Những chuyến bay bồng bềnh mây trắng của tiếp viên hàng không đôi khi đã dệt nên những câu chuyện ấm áp tình người. Đó là chuyện đỡ đẻ cho một sản phụ về quê ngày tết, cứu một hành khách bị co giật… Đặc biệt là những câu chuyện kể khi phải đối mặt trước những cái chết đột ngột của hành khách...

Kỳ 7: Những cái chết đột ngột trên chuyến bay

Một Thế Giới | 09/11/2014, 16:38

Những chuyến bay bồng bềnh mây trắng của tiếp viên hàng không đôi khi đã dệt nên những câu chuyện ấm áp tình người. Đó là chuyện đỡ đẻ cho một sản phụ về quê ngày tết, cứu một hành khách bị co giật… Đặc biệt là những câu chuyện kể khi phải đối mặt trước những cái chết đột ngột của hành khách...

Giành lại hơi thở

Đó là chuyến bay VV773 từ TP.HCM đi Sydney (Úc) lúc 20g15 ngày 22-5-2014 của tổ tiếp viên Vietnam Airlines do Lan Phương làm tiếp viên trưởng.

Khoảng 3 giờ sau khi phục vụ bữa đêm, tổ tiếp viên nhận được thông báo của người nhà hành khách bị bệnh ngồi ở hàng ghế số 23. “Ngay lập tức chúng tôi có mặt thăm hỏi và xem tình trạng bệnh của khách và được biết hành khách tên H.Đ.V., sinh năm 1960, ngồi ở số ghế 23C với tình trạng sức khỏe rất trầm trọng. Khách dựa lưng vào ghế, người đổ gục, tiểu tiện ra quần, rất khó thở”, tiếp viên trưởng Lan Phương kể.

Hai tiếp viên cố gắng đưa khách ra khỏi ghế, đặt nằm xuống sàn để chuẩn bị làm sơ cứu cho hành khách. Lan Phương kể tiếp: “Sau khi kiểm tra mạch, nhịp thở, chúng tôi hô hấp nhân tạo ngay để giành lại hơi thở cho khách. Hai bạn tiếp viên khác đã làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, ấn mạnh vào lồng ngực khách. Nguyên tắc của hô hấp nhân tạo mà chúng tôi được huấn luyện là phải thực hiện cho tới khi kiệt sức mới thay người, nên một bạn tiếp viên đã bị sái tay, không nhấc được cánh tay phải lên. Cùng lúc này tôi đã báo cáo ngay cho cơ trưởng để nắm tình hình và đọc phát thanh kêu gọi sự trợ giúp về y tế của bác sĩ trên chuyến bay”.

Một bác sĩ, một y tá và một hành khách đã học về y tế nhanh chóng lao đến cùng hỗ trợ tổ tiếp viên cấp cứu cho khách. Một tiếp viên đã nhanh chóng lấy hộp cứu thương dành riêng cho bác sĩ sử dụng, lấy thuốc trợ tim và trở thành trợ lý đắc lực cho bác sĩ.

“Bác sĩ cũng tiếp tục hô hấp nhân tạo cho khách – Lan Phương cho biết – không cần biết khách có bệnh lây nhiễm không, nhưng vì tính khẩn cấp, bác sĩ và các tiếp viên đã không kịp mang găng tay và khẩu trang y tế khi hô hấp nhân tạo. Trong điều kiện dụng cụ y khoa thiếu thốn và không gian chật hẹp nhưng sân bay gần nhất vẫn còn xa, bác sĩ và các tiếp viên đã làm hết khả năng có thể. Trong lúc đó các bạn tiếp viên còn lại vẫn phục vụ chăm sóc các hành khách khác, trấn an các hành khách gần khu vực  đang cấp cứu, kín đáo và giữ yên lặng cho các hành khách đang ngủ… Ai cũng lo lắng, căng thẳng nhưng vẫn cố giữ nét mặt tươi tắn và nụ cười trên môi”.

Cơ trưởng đã quyết định hạ cánh xuống sân bay gần nhất.

 Đan tay nhau làm cáng khiêng thi thể khách

Sau 15 phút hô hấp nhân tạo, bác sĩ thông báo: “Chúng tôi không thể làm gì hơn, khách đã tử vong!”. “Chúng tôi lặng người, thương tiếc cho hành khách xấu số, nhưng vẫn phải nghĩ ngay tới việc giải quyết khách tử vong trên máy bay, đặc biệt người chị đi cùng đã chết lặng rồi khóc lớn. Không thể để hành khách biết được có người tử vong mà sợ hãi, hoảng loạn, tổ tiếp viên chúng tôi lại chia nhau ra người an ủi thân nhân khách đột tử, người thu dọn dụng cụ y khoa, người gom lại bông băng, giấy kim tiêm, ống chích vào bao nilong để phục vụ công việc pháp lý”, chị Lan Phương thuật lại.

Cơ trưởng quyết định không hạ cánh xuống sân bay gần nhất mà bay thẳng tới Sydney, mang theo hành khách tử vong. Vấn đề lúc này là tìm vị trí thích hợp để đặt tử thi vì chuyến bay chỉ còn rải rác vài ghế trống. Các tiếp viên quyết định di dời khách lên các ghế trống phía trước, dành ghế cuối khoang để đặt tử thi.
Chị Lan Phương nhớ lại: “Việc khiêng thi thể sao mà khó khăn thế! Lối đi chật hẹp. Tử thi lúc này mềm oặt, nặng trĩu. Sáu tiếp viên chúng tôi đan  tay nhau làm thành một chiếc cáng ôm trọn thi thể vào lòng mới đặt được anh nằm trên dãy ghế cuối của khoang máy bay”.
chuyen bay
 Ảnh: Tiếp viên hàng không luôn bận rộn suốt chuyến bay

Trước khi chuẩn bị bữa sáng cho hành khách và làm công tác hạ cánh tại Sydney, tổ tiếp viên tiến hành họp để chuẩn bị tinh thần tiếp tục làm việc với nhà chức trách tại Sydney khi máy bay hạ cánh. Đến lúc này hầu hết hành khách vẫn nghỉ ngơi, thư giãn như không hề có bất kỳ sự cố gì xảy ra trên máy bay cho tới khi tiếp viên trưởng thông báo về thủ tục pháp lý  tại sân bay Sydney. Sau khi tiến hành kiểm tra bệnh lây nhiễm, khử trùng, tất cả hành khách được xuống máy bay, trừ tổ tiếp viên, bác sĩ và và thân nhân hành khách tử vong.

Chị Lan Phương chia sẻ: “Đã qua 11 tiếng làm việc liên tục trong bầu không khí căng thẳng, chúng tôi tiếp tục ở lại máy bay để từng thành viên trong tổ trả lời các câu hỏi điều tra của nhà chức trách Úc, làm thông dịch cho thân nhân hành khách tử vong, tìm thêm thân nhân của hành khách tử vong tại Sydney và VN để thông báo qua điện thoại. Lắng nghe những tiếng khóc nấc nghẹn của thân nhân hành khách tử vong, chúng tôi lại động viên, lại an ủi họ tiếp tục hợp tác với Vienam Airlines và nhà chức trách Úc”.

Khi về đến nơi nghỉ, tổ tiếp viên đã trải qua 13 tiếng đồng hồ làm việc căng thẳng. “Chúng tôi gần như kiệt sức!”, chị Lan Phương cho biết.

Hô hấp nhân tạo cho người đã mất

Một câu chuyện xúc động khác, trên chuyến bay BL512 của Hãng hàng không Jetstar đi từ TP.HCM đến Hải Phòng lúc 14g ngày 20-11-2012. Nam tiếp viên Đặng Đức Quỳnh trong lúc kiểm tra thẻ lên máy bay của khách đã chú ý một nữ hành khách chừng hơn 40 tuổi, ngồi ở ghế 22B. Thấy hành khách này mặt tái xanh, Quỳnh hỏi thăm chị trả lời chỉ bệnh bình thường, giờ đang về quê.

Sau khi tiếp viên bán hàng xong, khách ngồi ở ghế 22C nhấn chuông gọi. Tiếp viên trưởng Huỳnh Thành Phố đến, khách chỉ người nhà ở ghế 22B nói: “Cô ngủ lâu quá, gọi hoài không thấy dậy, nhờ anh coi giùm có bị sao không?”. Tiếp viên trưởng bắt mạch cho khách thì thấy không còn mạch. Hơi thở cũng không còn!
“Anh Phố bảo tôi kiểm tra lại lần nữa, tôi cũng không thấy mạch và hơi thở. Thật sự lúc đó rất sợ. Tôi nghĩ cô ấy đã chết rồi”, Đức Quỳnh nhớ lại. Sau vài giây trấn tĩnh, hít thở và nhớ đến bài học đã được đào tạo trong quá trình học tiếp viên, tiếp viên trưởng Huỳnh Thành Phố và Quỳnh bình tĩnh đưa khách xuống bếp, trải mền cho khách nằm.
Rồi quên cả sợ, Quỳnh bắt đầu hô hấp nhân tạo: nhấn tim và hà hơi. Trong lúc đó tiếp viên trưởng đi báo cáo với cơ trưởng rồi đọc bài phát thanh nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ. Trong thời gian ấy, Quỳnh vẫn hối hả hô hấp nhân tạo liên tục.“Vì theo đúng quy trình, nếu khách không có hơi thở mình phải tiếp tục làm đến khi có sự trợ giúp của bác sĩ hay đến khi hành khách tỉnh dậy. Dù mệt thế nào cũng cố gắng làm”, Quỳnh bảo.

Trong lúc hô hấp cho khách, Quỳnh đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhưng anh vẫn cố gắng với mọi sức lực để mong một phép màu xảy ra. Quỳnh không nhớ đã làm hô hấp cho khách trong bao lâu mà khi đó chỉ còn biết tập trung thao tác, cầu mong cho khách tỉnh lại. “Chỉ đến khi bác sĩ tới trợ giúp, tôi mới thấy cả cơ thể thấm mệt, mồ hôi túa ra”, Quỳnh kể. Mặc dù có người nhà hành khách nhưng Quỳnh vẫn trực tiếp làm vì sợ người nhà làm không đúng kỹ thuật.

Sau khi kiểm tra giác mạc hành khách, hai bác sĩ (làm việc ở bệnh viện Hà Nội) kết luận: Cô ấy mất từ lâu rồi, trước cả thời gian anh phát hiện và tiến hành hô hấp!. “Bình thường tôi nghĩ tiếp xúc với người chết rất sợ. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi không thấy sợ. Tôi cũng chẳng có thời gian, tâm trí đâu mà sợ sệt rằng lỡ hành khách ấy bị bệnh này bệnh nọ về hô hấp thì sao. Tôi chỉ mong làm sao để hành khách tỉnh lại thôi”, nam TVHK chia sẻ.

Sau khi có kết luận từ bác sĩ rằng hành khách đã tử vong, tiếp viên trưởng báo lại với tổ lái một lần nữa. Theo quy trình, máy bay phải đáp khẩn. Nhưng vì máy bay đã tới Hải Phòng nên tổ lái quyết định đáp xuống sân bay Cát Bi. Lúc đấy, Quỳnh xin phép dời hành khách ở ba hàng ghế cuối để những hành khách khác không biết. Một vài khách hỏi thì tổ tiếp viên khéo léo trả lời: “Cô ấy ổn rồi, cô bị mệt, giờ để cô ấy nghỉ ngơi”.

Đức Quỳnh kể: “Chúng tôi cho hành khách ngồi dựa vào vai người nhà và lấy áo có mũ choàng lên người hành khách. Người thân của hành khách chắc đã biết trước bệnh tình của người nhà nên rất bình tĩnh… Đây là lần đầu tiên trong hãng và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi gặp phải tình huống này. Sau khi xử lý xong, tôi thấy một tiếp viên nữ khóc…”

Còn tiếp….

Theo My Lăng – Minh Phượng/ Tuổi trẻ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 7: Những cái chết đột ngột trên chuyến bay