Ngày 15.11.2024, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Theo dòng thời sự

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Theo Tạp chí Cộng Sản 16/11/2024 13:27

Ngày 15.11.2024, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Các đồng chí chủ trì hội thảo - Ảnh: Minh Khôi

Hội thảo có TS Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS-TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Lại Xuân Môn nhấn mạnh: Tổng Bí thư Tô Lâm, trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, đã đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định. Đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, vấn đề mới cả về lý luận lẫn thực tiễn cần được nghiên cứu, luận giải thấu đáo, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Bàn về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, GS-TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, kỷ nguyên mới là khoảng thời gian đất nước, dân tộc phải vươn lên mãnh liệt, phấn đấu thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược, tạo sự phát triển vượt bậc ở một tầm cao mới, trình độ mới, chất lượng mới, xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho bước phát triển đột phá kế tiếp. Kỷ nguyên tiếp nối kỷ nguyên tạo thành lịch sử phát triển liên tục, từ thấp đến cao, ngày càng hoàn thiện của một quốc gia, dân tộc. Những thành tựu lịch sử đạt được qua hai kỷ nguyên đấu tranh, lao động sáng tạo bền bỉ đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu từ Đại hội XIV của Đảng.

GS-TS Phùng Hữu Phú đề xuất các yêu cầu lịch sử trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bao gồm: (i) kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại; (ii) yêu cầu có ý nghĩa đột phá trong kiến tạo kỷ nguyên mới là đột phá về tư duy, nhận thức; (iii) tạo đột phá trong huy động, sử dụng tối ưu các nguồn lực còn rất tiềm tàng của đất nước; (iv) phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam; (v) nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Đảng thật sự là đạo đức, văn minh, thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, của thời đại.

Đề cập đến khái niệm, nội hàm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, có thể nhận thấy là chưa khi nào khái niệm, nội dung của khái niệm thời đại, kỷ nguyên phát triển của Việt Nam lại hội nhập sâu với quốc tế như vậy. Điều này khẳng định kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam mang trong mình những giá trị thời đại - và đây là bối cảnh/điều kiện/vận hội lịch sử để kỷ nguyên phát triển tiếp tục đưa dân tộc ta phát triển xứng tầm thời đại. Dân tộc Việt Nam đã hội tụ, tích tụ những giá trị/nguồn động lực mạnh mẽ cho bước chuyển mình lớn lao - kỷ nguyên vươn mình. Khởi điểm của kỷ nguyên vươn mình hội tụ những giá trị của dân tộc và thời đại; của truyền thống và đương đại; của vật chất và tinh thần; của thực lực, nội lực và khát vọng. Đổi mới là thời kỳ khởi động, tích lũy năng lượng và chạy đà để dân tộc vươn mình phát triển. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bắt nguồn từ thời kỳ đổi mới, công cuộc đổi mới và sẽ nâng tầm công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước ta.

PGS-TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu - Ảnh: Minh Khôi

Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trở thành tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Tại Việt Nam, đây cũng là một nội dung quan trọng, có tính cấp thiết đặt ra trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Theo PGS-TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, trong bối cảnh hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị quốc gia và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với Việt Nam, sự thay đổi này mang lại cả cơ hội và thách thức, khi quốc gia không chỉ phải nâng cao hiệu quả quản trị mà còn phải nắm bắt thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Để xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần chú ý một số giải pháp, trong đó cần nâng cao nhận thức của mọi chủ thể trong xã hội về khát vọng phát triển quốc gia; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình mới; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng dân chủ, pháp quyền, kiến tạo sự phát triển theo đúng quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cần có sự đột phá về tư duy để giải quyết bài toán thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”; nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; huy động sự tham gia của các chủ thể vào quản trị quốc gia.

Bàn thảo về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, những kết quả đạt được sau 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ba trụ cột cốt lõi của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ba trụ cột này có mối quan hệ biện chứng, tác động ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Nền tảng của ba trụ cột là nhân dân, “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân là trung tâm”, dân vừa là mục tiêu vừa là động lực, nguồn lực cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ sở, nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21.10.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một luận điểm quan trọng, đó là trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế chính là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ chế tài chính cũng là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Trong kỷ nguyên công nghệ số, khoa học - công nghệ là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của mọi quốc gia. Ông Nguyễn Quân kiến nghị, vấn đề cần được lưu tâm đó là đồng bộ hóa các quy định pháp luật để tư duy đổi mới cơ chế tài chính cho phát triển khoa học - công nghệ có tính khả thi, tháo gỡ được "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn", tránh tình trạng như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã có quy định, thậm chí là nghị định của Chính phủ, thông tư cũng được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng nhiều cơ chế, chính sách mới chưa đi vào cuộc sống...

Bước vào kỷ nguyên mới, nhiệm vụ tiếp tục cải cách mô hình tổ chức và hoạt động của từng thiết chế thành viên của hệ thống chính trị và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Đảng, của bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nếu chậm được khắc phục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

TS Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu kết luận hội thảo - Ảnh: Minh Khôi

Do đó, để xây dựng, đổi mới, hoàn thiên tổ chức bộ máy của các thiết chế trong hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trước yêu cầu mới, PGS-TS Lê Minh Thông đề nghị cần: (i) Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, với trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; (ii) Sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhà nước, rõ về chức năng, tinh gọn về tổ chức, hiệu quả về hoạt động, ngang tầm yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới; (iii) Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, nhà nước hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; (iv) Dựa vào nhân dân để đổi mới hệ thống chính trị.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lại Xuân Môn khẳng định, sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học. Đồng thời, nhấn mạnh thêm một số vấn đề trọng tâm, gồm:

Một là nhận thức về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước. Thống nhất xác định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, thời điểm chúng ta hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại.

Hai là bước vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Ba là các ý kiến tham luận đề cập đến yêu cầu triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh một số trọng tâm về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát triển kinh tế và cách mạng chuyển đổi số và chống lãng phí.

Những kiến của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo sẽ cung cấp luận cứ khoa học vững chắc, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Bài liên quan
Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Nhân ngày Pháp luật Việt Nam 9.11, Một Thế Giới xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết "Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới" của TS Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 18.11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Một Thế Giới trân trọng đăng tải nguyên văn bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn