Chuyến “xuất ngoại” của toán Fulro do Traghiđin dẫn đầu là chuyến cuối cùng trong phương án “câu nhử” với thế trận do ta chủ động. 

Kỳ cuối-Trận đánh tổng lực

Một Thế Giới | 15/04/2015, 14:55

Chuyến “xuất ngoại” của toán Fulro do Traghiđin dẫn đầu là chuyến cuối cùng trong phương án “câu nhử” với thế trận do ta chủ động. 

Đến đây, BCA Cao Nguyên F101 nhận định những toán Fulro còn lại trong căn cứ TW ở khu vực Núi Voi thuộc thành phần quá khích, ngoan cố do đó nếu tiếp tục áp dụng biện pháp “câu nhử” như trước đây sẽ không thành công. 

Từ nhận định này lãnh đạo BCA đã quyết định chấm dứt kế họach này và chuyển sang phương án mới là đánh tổng lực vào tổ chức Fulro còn lại trên khắp các địa bàn chứ không riêng gì tỉnh Lâm Đồng. Song song đó vẫn sử dụng những đối tượng Fulro về hàng ta trước đây viết thư kêu gọi bạn bè, người thân của mình còn lại trong hàng ngũ Fulro trở về với chính nghĩa, với buôn làng. 
Một thế trận, hai cánh cửa
Hai biện pháp “đánh tổng lực” và “kêu gọi ra hàng” đã kết hợp nhịp nhàng thế trận vừa cương vừa nhu, trong nhu có cương, trong cương có nhu đã tỏ ra có hiệu quả trong “một thế trận, hai cánh cửa”. Ngay sau đó một loạt các đối tượng “cộm cán” của Fulro về hàng ta như: Rơ Ông Đông, Tam Bou Sun, thiếu tá, Phó tư lệnh vùng 4 Fulro; Kara Jăn Ha xuyên trung tá Tư lệnh quân khu 4; K,Diệp (tự Hà Búp Bê) Tư lệnh phó Biệt khu thủ đô TW Fulro; K,Vênh trung tá chỉ huy vùng Đầm Ròn; Tou Néh Đen thiếu tá tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang đã đưa khoảng 200 đối tượng Fulro gồm bạn bè, chiến hữu và gia đình ra hàng. 
Thắng lợi này đã có sức lay động đến một lực lượng khác của Fulro khoảng 100 “chiến binh” đóng quân rải rác trên nhiều địa bàn của Lâm Đồng sau những ngày dạt sang biên giới Campuchia bị bỏ rơi, đói khát đã tìm đường quay trở về và ra hàng ta. Tất cả những đối tượng này đều được chính quyền cấp đất để làm nhà ở, cấp lương thực sinh sống trong thời gian ổn định cuộc sống mới.
Hầu hết những người này về sau đã có cơ ngơi, kinh tế khá giả như các ông: Hà Búp Bê ở thôn Đa Me xã Nthol Hạ, Đức Trọng trồng cà phê, mỗi năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng, ông Tam Bou Sun làm công an xã Gia Ninh, Đức Trọng, ông Rơ Ông Đông ngụ thôn 4 xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng là một già làng uy tín, nổi tiếng làm kinh tế giỏi, ông cũng là người xây căn nhà “hoành tráng” đầu tiên của thôn vào năm 1993. 
Nhìn tổng quát vấn đề Fulro, trong vòng 10 năm (từ 1977-1987) kết hợp các biện pháp để giải quyết, ta đã thực hiện khoảng 55 chuyên án hầu hết trên toàn địa bàn Tây Nguyên, trong số đó chuyên án Cao Nguyên F101 là một trong những chuyên án lớn và nổi bật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua chuyên án này và 2 biện pháp đấu tranh ôn hòa và đánh tổng lực đã giúp cơ quan an ninh đánh giá rõ hơn nội tình của Fulro, tạo bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro không chỉ ở địa phương mà còn trên toàn địa bàn Tây Nguyên. 
        Một mô hình tương tự là chuyên án F384 diễn ra từ tháng 3-1984 đến tháng 7-1985 của CA tỉnh Đăk Lăk. Chuyên án này đã thu được thắjng lợi lớn là lôi kéo số Fulro ly khai người M, Nông ở Đăk Mil, Đăk Nông, Đăk Lăk gồm 47 đối tượng, diệt 2 đối tượng ngoan cố và đặc biệt là phá rã một chính quyền Fulro cấp xã, giải quyết cơ bản một bộ phận Fulro người M.Nông đồng thời ngăn chặn âm mưu thành lập tổ chức Fulro mới do người M.Nông lãnh đạo. Thành quả này đã góp phần tác động, đẩy nhanh tiến trình làm tan rã tổ chức Fulro ở Tây Nguyên.
Fulro tan rã trên toàn Tây Nguyên
Một số chuyên án khác như: chuyên án T107 đấu tranh với số cầm đầu quân khu 1 Fulro, chuyên án T108 đấu tranh với số đối tượng chỉ huy Fulro quân khu 2, chuyên án Y384 đấu tranh với nhóm đối tượng đặc biệt của “Bộ quốc phòng” Fulro, chuyên án F485 của CA 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum và Đăk Nông-Đăk Lăk đấu tranh với số chỉ huy Fulro quân khu 4 và một số đối tượng thuộc một bộ phận của “Bộ tổng tham mưu” do đại tá Ênuôl M,Một cầm đầu. Đặc biệt chuyên án F101 đã thu được thắng lợi hết sức quan trọng là giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro người Chăm năm 1984, tiêu diệt, bắt, gọi hàng hơn 500 Fulro ở các căn cứ trong rừng và bóc gỡ khoảng 2.000 cơ sở Fulro trong hệ thống buôn, ấp.
Một trong những thành quả đáng kể của chuyên án F101 là năm 1983, trung úy Nguyễn Đức Hiệp lúc đó và là đại tá Giám đốc CA Lâm Đồng sau này đã đưa quân đánh tan căn cứ của Fulro tại núi Voi, tiêu diệt tên thiếu tá B,Ré Niê còn có tên là Y Giôn kẻ đã cầm đầu toán Fulro Ê Đê quá khích bắtcác đồng chí Lâm Văn Thạnh (Ba Bình), Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi, Nguyễn Tư Cho và bắn chết anh hùng Lâm Văn Thạnh. Riêng trường hợp ông Paul Yưh đệ nhị Phó thủ tướng về sau đã chết tại Đăk Lăk, có thông tin cho rằng ông ta đã bị một số Fulro quá khích đầu độc. Còn ông Y Gơ Niê K đăm thủ tướng tự phong của Fulro đã bỏ chạy qua Mỹ.
Tháng 12-1992, toàn bộ số Fulro còn lại của tổ chức phản động này gồm 407 người trong đó có cả phụ nữ và trẻ em do đại tá Y Pênh A Yun cầm đầu đã kéo qua biên giới Campuchia dầu hàng UNTAC (lực lượng giữ hòa bình Liên hiệp quốc) lúc đó đang có mặt ở Campuchia và tuyên bố chấm dứt hoạt động vũ trang, giao nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. Đến thời điểm này xem như tổ chức Fulro không còn tồn tại ở nước ta.
Như vậy sau 17 năm (từ sau ngày giải phóng 1975-1992) dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và bằng sự nỗ lực, kiên trì, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ kể cả sự hy sinh, mất mát lực lượng CAND, QĐND Việt Nam đã cùng với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai-Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Lăk-Đăk Nông, và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, An Giang… đã sát cánh đấu tranh nhằm mục đích giải quyết vấn đề Fulro bằng hai giải pháp đi kèm: Kiên trì vận động những toán Fulro lầm đường ra hàng và đánh tổng lực vào căn cứ Fulro ở sâu trong rừng với những nhóm ngoan cố. 
Bằng giải pháp này ta đã thu được thắng lợi hết sức to lớn là loại khỏi vòng chiến đấu 15.000 đối tượng Fulro (bằng giải pháp thuyết vụng, vận động ra hàng), phá vỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở  của Fulro trong các buôn, ấp, thu 2.712 vũ khí các loại. Giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro chủ yếu bằng con đường hòa bình và các giải pháp hợp tình, hợp lý, hạn chế thương vong ở mức thấp nhất để đi đến mục đích cuối cùng là mang lại sự bình yên cho đời sống người dân ở các vùng dân tộc thiểu số, thực hiện sự đoàn kết dân tộc nói chung và ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên, trong đó có vùng dân tộc Chăm.
Võ Thu Sơn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ cuối-Trận đánh tổng lực