gia. Luập pháp quốc gia nào chưa bảo đảm tính bình đẳng đó cho xã hội, luật pháp đó chưa hướng về tiến bộ.

Kiến thức này, quan điểm này phải được xiển dương, giáo dục rộng rãi trong học đường, xã hội và phải là điều tâm niệm của bộ máy hành chính công. Môi trường giáo dục, văn hóa lành mạnh khó sinh ra trường hợp “nhịu lời” như đã xảy ra.

Sai sót ở mức độ kiến thức, tư tưởng sâu như vậy, được phát ngôn ra chính thức và rộng rãi bởi đài truyền hình nhà nước VTV và nhận phản hồi không hài lòng của xã hội tới mức như vậy, là đã ở tầm vóc khủng hoảng. Vậy mà cách xử lý khiến nhiều người không vừa lòng.

Trước hết là việc biên tập viên Anh Quang xin lỗi khán giả và giới bán hàng rong, không phải xin lỗi trên đài VTV mà trên một trang "phây". Nội dung xin lỗi lại đổ do lời nói “nhịu”. Người đọc cảm nhận mình đang đọc lời phân trần giả dối hơn là lời xin lỗi chân thành. Phải hai ngày sau, đài VTV mới chính thức cử biên tập viên Thu Hương xuất hiện trên đài xin lỗi.

Rõ ràng, cách xử lý khủng hoảng có vấn đề. Vấn đề này ở kỹ thuật xử lý hay ở lòng chân thành nhận lỗi? Nhà đài có thấy mức độ sâu sắc của vấn đề không? Không ai biết được suy nghĩ của đài, nhưng phản ứng của số đông người cho thấy cảm nhận của họ. Mà trong truyền thông, cảm nhận là điều quá quan trọng!

Biên tập viên Anh Quang là người chịu nhiều búa rìu dư luận. Nhưng dư luận không chỉ phản ứng với sai sót của cá nhân anh, mà là phản ứng cả với các sai lầm có nền tảng xuất phát từ bên trong môi trường tư tưởng nơi anh làm việc, công tác.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký sinh trùng ngoài da hay trong tiềm thức?